Armenia tung thông tin rúng động về âm mưu đảo chính: Nga cảnh cáo gắt đồng minh "nổi loạn"

Tùng Chi |

Bộ Ngoại giao Nga đã phản ứng mạnh mẽ trước các động thái mà Moscow cho là làm leo thang căng thẳng của Armenia.

Armenia cáo buộc Nga "âm mưu đảo chính"

Hãng thông tấn TASS đưa tin, ngay trong tối 28/2, Bộ Ngoại giao Nga đã có phản ứng chính thức trước các động thái làm leo thang căng thẳng gần đây của Armenia.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn kênh truyền hình France 24 TV (Pháp) ngày 22/2, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của Armenia tại Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu với lý do khối này "khiến Armenia thất bại".

Đáng lưu ý, cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông Pashinyan lên tiếng cáo buộc rằng, vào mùa thu năm 2023, các quan chức Nga đã "kêu gọi lật đổ chính quyền ở Armenia".

"Trong sự kiện tháng 9/2023, các đại diện cấp cao nhất của Liên bang Nga đã trực tiếp kêu gọi người dân Armenia xuống đường lật đổ chính phủ hợp pháp đã được bầu chọn của Armenia.

Trên thực tế, không chỉ trong vài ngày mà trong suốt 6 năm nay, các kênh truyền hình Nga đã thực hiện một loạt hoạt động tuyên truyền chống lại chính phủ, các cơ quan dân cử của Armenia và cả cá nhân tôi một cách có hệ thống" - Ông Pashinyan nói.

Armenia tung thông tin rúng động về âm mưu đảo chính: Nga phản ứng gắt,

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cáo buộc Nga đã lên kế hoạch "kêu gọi lật đổ chính quyền ở Armenia" vào tháng 9/2023.

Khi phóng viên France 24 đặt câu hỏi rằng hành động của Nga "hiện có tiếp diễn hay không?", ông Pashinyan cho hay:

"Thật lòng mà nói, tôi đã mất hứng thú với chủ đề đó. Tôi thậm chí không biết nó có tiếp tục diễn ra hay không, nhưng dù như thế nào thì người dân Armenia cũng đã chứng tỏ rằng họ sẽ không từ bỏ chủ quyền, độc lập, dân chủ của mình và sẽ kiên định trong việc khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ, thiết lập quan hệ bình thường với các nước láng giềng, cũng như trong việc thực hiện chương trình nghị sự hòa bình và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU)".

Khi được hỏi "Ông có tin ông Putin không?", Thủ tướng Pashinyan không trả lời trực tiếp vào câu hỏi. Ông nói: "Armenia và Nga có lịch sử quan hệ lâu dài. Lịch sử của những mối quan hệ như vậy có truyền thống mang tính thể chế nhất định, và chúng tôi đang ở trong khuôn khổ của những truyền thống đó".

Mối quan hệ giữa Nga và Armenia đang xấu đi rõ rệt trong những ngày qua.

Căng thẳng ngày càng có dấu hiệu leo thang hơn khi Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan ngày 27/2 đề cập tới ý định trục xuất lực lượng biên phòng và các đơn vị quân đội Nga ra khỏi sân bay quốc tế Zvartnots ở Yerevan.

Trong khi đó, Thủ tướng Pashinyan ngày 28/2 tiếp tục đưa ra tuyên bố về việc Armenia sẽ "tẩy chay", không tham dự các cuộc họp của CSTO và sẽ không duy trì đại diện trường trực tại khối.

Nhận định trên tờ caliber.az (Azerbaijan), nhà phân tích khoa học chính trị David Karapetyan cho rằng, Armenia đang dùng ngôn ngữ "tối hậu thư" để giao tiếp với Nga. Các động thái leo thang của Yerevan có thể đẩy mối quan hệ giữa 2 phía lên tới mức "không thể cứu vãn".

Nga "bắn cảnh cáo"

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 28/2 đã lên tiếng cảnh báo các động thái "không thân thiện" và loạt cáo buộc nhằm "bôi đen các đại diện của Nga" từ phía Yerevan.

Trước tiên, bà Zakharova khẳng định những cáo buộc của Thủ tướng Armenia về việc Nga cố tình kêu gọi đảo chính ở Armenia là "hoàn toàn vô căn cứ".

