LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!
Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của nhiều tác giả nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.
----
B-52 MỸ ĐÃ NHẦM: HÃY CHỜ XEM, AI LÀ ĐỐI THỦ CHỦ YẾU CỦA CHÚNG MÀY!
Nhìn rõ B-52 đang bay vào Hà Nội
Mỗi chúng ta, trong cuộc đời chiến đấu của mình, đều có những ngày tháng đáng ghi nhớ. Chắc hẳn ngày và đêm 18 tháng 12 năm 1972 đã trở thành một kỷ niệm sâu sắc đối với rất nhiều người, đặc biệt là đối với các chiến sĩ phòng không - không quân, đối với đồng bào Hà Nội và Hải Phòng.
Ngày 18 tháng 12 năm 1972 thực sự là một ngày đêm dữ dội và hào hùng, mở đầu một chiến công vĩ đại, đánh sập thần tượng siêu pháo đài bay B-52 của giặc Mỹ, đem lại niềm vinh quang bất diệt cho dân tộc ta, Tổ quốc ta.
Các chiến sĩ ra-đa đại đội 16 đoàn ra-đa Ba Bể được vinh dự là những người đầu tiên mở đầu cho trận đánh lịch sử đó.
Mặc cho 17 chiếc máy gây nhiễu trên mỗi chiếc B-52 đã mở hết công suất, công với nhiễu của EB-66, của các tốp cường kích, các trắc thủ Tô Trọng Huy, Phạm Quốc Hùng với cặp mắt tinh tường đã được tôi luyện, với đôi bàn tay thao tác thuần thục một cách nghệ thuật đã chọc thủng màn nhiễu dày đặc của kẻ thù, báo về cho Bộ Chỉ huy chiến lược một tin vô cùng quan trọng:
"Nhiều tốp B-52 đang bay lên hướng Bắc".
B-52 ném bom rải thảm. Ảnh minh họa
Chiến sĩ báo vụ kiêm đánh dấu đường bay Nguyễn Thị Khuê là người đầu tiên ở Sở chỉ huy Binh chủng Ra-đa ghi nhận được tin tình báo này. Lúc đó là 19 giờ 10 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972, khi những tốp B-52 còn cách Hà Nội 300km về phía Tây Nam. Tốp B-52 đầu tiên đó mang số hiệu 463.
Tiếp đó, các chiến sĩ ra-đa đại đội 45 (cũng thuộc đoàn Ba Bể) bố trí trên đất Nghệ An, với cánh sóng tạt sườn, đã nhìn rất rõ những tốp B-52 bay vượt qua vĩ tuyến 20. Đài trưởng Nghiêm Đình Tích, đài trưởng Phạm Duy Khánh, các trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích hồi hộp báo cáo với đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần và chính trị viên Đỗ Mạnh Hiến.
- Đề nghị báo cáo lên trên ý kiến của chúng tôi: B-52 có khả năng vào đánh Hà Nội.
Từ sở chỉ huy ở Nghệ An, Đỗ Năm, đoàn trưởng đoàn ra-đa Ba Bể sau khi nhận được báo cáo, hết sức tin tưởng ở cấp dưới của mình, không để chậm một giây, báo cáo lên tổng trạm ra-đa:
- B-52 đang vào Hà Nội!
Một giọng nói nghiêm trang từ Hà Nội hỏi vào, vang lên trong ống nghe:
- Có chắc không? Đồng chí có bảo đảm là B-52 sẽ vào Hà Nội không?
- Tôi xin bảo đảm!
Những đoạn đối thoại trên đây diễn ra qua tổng đài A-67 của Quân khu 4 vào khoảng thời gian 19 giờ 14 phút đến 19 giờ 20 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972. Chiến sĩ báo vụ kiêm đánh dấu đường bay Hồ Thị Sinh là người ghi những tốp B-52 đầu tiên vượt qua vĩ tuyến 20, vòng qua biên giới phía tây vào vùng đồng bằng Bắc Bộ.
