Armenia đòi trục xuất quân đội Nga khỏi lãnh thổ
Hãng thông tấn Azatutyun.am (Armenia) cho hay, chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan ngày 27/2 đã lên tiếng chỉ trích lực lượng quân đội Nga đang được triển khai ở Armenia do "họ đã không bảo vệ Armenia trước các đợt tấn công của Azerbaijan".
Lực lượng biên phòng Nga trong nhiều thập kỷ qua đã đóng quân dọc biên giới Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, cũng như tại sân bay quốc tế Zvartnots của Yerevan.
Trong và sau cuộc xung đột năm 2020 ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, lực lượng biên phòng Nga tiếp tục được triển khai cùng với các đơn vị quân đội Nga đến một số khu vực ở biên giới Armenia-Azerbaijan.
Theo tờ Politico, lực lượng biên phòng Nga là một phần trong cơ cấu của FSB (Cơ quan an ninh liên bang Nga).
Họ có mặt ở Zvartnots thông qua thỏa thuận Nga-Armenia năm 1992, trong đó không nêu rõ vai trò của lực lượng biên phòng Nga nhưng cho biết họ có thể sử dụng sân bay cho nhu cầu vận chuyển. Thời gian qua, các tổ chức phi chính phủ Armenia cáo buộc rằng FSB đã vi phạm thỏa thuận.
Azatutyun cho biết, một số cơ quan truyền thông Armenia trong tuần qua đưa tin rằng, chính phủ Armenia hiện muốn quân đội Nga rời khỏi Zvartnots giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng với Moscow. Ông Simonyan không xác nhận trực tiếp những báo cáo này nhưng kêu gọi Nga rút khỏi sân bay của Yerevan.
"Chúng tôi sẽ bảo vệ biên giới đất nước của chúng tôi, nhưng chúng tôi không chắc họ (Nga) sẽ bảo vệ biên giới đất nước chúng tôi" – Ông Simonyan nói, đề cập tới lực lượng biên phòng và các đơn vị quân sự của Nga - "Trong một số trường hợp, họ đã cho thấy rằng họ không bảo vệ Armenia, thậm chí còn làm cho vùng biên giới đó dễ bị tổn thương hơn".
Ông Simonyan đã chỉ ra sự thất bại của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công quân sự chớp nhoáng của Azerbaijan nhằm vào khu vực Nagorno-Karabakh có người Armenia sinh sống hồi tháng 9 năm ngoái, buộc toàn bộ người dân Armenia tại đây phải sơ tán.
"Họ đã làm gì ở Nagorno-Karabakh? Họ (lực lượng Nga) đã 'hộ tống' người dân Armenia ra khỏi khu vực. Rồi một ngày nào đó, họ cũng có thể 'hộ tống' cả tôi lẫn các vị ra khỏi Zvartnots" – Ông Simonyan nói.
Theo Azatutyun, phát biểu của ông Simonyan là một dấu hiệu khác cho thấy sự rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa chính phủ Armenia và Nga.
Hôm 22/2, Thủ tướng Nikol Pashinyan bất ngờ tuyên bố Armenia đã đình chỉ việc tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu, bởi khối này "khiến Armenia thất bại". Điện Kremlin phản ứng bằng cách yêu cầu Yerevan đưa ra lời giải thích chính thức.
Một ngày sau (23/2), Bộ trưởng Quốc phòng Armenia Suren Papikyan đã tiếp người đồng cấp Pháp Sébastien Lecornu tại thủ đô Yerevan và ký kết hợp đồng mua súng trường tấn công do công ty PGM của Pháp sản xuất.
Các cuộc thảo luận về việc cung cấp tên lửa tầm ngắn Mistral của liên doanh MBDA (trong đó Pháp là thành viên) cũng được hai phía tiến hành.
Đáng nói, các động thái này diễn ra chỉ trong vòng vài tuần kể từ khi Armenia gia nhập Tòa án hình sự quốc tế (ICC) - nơi đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Putin.
Azatutyun cho biết, hiện Armenia vẫn chưa đưa ra yêu cầu chính thức đối với Nga về việc rút lính biên phòng hoặc các đơn vị quân đội ra khỏi nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, Yerevan có thể sẽ tiến hành điều đó trong bối cảnh Armenia đang dần chuyển hướng sang thân phương Tây.
NATO chỉ "thò 1 tay" đã "đánh cắp" được đồng minh của Nga
Theo tập đoàn truyền thông TLDR News (trụ sở tại London, Anh), với việc Armenia tăng cường quan hệ với Pháp và ký kết các hợp đồng quốc phòng, có thể nói, NATO chỉ "thò 1 tay" đã "đánh cắp" được đồng minh của ông Putin.
Armenia đang tìm kiếm sự hậu thuẫn chính trị, cũng như những sự giúp đỡ khác từ phía phương Tây nhằm biến quân đội từ thời Liên Xô của nước này trở thành một lực lượng có thể chống chọi tốt hơn với đội quân có quy mô lớn hơn và trang bị hiện đại hơn của Azerbaijan.
"Ưu tiên tuyệt đối của chúng tôi là giúp Armenia bảo vệ người dân của mình. Yerevan đang tìm kiếm những đối tác thực sự giúp họ củng cố an ninh. Họ cần chúng tôi ngay lúc này nên chúng tôi có mặt ở đây" – Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Lecornu phát biểu trong chuyến công du tới Yerevan.
Ngoài Pháp, Hy Lạp – một quốc gia thành viên khác trong NATO – ngày 27/2 đã bày tỏ mong muốn "giúp Armenia chuyển liên minh sang phương Tây" với lý do mối quan hệ được cải thiện với Liên minh châu Âu (EU) sẽ thúc đẩy sự ổn định ở khu vực Caucasus đang gặp khó khăn.
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ định hướng hướng về phương Tây của Armenia. Với tư cách là thành viên của Liên minh Châu Âu và NATO, đất nước chúng tôi sẵn sàng đóng góp bằng bí quyết và kinh nghiệm để xây dựng nền dân chủ tự do mới này" - Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitstoakis nói trong cuộc gặp với người đồng cấp Armenia nhân chuyến công du của ông Pashinyan tới Athens.
Về phần mình, ông Pashinyan đã cảm ơn sự hỗ trợ của chính phủ Hy Lạp trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hợp tác EU-Armenia.
"Sự hợp tác của chúng tôi (với EU) đã mang lại kết quả và tôi chắc chắn rằng trong tương lai gần, những kết quả này sẽ trở nên rõ ràng hơn" – Ông Pashinyan nhấn mạnh.