Câu chuyện thứ nhất: Cuộc thi ăn dưa hấu
Làng Parra ở tiểu bang Goa, Ấn Độ nổi tiếng là nơi trồng được nhiều dưa hấu thơm ngon nhất vùng. Mỗi năm, vào mùa thu hoạch dưa, diễn ra vào cuối tháng 5, làng Parra lại tổ chức 1 cuộc thi ăn dưa hấu lớn. Họ sẽ mời những đứa trẻ từ làng Parra và cả các làng khác nữa đến dự thi.
Người ta sẽ lựa ra những quả dưa to và ngon nhất để mang tới cuộc thi. Lũ trẻ sẽ được ăn dưa hấu thỏa thích và chỉ có 1 điều kiện duy nhất được đặt ra, đó là chúng không được cắn hoặc ăn cả hạt, mà phải nhổ ra 1 chiếc bát cạnh đó.
Lũ trẻ được ăn dưa hấu thỏa thích. (Ảnh minh họa)
Nhiều năm qua đi, 1 trong số những cậu bé tham gia cuộc thi ăn dưa ngày nào đã lớn và đến tuổi đi học đại học. Sau khi hoàn thành việc học, cậu đã quay trở lại ngôi làng năm xưa sau 7 năm xa cách.
Vì nhớ hương vị của những quả dưa hấu ngon ngọt năm nào, cậu bé giờ đã trở thành 1 chàng trai trưởng thành tìm ra chợ để mua dưa. Nhưng kỳ lạ thay, mọi thứ không còn như trước. Những quả dưa ở chợ bé hơn rất nhiều, và không còn ngọt như ngày xưa.
Khi dò hỏi, cậu bé được biết, cuộc thi ăn dưa hấu vẫn được tổ chức, nhưng có 1 điều đã thay đổi. Người đứng ra tổ chức cuộc thi giờ đây là con của các bác nông dân ngày trước. Và anh ta nghĩ rằng, tại sao không đem những quả dưa hấu to và ngon nhất đi bán để có nhiều tiền hơn nhỉ? Vậy là, những quả dưa bé và có chất lượng kém nhất mới được chọn cho cuộc thi.
Cứ như thế, năm này qua năm khác, những quả dưa hấu to và ngon nhất trong làng dần biến mất. Chuyện gì đã xảy ra vậy?
Hóa ra trước kia, khi cuộc thi được tổ chức, hạt của những quả dưa hấu to nhất và ngon nhất được nhổ ra những cái bát bên cạnh, và người ta sẽ có những hạt giống tốt nhất cho mùa vụ kế tiếp. Chính vì vậy, càng ngày dưa hấu của họ càng to và ngọt hơn.
Còn bây giờ, chỉ vì lợi nhuận, thế hệ nông dân tiếp theo lại chọn những quả dưa có chất lượng kém hơn cho cuộc thi, rồi lấy những hạt giống đó đem trồng, thì bảo sao mà dưa không ngày càng bé đi?
Lời bàn: Có những kiểu tư duy tính toán, đem lại lợi nhuận trước mắt, nhưng lại gây ra những tổn thất lâu dài. Trong khi đó, có những thứ tưởng là cho đi, nhưng hóa ra lại là nhận lại. Chính vì thế, dù là trong chuyện làm ăn hay trong cuộc sống hàng ngày, hãy nghĩ cho thoáng, đừng quá so đo hay quan tâm đến lợi ích của bản thân, bạn sẽ được nhiều hơn là mất.
Câu chuyện thứ hai: Đi tìm đồng hồ
Có 1 người nông dân bị mất 1 chiếc đồng hồ bỏ túi trong lúc làm việc ở nhà kho. Chiếc đồng hồ rất có ý nghĩa về mặt tình cảm với ông, nên ông đã cố gắng tìm lại nó.
Tuy nhiên, dù cố gắng thế nào, người đàn ông cũng không thành công. Nhìn thấy vài đứa trẻ đang chơi ở bên ngoài nhà kho, ông đã ngỏ lời nhờ chúng giúp đỡ và hứa sẽ trao phần thưởng cho chúng nếu chúng tìm lại được chiếc đồng hồ cho ông.
Chiếc đồng hồ rất quý giá với người nông dân, nên ông quyết tâm phải tìm lại bằng được. (Ảnh minh họa)
Sau khi biết sẽ được thưởng, lũ trẻ háo hức lật tung cả cái nhà kho lên, không bỏ qua cái ngóc ngách nào, thế nhưng, sau 1 lúc lâu vẫn chẳng thấy tăm hơi chiếc đồng hồ đâu. Chán nản, lũ trẻ bỏ cuộc và ra về.
Quá thất vọng, người nông dân cũng định từ bỏ việc tìm kiếm chiếc đồng hồ. Đúng lúc đó, có 1 đứa trẻ từ đâu đi đến, ngỏ lời xem có thể giúp người đàn ông thử tìm chiếc đồng hồ hay không.
"Tất nhiên là cháu có thể thử rồi, nếu cháu muốn", ông nói.
Rồi ông mở cửa nhà kho cho cậu bé. Chỉ vào đó được 1 lúc, cậu bé đã bước ra với chiếc đồng hồ trên tay. Quá vui mừng vì tìm lại được kỷ vật quý giá, người đàn ông cũng không giấu nổi sự tò mò, tại sao bao nhiêu cậu bé đi tìm lúc trước đều thất bại, mà cậu bé này lại tìm được? Liệu cậu có bí quyết gì đặc biệt không?
"Cháu đã làm thế nào vậy?", người đàn ông lên tiếng.
Cậu bé trả lời: "Cháu chẳng làm gì ngoài việc đứng im một chỗ và lắng nghe. Trong sự tĩnh mịch ấy, cháu có thể nghe được tiếng kim đồng hồ và chỉ cần đi theo hướng của âm thanh ấy là được ạ".
Lời bàn: Con đường đi tới thành công của mỗi người không ai giống ai và nó phụ thuộc phần lớn vào khả năng tư duy của mỗi người.
Do đó, đừng ngại phải đi sau người khác. Người đi sau chưa chắc là người thất bại. Chỉ cần bạn nhận ra được những khả năng của mình và biết cách khai thác nó, bạn sẽ đạt được những thành tựu mà người khác không đạt được.
Theo Moral Stories