"Những lời cáo buộc của ông Pashinyan là hoàn toàn vô căn cứ. Các quan chức Nga chưa bao giờ cho phép - dù chỉ một tín hiệu nhỏ - để kêu gọi lật đổ các chính quyền được bầu cử hợp pháp ở bất cứ đâu" - Bà Zakharova nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao cho biết, Nga đang sử dụng cách tiếp cận nhất quán "đối với cả chính quyền hiện tại và trước đây ở Yerevan, cũng như đối với bất cứ quốc gia có chủ quyền nào".

Armenia tung thông tin rúng động về âm mưu đảo chính: Nga phản ứng gắt,

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS

Liên quan tới phát ngôn của Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan về ý định trục xuất lực lượng Nga ra khỏi sân bay quốc tế Zvartnots ở Yerevan, bà Zakharova cho biết Moscow vẫn chưa nhận được yêu cầu chính thức nào từ phía Armenia liên quan tới vấn đề này. Tuy nhiên đối với Moscow, đây là "bước đi không thân thiện tiếp theo" của Yerevan.

Bà Zakharova tiếp tục đề cập tới cáo buộc của ông Armen Grigoryan, Thư ký Hội đồng An ninh Armenia, rằng lực lượng Nga dù có mặt gần làng Nerkin Hand ở Syunik (giáp ranh Azerbaijan và Iran) nhưng đã không thể ngăn chặn được cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan vào ngày 13/2 năm nay, khiến 4 lính Armenia thiệt mạng.

"Chúng tôi đánh giá những tuyên bố như vậy là cực kỳ tiêu cực. Hiện không có quân nhân nào của Nga trong lãnh thổ khu định cư Nerkin Hand, theo thỏa thuận với phía Armenia. Chỉ có vào năm 2021, một đồn biên phòng FSB đã được triển khai ở đó" - Bà Zakharova nói, đồng thời cho biết, Moscow coi các cáo buộc của Armenia là nỗ lực nhằm "bôi đen các đại diện của Nga".

"Trong hơn 30 năm qua, lực lượng biên phòng Nga đã hỗ trợ an ninh tại biên giới và ngay trong lãnh thổ Armenia" - Bà Zakharova nhấn mạnh.

Những lời cáo buộc của ông Pashinyan là hoàn toàn vô căn cứ. Các quan chức Nga chưa bao giờ cho phép - dù chỉ một tín hiệu nhỏ - để kêu gọi lật đổ các chính quyền được bầu cử hợp pháp ở bất cứ đâu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova

Theo tờ azerbaijan-news.az, mối quan hệ Nga-Armenia thực chất đã có dấu hiệu xấu đi từ năm ngoái, tuy nhiên, điều duy nhất khiến Yerevan chưa thể "đoạn tuyệt" hoàn toàn với Nga là vì sự phụ thuộc kinh tế.

Hiện một lượng lớn công dân Armenia đang lao động tại Nga và nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn lao động nhập cư gửi thu nhập từ Nga về nước.

Ngay từ tháng 10 năm ngoái, sau khi cảnh báo Armenia "mắc sai lầm lớn" khi chuyển hướng sang phương Tây, Nga đã bắt đầu phát đi tín hiệu về "mức độ đau đớn kinh tế" mà nước này có thể mang lại cho Armenia.

Ngày 24/10/2023, Duma Quốc gia Nga đã hoãn cuộc thảo luận về dự luật công nhận giấy phép lái xe của Armenia cho mục đích kinh doanh và lao động tại Nga. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn người lao động Armenia tại Nga sẽ rất khó khăn khi hoạt động trong các ngành dịch vụ, ví dụ như nghề lái xe taxi.

Bình luận trên azerbaijan-news.az, nhà kinh tế học Elnur Pasyran nhận định, quyết định của các nghị sĩ Nga khi đó giống như một "phát súng cảnh cáo" đối với Armenia, và là dấu hiệu của các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Moscow có thể thực hiện nhằm buộc "đồng minh cấp dưới" ương ngạnh và đang có dấu hiệu "nổi loạn" của mình phải tuân theo.

Với phản ứng mới nhất của Nga, ông Pasyran cho rằng, Nga đang tiếp tục bắn thêm một phát súng cảnh cáo nữa và hoàn toàn có thể tiến hành "các biện pháp khắc nghiệt hơn trong thời gian tới nếu quan hệ chính trị giữa hai phía tiếp tục xấu đi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại