Đón đầu tận thu, giá xăng sẽ ra sao?

Khánh Hoà |

Trong khi lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định việc nới khung thuế môi trường với xăng dầu là một đề xuất mang tính “đón đầu”, tạo hành lang điều chỉnh rộng hơn nhằm bù thu khi các loại thuế nhập khẩu giảm, người dân, DN cũng như các chuyên gia đều cho rằng tăng thuế môi trường mà không hoàn toàn vì môi trường là bất hợp lý và đã nới khung thì sẽ sớm tăng thuế, tăng giá.

Thuế môi trường không hẳn vì môi trường

Đề xuất nâng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít là một phần trong dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét vào tháng 10.2017. Tuy nhiên, khi lý giải về việc điều chỉnh khung thuế, bản thân Bộ Tài chính cũng cho rằng môi trường không phải là mục tiêu duy nhất.

Cụ thể, bộ đưa ra 4 lập luận gồm nâng cao hơn nữa nhận thức của tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường, đảm bảo chính sách có tính ổn định, thay thế thuế nhập khẩu phải cắt giảm dần và phù hợp với mức thu của các nước xung quanh nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu.

Trên thực tế, các số liệu cũng cho thấy chỉ một phần trong số tiền thu được từ thuế môi trường của mặt hàng xăng dầu được dùng để bảo vệ môi trường. Cụ thể như năm 2016, tổng số tiền thu được từ sắc thuế này là 42.393 tỉ đồng, trong khi đó tổng chi cho bảo vệ môi trường chỉ 12.290 tỉ đồng, chưa bằng 1/3 số tiền thu được.

Tương tự, năm 2015, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường là 27.020 tỉ đồng, trong khi đó chi cũng chỉ 11.400 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, trong giá bán xăng RON 92 hiện hành, tỉ trọng thuế đã chiếm 41,5% (thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế nhập khẩu 5-10%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít).

Do đó, đề xuất trên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận cũng như nhiều chuyên gia bởi nới khung thuế môi trường mà không vì môi trường là bất hợp lý và mặt hàng xăng có nguy cơ thêm nặng gánh thuế nếu nới khung.

Không chỉ vậy, dù bắt đầu lấy ý kiến từ tháng 1.2017 nhưng tới nay việc đánh giá tác động của lộ trình nới khung thuế cũng như căn cứ đưa ra mức tối đa 8.000 đồng/lít của Bộ Tài chính vẫn còn khá mù mờ.

Chính vì thế, hiện nhiều bộ ngành đã có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính “cân nhắc thật kỹ sự cần thiết, lộ trình thực hiện cũng như đánh giá tác động một cách cẩn trọng đối với xã hội và nền kinh tế.

Điều chỉnh khung, thuế và giá có tăng ngay?

Theo lộ trình, trong tháng 4, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân về dự án luật này để tháng 5 xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Tháng 6 trình Chính phủ dự án luật để Chính phủ trình Quốc hội và tháng 7.2017 dự án luật sẽ được gửi sang Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội để thẩm tra.

Tiếp đó tháng 8, sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật và tháng 9.2017 sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội sau khi đã có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cuối cùng tới tháng 10.2017 sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua.

Về lý thuyết, nếu lộ trình này suôn sẻ, có thể 6 tháng nữa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ có khung thuế mới cao hơn nhiều khung thuế hiện tại và nhiều người lo ngại thuế cũng như giá xăng sẽ tăng mạnh ngay sau đó.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Khắc Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - đơn vị đưa ra đề xuất trên, không phải cứ khung cao thì thuế sẽ cao, mà đó là khung để tham vấn và Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều hành trong mức đó và việc điều chỉnh mức thuế thực tế sẽ được tiến hành sao cho giá xăng trong nước không thấp hơn mặt bằng chung của các nước trong khu vực và thuế môi trường sẽ không tăng ngay theo khung mới.

Bộ Tài chính cho rằng đây mới chỉ là đề xuất khung nên chưa có đánh giá tác động tiêu cực vì chưa có gì cụ thể.

Dù lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định chưa tăng thuế ngay các chuyên gia đều tỏ ra hoài nghi và cho rằng khung đã nới thì thuế cũng sẽ sớm tăng.

Chuyên gia Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng mức khung thuế như vậy là quá cao, bất hợp lý và đã có khung thì sớm muộn gì cũng sẽ tăng thuế mà tăng thuế thì khó tránh tăng giá.

Các DN, đặc biệt là DN vận tải tỏ ra lo lắng vì sợ Bộ Tài chính có khung rồi “sẽ tăng thuế kiểu đánh úp” và điều đó sẽ khiến DN đang khó càng thêm khó.

Với mức thuế nhập khẩu hiện nay, thuế, phí đang chiếm khoảng 8.500 đồng/lít xăng, và nếu thuế môi trường tăng kịch trần trong khi các loại thuế khác chưa giảm thì giá cơ sở xăng, dầu sẽ bị đẩy lên mức hơn 23.000 đồng/lít.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại