Áo trấn thủ của anh hùng lái xe Phạm Văn Sức

Hoàng Lan Hương – Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 3 |

Ngày 24/7/2012, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Sức (nguyên chiến sĩ Đại đội 33, Tiểu đoàn 909, Binh trạm 18, Cục Vận Tải, Tổng cục Hậu cần) đã trao tặng chiếc áo trấn thủ của mình cho Bảo tàng Quân khu 3.

Đây là kỷ vật gắn bó với ông trong thời gian lái xe vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường từ Quân khu 4 chi viện chiến trường miền Nam từ năm 1965 đến năm 1970. Chiếc áo được cấp phát theo tiêu chuẩn quân trang. Hiện áo đã cũ, bạc màu theo thời gian và được lưu giữ tại Bảo tàng với số đăng ký 2458-V765.

Anh hùng Phạm Văn Sức, sinh năm 1942, dân tộc Kinh, quê ở thôn Đông Hòe, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ông nhập ngũ năm 1962 khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" (1961-1965).

Sau khi đánh bại chiến dịch mùa khô 1964 - 1965 của đế quốc Mỹ, tạo đà cho cách mạng hai miền Nam - Bắc phát triển nhanh chóng, đòi hỏi nhu cầu chi viện cho chiến trường miềm Nam ngày càng lớn.

Tháng 4/1965, Quân ủy Trung ương quyết định nâng quy mô tổ chức của Bộ Tư lệnh 559, thực hiện nhiệm vụ chiến lược lớn trên toàn tuyến đường Trường Sơn rất rộng và sâu. Vì vậy, trong giai đoạn những năm từ 1965 đến 1973, Đoàn 559 tiếp tục bổ sung lực lượng, chấn chỉnh tổ chức biên chế, phát triển thành 30 binh trạm (tính đến năm 1970).

Tháng 2/1965, Phạm Văn Sức lúc này đang thực hiện nhiệm vụ tại Binh trạm 18 (Cục Vận tải), lái xe vận chuyển hàng cho chiến trường miền Nam trên các tuyến đường địch bắn phá ác liệt. 

Hơn 5 năm, anh đã lái được 62.000km, vận chuyển hơn 800 tấn hàng tới đích an toàn. Không những hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân, nhiều lần trong quá trình vận chuyển, bị địch phát hiện bắn phá, anh đã dũng cảm cứu xe và đồng đội thoát khỏi nguy hiểm.

Áo trấn thủ của anh hùng lái xe Phạm Văn Sức - Ảnh 1.

Bộ đội vận chuyển hàng hóa và tiền tuyến - Ảnh Tư liệu BTLSQSVN.

Tháng 6/1966, không quân Mỹ oanh tạc vào địa điểm trú quân của đơn vị, nhiều xe bị bốc cháy, Phạm Văn Sức đã lao mình vào lửa cứu xe của mình, của bạn rồi bị cháy bỏng nhiều chỗ trên thân thể. Mấy ngày sau, vết bỏng chưa lành hẳn anh lại tiếp tục vượt hiểm nguy lái xe thâu đêm, suốt tháng.

Tháng 10/1967, đoàn xe của đơn vị chở thương binh từ mặt trận về tuyến sau thì máy bay địch bắn pháo sáng trinh sát mặt đường và ném bom. Để đảm bảo an toàn cho đội hình và xe chạy đúng hướng, Phạm Văn Sức chỉ huy các xe tắt đèn, bản thân mặc áo trắng, làm cột tiêu đi trước chỉ đường, dẫn đoàn xe chở thương binh ra khỏi khu vực địch ném bom an toàn.

Có lần qua sông gặp trở ngại, Phạm Văn Sức cùng mọi người lặn ngụp dưới nước đẩy phà hoặc bốc bớt hàng xuống cho xe qua trước rồi bốc hàng lên sau. Nhiều lần anh huy động anh em kéo giúp xe bị đổ bên vệ đường do địch đánh phá. Một lần, xe bạn không may lao xuống bến Mục Sơn (Thanh Hóa), dù trời rét buốt, anh vẫn động viên đồng đội lặn ngụp dưới nước sâu để vớt đạn, kéo xe lên bờ.

Lần khác, xe của đơn vị bạn bị máy bay địch bắn phá, cả 3 người trên xe đều bị thương, không lái được nữa, mặc dù sau quãng đường dài vận chuyển, cơ thể đau rã rời, nhưng anh đã không quản khó khăn vất vả, đưa đồng đội đến trạm cấp cứu, giao xe cho đơn vị bạn rồi đi bộ hàng chục cây số để về đơn vị mình.

Dưới làn bom đạn của quân thù, áo trấn thủ luôn được anh mặc bên mình. Nhờ có nó mà nhiều lần bị thương, anh vẫn hồi phục được và trở lại đơn vị.

Đầu năm 1969, Đại đội 33 của Phạm Văn Sức nhận nhiệm vụ vận tải nhu yếu phẩm, quân trang, quân dụng, vũ khí từ Thanh Hoá qua La Mèo sang Sầm Nưa chi viện cho mặt trận Lào. Vào thời kỳ đó, quân phỉ Vàng Pao được đế quốc Mỹ hậu thuẫn thường nống ra quấy phá vùng biên giới Việt - Lào, chặn mọi ngả đường tiếp viện của Việt Nam sang chiến trường Lào.

Áo trấn thủ của anh hùng lái xe Phạm Văn Sức - Ảnh 2.

Áo trấn thủ của anh hùng Phạm Văn Sức hiện được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 3 - Ảnh Bảo tàng Quân khu 3.

Để phá thế ách tắc, lực lượng công binh của ta gấp rút cải tạo tuyến đường 6B từ Sầm Nưa đi Bản Ban. Phạm Văn Sức khi đó là Trung đội trưởng đã hoàn thành nhiệm vụ thông tuyến bằng việc chỉ huy 8 xe vận tải vũ khí và nhu yếu phẩm với Bản Ban để chi viện cho quân đội. Cũng vào năm 1969, quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với quân đội Giải Phóng của Lào mở chiến dịch Cù Kiệt.

Với những chiến công đã đạt được, ngày 25/8/1970, Phạm Văn Sức vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Khi được tuyên dương, anh là Đảng viên, Thượng sĩ, Trung đội trưởng vận tải ô tô, Đại đội 33, Tiểu đoàn 909, Binh trạm 18, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần. Sau đó, Phạm Văn Sức còn được tặng thưởng 2 Huân chương chiến công hạng Ba và 4 lần đạt Danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Năm 1986, ông Phạm Văn Sức được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng cho nghỉ hưu với cấp bậc Trung tá, hiện nay ông đang sinh sống cùng gia đình tại quê nhà ở xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Với anh hùng Phạm Văn Sức, chiếc áo trấn thủ là một kỷ vật đặc biệt được ông sử dụng trong những năm tháng lái xe vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường đầy gian khổ hy sinh dưới "mưa bom bão đạn" đưa hàng ra tiền tuyến góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Người anh hùng đã làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng với non sông. Hiện vui tuổi già bên gia đình, nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm muốn góp phần mình cho mai sau. Ông đã trao tặng kỷ vật từng gắn bó và giữ gìn bên mình cho Bảo tàng Quân khu 3 làm hiện vật để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại