Những bước đi nói trên của Apple được đánh giá là táo bạo những cũng gây không ít tranh cãi. Không dừng lại ở đó, hãng này được cho là đang tìm cách cắt bỏ các nút vật lý trên thiết bị của mình.
Cụ thể, Apple hiện đang đề xuất là tạo ra các bề mặt chuyên dụng trên các sản phẩm mà khó có khả năng bị phát hiện trong điều kiện thông thường. Các bề mặt này được đục lỗ bằng các vi mảnh giúp ánh sáng có thể truyền qua chúng.
Mỗi khi cần đến nút vật lý, người dùng sẽ thấy được phân vùng của tính năng này thông qua ánh sáng và sẽ tương tác trên đó. Để thuận tiện cho mỗi lần tương tác, các nhà nghiên cứu sẽ tìm cách để các cảm biến ghi lại cảm ứng hoặc lực nhấn và phản hồi lại theo cách của một nút vật lý thông thường.
Khi các cảm biến nói trên không được sử dụng, chúng sẽ bị vô hiệu hóa và toàn bộ bề mặt sẽ biến mất liền mạch vào thiết bị. Cơ sở lý luận đằng sau ý tưởng táo bạo này là nút vật lý thông thường thiếu tính sáng tạo cũng như khả năng thích ứng, đôi khi gây phiền phức cho người dùng.
Trong khi đó, tiềm năng của nút tính năng ảo này là gần như vô tận. Từ các nút thông báo chuyên dụng hiển thị thông tin có liên quan, thông qua các thanh trượt tạm thời gắn trên viền thiết bị (như thanh cảm ứng của MacBook), nhà sản xuất có thể hướng đến một chiếc iPhone hoàn toàn bằng kính.
Điều đáng nói, công nghệ này chỉ hoạt động với một số vật liệu như thủy tinh, gốm và nhựa. Do triết lý của Apple liên quan đến xây dựng chất lượng, nên cũng phần nào gây trở ngại cho việc phát triển công nghệ mới.
Công bằng mà nói, các nút vật lý đã bắt đầu trở nên lỗi thời trong những năm gần đây. Người dùng ngày càng thoải mái hơn khi thiết bị có ít nút nhấn hơn và Apple đang làm mọi cách để nâng cao chất lượng sản phẩm và thỏa mãn nhu cầu ngày càng khắt khe của người dùng.