Ba Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh đều gánh chịu lời nguyền tuyệt tự: Tội lỗi là do ai?

Trần Quỳnh |

Có ý kiến cho rằng 2 nhân vật dưới đây chính là những người phải chịu trách nhiệm trước lời nguyền tuyệt tự của ba vị Hoàng đế cuối cùng trong lịch sử Mãn Thanh. Vậy họ là ai?

Tại Trung Hoa vào thời cổ đại, hầu hết các vị Hoàng đế đều có không ít tần phi và con cái. Cho nên có thể nói rằng, đa số những vị vua thời phong kiến đều không phải lo lắng tới việc không có người kế vị, thế nhưng lại phải đau đầu trong vấn đề lựa chọn người xuất sắc để truyền ngôi.

Cũng bởi vậy mà lịch sử nước này từng ghi nhận không ít sự kiện các hoàng tử đẩy nhau vào cảnh nồi da xáo thịt vì tranh ngôi đoạt vị.

Thế nhưng vào cuối thời nhà Thanh, giai cấp thống trị của vương triều này lại trở thành nạn nhân của "lời nguyền" tuyệt tự khi cả ba vị Hoàng đế cuối cùng đều không có người nối dõi.

Theo quan điểm của Qulishi, việc ba đời Hoàng đế Mãn Thanh là Đồng Trị, Quang Tự và Phổ Nghi liên tiếp rơi vào cảnh tuyệt hậu thực chất bắt nguồn từ hai nhân vật là Đạo Quang Hoàng đế và Từ Hi Thái hậu.

Sự lựa chọn sai lầm của Đạo Quang Hoàng đế - khởi nguồn của "lời nguyền" tuyệt tự

Ba Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh đều gánh chịu lời nguyền tuyệt tự: Tội lỗi là do ai? - Ảnh 1.

Chân dung Đạo Quang Hoàng đế.

Đạo Quang Hoàng đế (1782 – 1850) là vị Hoàng đế thứ 8 của triều đại nhà Thanh trong lịch sử Trung Hoa.

Năm xưa ở vào thời điểm cân nhắc tới việc truyền ngôi, Đạo Quang lúc bấy giờ có tới 3 lựa chọn. Đó là Tứ Hoàng tử Dịch Trữ, Lục Hoàng tử Dịch Hân và Thất Hoàng tử Dịch Huyên.

Vốn dĩ, Lục Hoàng tử mới là lựa chọn tốt nhất cho vị trí kế thừa ngai vị, bởi mọi phương diện của người con trai này đều vượt xa những huynh đệ khác.

Tuy nhiên bởi Đạo Quang lúc sinh thời vẫn luôn khăng khăng giữ quan điểm lập trưởng không lập thứ, vì vậy người con lớn nhất trong số đó là Tứ Hoàng tử đã được truyền ngôi và trở thành Hàm Phong đế sau này.

Thế nhưng dù vậy, Đạo Quang vẫn luôn cảm thấy nuối tiếc trước người con thứ 6. Sau đó ông đã hạ chỉ phong Lục Hoàng tử làm Thân vương.

Đây được xem là một tiền lệ vô cùng hiếm có của lịch sử Mãn Thanh, cũng phần nào chứng minh sự coi trọng của Đạo Quang với người con toàn tài ấy.

Ba Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh đều gánh chịu lời nguyền tuyệt tự: Tội lỗi là do ai? - Ảnh 2.

Tranh chân dung Hàm Phong đế.

Thế nhưng không ai có thể ngờ rằng, quyết định của Đạo Quang vào năm đó chính là nút thắt mở ra "lời nguyền" tuyệt hậu của ba vị Hoàng đế cuối cùng của Thanh triều sau này.

Nguyên nhân là bởi sức khỏe của Tứ Hoàng tử (tức Hàm Phong đế) bẩm sinh đã không tốt, thậm chí chân còn có tật. Những khiếm khuyết này đối với hình tượng của một vị Thiên tử có thể bị xem là đả kích rất lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng chính nguyên nhân về sức khỏe đã khiến Hàm Phong đế cả đời chỉ có được một người con trai. Đó cũng là người con do Từ Hi sinh hạ cho ông, tức Đồng Trị đế sau này.

Năm xưa sau khi kế vị, Hàm Phong còn phải đối mặt với vấn đề thù trong giặc ngoài, việc triều chính có muôn vàn áp lực. Hết thảy những yếu tố nói trên đã khiến ông buông tay trần thế khi mới ở độ tuổi 30.

Tới thời Đồng Trị kế vị, mọi việc nhiếp chính trong triều ban đầu đều do Lưỡng cung Thái hậu là Từ An và Từ Hi cùng Nhiếp chính vương Dịch Hân tiếp quản.

"Lời nguyền" tuyệt tự của ba vị Hoàng đế cuối thời nhà Thanh cũng chính thức bắt đầu từ đây.

Từ Hi Thái hậu và những chiêu đòn hiểm khiến ba đời Hoàng đế Mãn Thanh đều tuyệt tự

Ba Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh đều gánh chịu lời nguyền tuyệt tự: Tội lỗi là do ai? - Ảnh 3.

Ảnh chân dung Từ Hi Thái hậu.

Bên cạnh Đạo Quang Hoàng đế với sự lựa chọn sai lầm về người kế vị, Từ Hi Thái hậu chính là nhân vật tiếp theo phải chịu trách nhiệm cho "lời nguyền" tuyệt hậu này.

Năm xưa khi còn cùng Từ An nhiếp chính, Từ Hi vì có tham vọng mãnh liệt với quyền lực nên đã cố tình trì hoãn việc thành thân của Đồng Trị.

Vốn dĩ theo phong tục của thời bấy giờ, vị Hoàng đế này có thể thành thân từ tuổi 13. Tuy nhiên người xưa quan niệm rằng một khi nhà vua kết hôn là đã có thể xem như trưởng thành, có thể toàn quyền chấp chính.

Vì không muốn nhượng lại quyền lực cho con trai, Từ Hi đã luôn cố tình tìm cách trì hoãn việc chung thân đại sự của Hoàng đế. Kết quả là tới năm 17 tuổi, Đồng Trị mới có thể thành gia lập thất, thế nhưng hậu cung cũng chỉ có vẻn vẹn 2 vị là Hoàng hậu và Tuệ phi.

Từ Hi lúc bấy giờ vốn không ưa Hoàng hậu, thường xuyên cấm Đế - Hậu ở cùng nhau. Do cảm thấy bất mãn, chán nản, Đồng Trị thường cùng đám hoạn quan lẻn ra khỏi cung vào ban đêm để tìm đến các kỹ viện.

Hậu quả là vị Hoàng đế này đã không may mắc phải bệnh hoa liễu và mất sớm khi đang còn ở độ tuổi tráng niên.

Có giai thoại còn truyền lại rằng, năm xưa Hoàng hậu của Đồng Trị vốn đã mang thai. Thế nhưng sau khi nhà vua qua đời, Từ Hi đã vội vã bức tử người con dâu này, đồng thời cũng hại chết cháu đích tôn của chính mình.

Ba Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh đều gánh chịu lời nguyền tuyệt tự: Tội lỗi là do ai? - Ảnh 4.

Tranh chân dung Đồng Trị đế và Hoàng hậu.

Cũng bởi Đồng Trị qua đời mà không có con trai nên một thành viên hoàng tộc khác khi ấy đã được đưa lên làm người kế vị. Đó không ai khác ngoài Quang Tự đế.

Buộc phải rời xa người thân để nhập cung từ khi còn nhỏ, lại thường xuyên bị Từ Hi kiểm soát, vị Hoàng đế này khi lớn lên cũng chẳng mấy khỏe mạnh.

Dù vậy, phi tần hiếm hoi được ông sủng ái một thời là Trân phi cũng đã từng mang thai. Thế nhưng Từ Hi lại một lần nữa vì hiềm khích cá nhân mà "động tay động chân" với nàng, khiến Trân phi không may sinh non.

Sau cuộc Chính biến Mậu Tuất, Quang Tự mất đi tự do, liên tục bị giam lỏng, vì vậy mà cũng khó có thêm con nối dõi trong hoàn cảnh ấy.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều ý kiến còn cho rằng khi đã gần đất xa trời, Từ Hi cũng không muốn trao quyền lại cho nhà vua, vì vậy đã tìm cách hại chết Hoàng đế.

Thiết nghĩ nếu Quang Tự có thể được thả tự do và nắm quyền sau khi Từ Hi qua đời, khi đó ông vẫn chưa tới 40 tuổi, việc có thể con cái cũng không phải là điều khó khăn.

Tới thời kỳ tại vị của vị Hoàng đế cuối cùng là Phổ Nghi, Thanh triều trải qua giai đoạn thống trị của Từ Hi đã trở nên mục nát vô cùng. Bấy giờ, ngay tới Thiên tử cũng không được chăm sóc tử tế.

Hơn nữa lúc bấy giờ Phổ Nghi tuổi còn quá nhỏ, lại bị cung nữ, thái giám làm hư, tính dục quá độ, do đó sau này cũng không còn khả năng sinh con đẻ cái.

Cứ như vậy, ba vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh đều không thoát khỏi lời nguyền "tuyệt hậu". Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến Thanh triều càng nhanh chóng bị đẩy đến bờ vực diệt vong.

*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại