Những ngày qua, nhiều cửa hàng điện thoại tại Việt Nam có sử dụng logo hình táo khuyết của Apple, các chữ iPhone, iPad,… trên bảng hiệu đã nhận được thư cảnh báo về việc sử dụng nhãn hiệu Apple mà chưa được phép.
Anh L., chủ một cửa hàng chuyên bán và sửa chữa iPhone trên đường Phan Văn Trị, Gò Vấp (TP.HCM), cho biết nhận được thư từ đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.
“Tôi tìm hiểu và thấy công ty luật gửi thư cho tôi đúng là đại diện pháp lý của Apple. Tôi sẽ tiến hành sửa chữa bảng hiệu sớm trong vòng một tuần. Tôi nghe nói có cửa hàng đã bị phạt 24 triệu đồng rồi”, anh L. nói với ICTnews.
Không chỉ cửa hàng của anh L., dường như nhiều cửa hàng khác có sử dụng hình ảnh của Apple mà chưa được phép đều nhận được thư tương tự.
Các thư thông báo đại diện pháp lý của Apple gửi đến các cửa hàng.
Một cửa hàng trên đường Trần Khát Chân, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhận được thư với nội dung yêu cầu “phải chấm dứt ngay việc sử dụng bất hợp pháp các nhãn hiệu của Apple trên biển hiệu các cửa hàng” trong vòng 7 ngày, nhằm “tránh phải tiến hành các biện pháp pháp lý” trong việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các thư gửi gửi đến những cửa hàng, hầu hết không được Apple ủy quyền tại Việt Nam, đều ký tên công ty Võ Trần – được cho là đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam của Apple Inc., công ty sản xuất iPhone, iPad… có trụ sở tại Mỹ.
Một nguồn tin rất thân cận với Apple ở thị trường Việt Nam khẳng định với ICTnews rằng công ty Võ Trần đúng là đại diện pháp lý (bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) của Apple tại Việt Nam.
Trong các thư “Thông báo và khuyến cáo” do công ty Võ Trần gửi đi, công ty cho biết Apple Inc. sở hữu các nhãn hiệu như logo quả táo khuyết, APPLE, iPhone và nhiều thương hiệu khác như App Store, Apple Store, iPad, iPod, Macbook,…
Các thương hiệu này đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Do đó những cửa hàng sử dụng các nhãn hiệu trên trên bảng hiệu, giấy tờ kinh doanh mà chưa được sự đồng ý của Apple là hành vi sử dụng bất hợp pháp, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các cửa hàng sử dụng trái phép các nhãn hiệu trên có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng đây là cửa hàng được Apple ủy quyền, thông báo viết. Do đó, hầu hết thông báo đều ra thời hạn 7 ngày cho các cửa hàng này điều chỉnh thông tin trên bảng hiệu.
Các động thái mới đây của Apple cho thấy hãng, hoặc những bên có quyền lợi gắn với Apple tại Việt Nam, đang quan tâm đến thị trường này nhiều hơn.
Gần đây nhất, các đại lý bảo hành ủy quyền của Apple đã từ chối nhận bảo hành các sản phẩm iPhone xách tay không có hóa đơn chứng từ - một hành động nhằm hạn chế các cửa hàng xách tay không được ủy quyền nhập hàng số lượng lớn về kinh doanh. Chỉ người tiêu dùng bình thường thực sự mua một vài iPhone về dùng thì mới giữ lại hóa đơn cho từng máy.
Trước đó, Apple đã thành lập công ty tại Việt Nam, lấy tên Công ty TNHH Apple Việt Nam, trụ sở tại TP.HCM. Trước thời gian thành lập công ty, Apple cũng đã có đại diện phụ trách thị trường này nhưng điều hành từ trụ sở Apple tại Singapore.
Những hoạt động mới của Apple cho thấy hoạt động mua bán iPhone xách tay thời gian tới tại Việt Nam có thể sẽ bị siết chặt lại.