B-52 xuất kích. Ảnh minh họa.
Đó thực sự là những giây phút lịch sử. Và theo tôi, tên tuổi những con người bình thường đó, những trắc thủ ra-đa của đại đội 16, đại đội 45, những chiến sĩ gái báo vụ kiêm đánh dấu đường bay ở Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Ra-đa cần được nhắc đến. Chính họ là những người được vinh dự mở đầu một chiến dịch lịch sử.
Thông báo khẩn cấp, cuộc đọ sức bắt đầu
Từ những đường bay được ghi một cách chững chạc, tự tin trên tấm mi-ca của Hồ Thị Sinh, những tín hiệu "tích tà" mang mật ngữ "333" (Tín hiệu báo động quy định khi có B.52) được phát đi liên tục vào không trung, chuyển đến các sở chỉ huy phòng không trên toàn miền Bắc thông báo khẩn cấp: "Báo động B.52".
Cuộc chiến đấu thực sự bắt đầu từ đó.
19 giờ 30 phút. Từ nóc hội trường Ba Đình, tiếng còi báo động từng hồi dõng dạc và nghiêm trang, xuyên qua màn đêm rét lạnh của mùa đông đến từng phố phường Hà Nội.
Từ ngày đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta, tiếng còi báo động đối với Hà Nội đã trở thành chuyện bình thường.
Thế nhưng những người có mặt ở Hà Nội trong đêm 18 tháng 12 năm 1972 lịch sử ấy đều có chung một cảm giác tiếng còi báo động B.52 hôm đó có một cái gì thật khác lạ, thật đặc biệt, như báo trước với mọi người rằng một sự kiện lớn lao, dữ dội đang bắt đầu đến với dân tộc ta.
Còn những người đã từng trải qua những ngày đêm cuối tháng 12 năm 1946 thì nói rằng không khí đêm 18 tháng 12 năm 1972 này gợi nhớ không khí đêm 19 tháng 12 của hai mươi sáu năm về trước.
Đó thực sự là những năm tháng không thể nào quên.
Mùa đông, trời tối nhanh. Mới hơn năm giờ chiều, màn sương dày đã phủ kín khắp vườn đồi của khu vực Sở chỉ huy. Trong căn hầm được đào sâu dưới lòng đất, những chiếc đèn bão được thắp sáng. Dưới ánh đèn, hai tấm bản đồ bằng mi-ca hiện lên càng làm nổi bật ngôi sao đỏ Hà Nội.
Chưa đến 18 giờ, các nhân viên thuộc kíp trực ban đã có mặt đông đủ trong Sở chỉ huy. Mọi cặp mắt đều hướng về ngôi sao đỏ. Không khí hồi hộp của sự chờ đợi bao trùm lên căn hầm. Sau bữa cơm chiều nay, chúng tôi nhận được điện của đồng chí Vũ Xuân Vinh, Tham mưu phó Quân chủng cho biết: Bộ Tổng Tham mưu nhận địch đêm nay B-52 sẽ vào đánh Hà Nội.
Hình như cùng một lúc, hai chiếc máy điện thoại, một liên lạc với Quân khu, một liên lạc với Hà Nội réo lên một hồi dài. Không hẹn mà gặp, cả Quân chủng và Quân khu đều thông báo một tin giống nhau: B-52 đã cất cánh.
Tôi bảo đồng chí sĩ quan phương hướng cho tôi nói chuyện với đồng chí Nguyễn Văn Giáo, Tư lệnh sư đoàn 365. Vừa nhấc ống nghe lên đã nghe tiếng đồng chí Giáo bên kia đầu dây. Tôi thông báo tình hình địch, nhắc lại một số vấn đề trong phương án tác chiến rồi dặn:
- Các đơn vị phải chấp hành phương án đánh B-52 một cách nghiêm chỉnh và sáng tạo. Tôi nhắc lại: Chỉ được sáng tạo trên cơ sở chấp hành nghiêm những kết luận đã được hội nghị tháng 10 thống nhất.
Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này vì các đơn vị tên lửa của bộ đội tiền phương đều đã kinh qua việc đánh B-52 trên những chiến trường khác nhau nên có những kinh nghiệm khác nhau. Hiện tượng bảo thủ đã bắt đầu xuất hiện.
18 giờ 30 phút, trên bảng tiêu đồ xuất hiện tốp máy bay đầu tiên phía trên biên giới Việt - Lào. Đó là tốp F-111. Đường bay của tốp F-111 nhanh chóng vượt qua biên giới vào vùng đông - bắc Bắc Bộ. Sau đó, chúng tôi được Hà Nội thông báo: các sân bay Nội Bài, Yên Bái, Gia Lâm... bị các tốp F-111 đánh phá dữ dội.
Tôi trao đổi với đồng chí Nguyễn Sinh Huy lúc đó đang ngồi bên cạnh:
- Chúng nó cho không quân ta là đối tượng chủ yếu của B-52 nên tìm cách diệt trước.
Trong ánh đèn mờ, tôi thấy Nguyễn Sinh Huy mỉm cười. Nụ cười của anh như muốn nói: "Hãy chờ xem, ai sẽ là đối thủ chủ yếu của chúng mày!".
Trên bảng tiêu đồ, những tốp B-52 đầu tiên đang hướng về ngôi sao đỏ Thủ đô Hà Nội. Tôi cảm thấy trái tim mình như đau thắt mỗi khi đường chì nhích dần vào. Các đồng chí trong Sở chỉ huy lúc đó đều im lặng, như nín thở. Chắc anh em cũng cùng một tâm trạng như tôi. Không khí căn hầm như bị nén lại.
Đồng chí chiến sĩ tiêu đồ còn rất trẻ, như vô tình, cứ chăm chú kéo những tốp B-52 đi vào Hà Nội. Chỉ riêng cái đường chì kia thôi cũng đủ tin rằng chúng ta sẽ thắng. Nào đâu là APK-20, APK-25, nào đâu là ALT-28, 31, 32 (Tên các loại máy gây nhiễu đặt trên B-52)... Chúng định làm tê liệt các hệ thống ra-đa của ta, bịt mắt chúng ta.
B-52 thả bom.
Thế mà bây giờ chúng ta đã nhìn thấy rõ chúng từ cách xa 300km, theo dõi nó một cách chặt chẽ, cho đến tận lúc này. Nếu chúng ta biết rằng mới cách đây tám tháng, ngày 10 tháng 4 năm 1972, khi B-52 vào ném bom ở Vinh, chúng ta vẫn còn phân vân không biết có đúng là B-52 không, thì rõ ràng chúng ta đã có một bước tiến vượt bậc.
Vượt qua biết bao gian khổ, từ chỗ chưa nhìn thấy được kẻ thù, bây giờ chúng ta đã nhìn rõ chúng, nhìn thấy ngay từ đầu. Đó là một nhân tố bảo đảm thắng lợi.
Lại có điện thoại từ Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Sinh Huy cầm ống nghe. Một lát sau, đồng chí báo cáo, nghe giọng như lạc hẳn đi:
- B-52 đã ném bom Hà Nội.
Tôi đưa mắt nhìn đồng hồ: 19 giờ 42 phút. Như vậy là khoảng 19 giờ 40 phút, hàng đàn máy bay chiến lược B-52 của giặc Mỹ đã ném bom xuống Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
(Trích Hồi ký Đánh thắng B-52 của Trung tướng Hoàng Văn Khánh, NXB QĐND 1993)
Hoàng Văn Khánh (1923-2002), tên thật Hoàng Văn Thiệu, bí danh Trần Giới, là tướng lĩnh cấp cao trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàm Trung tướng, nguyên Phái viên Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không.