Sáng 10/4, em H.T.C - học sinh lớp 10 của trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP.HCM) đã gieo mình từ mái tôn lầu 4 của dãy lớp học xuống sân trường tự tử .
Trong lá thư tuyệt mệnh kẹp lại trong vở, dường như nguyên nhân là vì C quá áp lực trong học tập, điểm số, cũng như việc không thể đáp ứng nổi kỳ vọng của gia đình.
Ảnh minh họa
Đây thực chất chỉ là một trong số rất nhiều vụ học sinh tự tử cả trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, số lượng học sinh - sinh viên tự tử đang tăng lên theo từng năm, và đó đều là những con số đáng báo động.
55 phút một người tự tử và những con số đáng sợ
Theo một nghiên cứu từ Bộ Nội vụ Ấn Độ thì chỉ trong vòng 3 năm từ 2014 - 2017, có hơn 26.000 học sinh đã tự tử tại quốc gia này. Riêng năm 2016 có tới 9.473 em, tương đương mỗi 55 phút lại có một trường hợp xảy ra.
Tại Anh, một nghiên cứu từ năm 2011, chỉ trong vòng 2 thập kỷ, tỉ lệ tự tử tại đây đã tăng tới 170%. Khoảng giữa tháng 1/2014 - 4/2017, có khoảng 145 học sinh, sinh viên tự tử - theo thống kê của cục Khảo sát về tự tử và bệnh tâm thần (NCISH). Trong đó, 70% ở trong độ tuổi teen.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những quốc gia có tỷ lệ học sinh tự tử ở mức cao. Như Nhật Bản, báo cáo của WHO năm 2015 cho thấy tỷ lệ này cao hơn mức trung bình thế giới tới 60%. Thậm chí có thời điểm, Nhật Bản ghi nhận tới 70 trường hợp tự tử mỗi ngày, trong đó có tỷ lệ không nhỏ là học sinh.
Nguyên nhân hàng đầu: Áp lực học tập
Trong nghiên cứu của Bộ nội vụ Ấn Độ, các nguyên nhân chính xác khiến học sinh tự tử chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, ít nhất 1/4 các trường hợp học sinh tự tử là vì thành tích học tập kém.
Đó không chỉ là lý do duy nhất. Lựa chọn nghề nghiệp, lo ngại về tài chính... hoặc đơn giản chỉ là "sợ trượt" thôi cũng là nguyên nhân khiến nhiều học sinh chọn cách kết liễu đời mình. Và nếu tóm gọn lại, tất cả đều là vì 2 chữ: áp lực.
Cha mẹ luôn kỳ vọng con cái phải học giỏi, đỗ đạt thành tài vì nhiều lý do. Có thể là để rạng danh gia đình, có thể là vì gánh nặng tài chính, nhưng rõ ràng ai cũng có thể thấy những thứ đó tạo ra áp lực với giới trẻ.
Áp lực dồn nén sẽ dẫn đến các bệnh về tâm lý, nặng nhất là trầm cảm - thứ hoàn toàn có thể khiến một người tự tìm đến cái chết.
Theo thống kê từ AnonHQ, 139 học sinh Hàn Quốc tự tử trong năm 2012 là vì những lý do như trầm cảm và áp lực thi cử. Trong đó, các khảo sát cho thấy học sinh cảm thấy sợ hãi khi phải đối mặt với cha mẹ với một kết quả điểm không cao.
Áp lực học tập là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến học sinh tự tử
"Về tổng thể, nỗi sợ về việc cha mẹ thất vọng, kèm theo cảm giác luôn thấy học chưa đủ là những nguyên nhân phổ biến nhất khiến học sinh tự tử" - trích báo cáo của AnonHQ. Một số học sinh thà chọn cái chết, còn hơn phải thấy phản ứng của cha mẹ khi mình bị điểm kém.
Cha mẹ phải làm gì để tránh tạo áp lực cho con?
Cha mẹ muốn con học giỏi - điều này không hề sai. Tuy nhiên, khi mong muốn trở thành một nỗi ám ảnh, con cái sẽ là những người chịu khổ.
Muốn con học giỏi, điều đầu tiên là phải kiên nhẫn và mềm mỏng. Việc dồn ép, mắng mỏ chỉ làm tăng thêm hormone stress cho tất cả. Đặc biệt trong mọi trường hợp, hãy bỏ qua phương án đánh đập.
Phụ huynh cũng cần phải tin tưởng con mình hơn. Khi con người thực sự quyết tâm, ai cũng sẽ làm được. Hãy ủng hộ, thay vì kè kè kèm cặp.
Và quan trọng nhất, các bậc cha mẹ cần bỏ suy nghĩ "điểm số là tất cả". Suy nghĩ này rất dễ xảy ra, nhưng trải qua nhiều năm cuộc đời, các bố mẹ hẳn sẽ thấy rằng điểm số chẳng quyết định điều gì cả.
Không ai bắt con cá phải tập leo cây, thế nên đừng bắt con bạn phải chịu những áp lực không cần thiết.
Tham khảo: Telegraph, AnonHQ, Quartz, LA Times...