Theo thống kê của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) ngày 22/2, Nga đã bắn ít nhất 20 tên lửa đạn đạo do Triều Tiên sản xuất trong các cuộc tấn công nhằm vào Ukraine kể từ tháng 12 năm ngoái. Trong số này có tên lửa Hwasong-11, hay còn được gọi là KN-23 và KN-24. SBU đồng thời công bố các mảnh vỡ mà họ cho là của tên lửa Hwasong-11.
Nhà Trắng cũng tuyên bố họ đã có bằng chứng cho thấy Triều Tiên cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga, bên cạnh 10.000 container đạn dược/vật liệu liên quan tới đạn dược mà Bình Nhưỡng chuyển cho Moscow kể từ tháng 9 năm ngoái.
Thông tin về việc Nga sử dụng tên lửa Triều Tiên ở Ukraine đồng thời được Trung tâm nghiên cứu vũ khí xung đột (CAR, trụ sở tại Anh) gần đây xác nhận sau khi tiến hành điều tra các mảnh vỡ tên lửa trong một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Kharkiv - thành phố lớn thứ hai Ukraine trong tháng 1/2024.
Những diễn biến trên đang làm dấy lên câu hỏi: Bằng cách nào Nga có được tên lửa Triều Tiên?
Các thỏa thuận ngân hàng
Tờ New York Times (NYT, Mỹ) dẫn lời các quan chức trong mạng lưới tình báo đồng minh với Mỹ cho biết, để đổi lấy tên lửa, Nga đã cho phép giải phóng hàng triệu USD tài sản bị phong tỏa của Triều Tiên và có thể đã giúp Bình Nhưỡng tiếp cận các mạng lưới ngân hàng quốc tế. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng được cho là đang tìm kiếm thiết bị quân sự từ Nga.
Cụ thể, Nga đã cho phép giải phóng 9 triệu USD trong số 30 triệu USD tài sản đang bị đóng băng mà Triều Tiên gửi tại một số tổ chức tài chính Nga. Các quan chức tình báo cho rằng số tiền này sẽ được Bình Nhưỡng sử dụng để mua dầu thô.
Ngoài ra, một "công ty bình phong" - được cho là của Triều Tiên - gần đây đã mở tài khoản tại ngân hàng của Nga. Theo các quan chức tình báo, đây là bằng chứng cho thấy Moscow có thể đang giúp Bình Nhưỡng lách các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, trong đó cấm hầu hết các ngân hàng trên thế giới giao dịch với Triều Tiên.
Trong thời gian qua, các biện pháp trừng phạt này của Liên Hợp Quốc đã bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên và khiến nước này bị cô lập phần lớn khỏi các mạng lưới tài chính quốc tế.
New York Times tiếp tục dẫn lời các quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, tài khoản ngân hàng mới của Triều Tiên được mở tại chi nhánh của ngân hàng Nga ở Nam Ossetia - nước Cộng hòa tự xưng ở vùng Caucasus và có mối liên hệ chặt chẽ với Moscow.
Các quan chức Mỹ cho hay, họ không thể tiết lộ chi tiết các thỏa thuận ngân hàng giữa Nga-Triều Tiên nhưng nói chung các thỏa thuận này "đúng với dự liệu của Mỹ về những gì mà Triều Tiên sẽ yêu cầu từ Nga để đổi lấy việc chuyển giao vũ khí".
Nga sẽ cung cấp công nghệ quân sự cho Triều Tiên?
Trao đổi với New York Times, các chuyên gia cho rằng, việc tiếp cận mạng lưới tài chính chỉ là một phần trong danh sách mong muốn của Triều Tiên. Điều mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un mong muốn nhất từ Nga là thiết bị quân sự tiên tiến, như công nghệ vệ tinh và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Các thỏa thuận ngân hàng có thể mang ý nghĩa quan trọng đối với Triều Tiên trong bối cảnh nước này phải dựa vào việc nhập khẩu để duy trì phần lớn nền kinh tế.
Mối quan hệ ngoại giao chặt chẽ hơn với Nga trong thời gian qua có thể đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều giao dịch của Bình Nhưỡng, không chỉ ở Nga mà còn ở nước ngoài.
Theo các quan chức tình báo, Triều Tiên có thể tận dụng các mối quan hệ của Moscow với một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi - những nước vẫn tiến hành các giao dịch thương mại với Nga sau khi Moscow bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt do cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Soo Kim, cựu nhân viên của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho biết, đối với Nga, các giao dịch tài chính sẽ "dễ chịu hơn" việc cung cấp cho Bình Nhưỡng các bí kíp quân sự, hạt nhân và những công nghệ khác.
Giới chuyên gia cho rằng, Nga vẫn sẽ hành động thận trọng trong mối quan hệ với Triều Tiên vì còn lưu tâm đến các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc - nơi Moscow giữ tư cách là thành viên trường trực Hội đồng Bảo an.
Ngoài các giao dịch ngân hàng, trước mắt, Nga có thể chỉ chấp nhận trao đổi hàng hóa mà Triều Tiên cần để đổi lấy vũ khí.
Ông Hazel Smith, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Trường Nghiên cứu Phương Đông & Châu Phi thuộc Đại học Hàn Quốc, nhận định: "Phương án hợp lý đối với Triều Tiên là tham gia vào các hoạt động trao đổi ngũ cốc và công nghệ nông nghiệp như máy kéo".
Về phần mình, Nga bác bỏ các cáo buộc cho rằng nước này sử dụng tên lửa Triều Tiên ở Ukraine.
Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bàn về Ukraine ngày 10/1 năm nay - một ngày sau khi gần 50 nước đồng loạt lên án việc Nga dùng tên lửa Triều Tiên ở Ukraine và yêu cầu Bình Nhưỡng chấm dứt hợp tác, ông Vassily Nebenzia - Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng, Mỹ "đang rao bán" thông tin sai lệch.
Bước sang ngày 12/1, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song cũng bác cáo buộc cho rằng Moscow sử dụng tên lửa của Bình Nhưỡng để tấn công Ukraine và gọi đây là "cáo buộc vô căn cứ.