Antonov AN-123D: Mối đe dọa mới từ Ukraine khiến Nga không thể xem nhẹ

QS |

Dự án AN-132D của Ukraine có vẻ là một kế hoạch địa-chính trị nhằm mục đích làm suy yếu vị thế của Nga trong phân khúc hàng không mà Moscow hiện không có sản phẩm để chào bán.

Trong bài viết trên tờ Russia & India Report, nhà báo Rakesh Krishnan Simha cho hay, Ukraine đã đạt được một dấu mốc mang tính địa-chính trị lớn khi chiếc Antonov AN-132D - máy bay đầu tiên do nước này tự chế tạo mà không sử dụng phụ tùng của Nga - thực hiện chuyến bay hôm 31/3.

Được phát triển dựa trên AN-32, AN-132D sử dụng động cơ của hãng Pratt & Whitney Canada và hệ thống điện tử hàng không do Honeywell cung cấp.

Ngoài ra, theo Flight Global, Antonov - công ty sản xuất và cung cấp dịch vụ máy bay của Ukraine - đã trang trải kinh phí phát triển AN-132D bằng cách hợp tác với 2 tổ chức của Saudi Arabia, trong đó phía Saudi Arabia có một nửa quyền sở hữu đối với dự án này.

Ukraine từng tuyên bố cắt đứt toàn bộ mối quan hệ với Nga và trong cuộc thử nghiệm vừa qua của AN-132D, Kiev đã cho thấy rõ ràng rằng họ dự định dùng AN-132D tấn công thị trường xuất khẩu.

Trong khi Saudi Arabia đang xem xét khả năng mua 6 chiếc AN-132D thì các khách hàng tiếp theo được nhắm tới sẽ là ở châu Phi và Nam Phi.

Antonov AN-123D: Mối đe dọa mới từ Ukraine khiến Nga không thể xem nhẹ - Ảnh 1.

Ukraine đã hợp tác với Saudi Arabia để phát triển dự án AN-132D

Ông Roman Romanov - Tổng Giám đốc công ty xuất khẩu vũ khí UkrOboronProm cho biết, công ty này "đã nhận được nhiều cuộc gọi từ các đối tác tiềm năng trên khắp thế giới".

Rõ ràng Ukraine đang làm theo ý muốn của các thế lực hậu thuẫn từ phương Tây, đó là nhằm vào thị phần của Nga. Việc lựa chọn Saudi Arabia - một "vệ tinh" của Mỹ - làm phía cung cấp tài chính đã cho thấy AN-132D thực chất là một dự án của phương Tây.

Mặc dù AN-132D vẫn còn phải trải qua nhiều cuộc thử nghiệm nữa trước khi có thể xuất khẩu nhưng theo nhà báo Simha, đây có lẽ không phải là "nhân tố thay đổi cuộc chơi" như những thế lực hậu thuẫn Ukraine đang hình dung.

Về cơ bản, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine không thể sánh ngang với Nga - quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới. Nhưng Kiev có thể là nhân tố gây nhiễu.

Xét tới các đối tác và thế lực hậu thuẫn thân phương Tây của Ukraine thì dự án AN-132D có vẻ là một kế hoạch địa-chính trị nhằm mục đích làm suy yếu vị thế của Nga trong phân khúc hàng không mà Moscow hiện không có nhiều sản phẩm để chào bán.

Phần lớn máy bay vận tải của Nga là vận tải hạng nặng. Mặc dù mẫu máy bay hạng nhẹ của Ukraine vẫn còn một chặng đường dài phải đi trước khi chiếm được thị phần từ tay Nga nhưng nó vẫn có thể tạo ra mối đe dọa đối với Moscow nếu Antonov phát triển được một dòng máy bay chuyên dụng dựa trên nền tảng của AN-132D.

Vì thế, Nga không nên đánh giá thấp mối đe dọa mới này từ phương Tây.

Công nghệ của Ukraine có đáng tin cậy?

Ukraine thừa hưởng từ Liên Xô một hệ thống được công nghiệp hóa cao, trong đó có các thương hiệu quốc phòng hàng đầu như Antonov. Nhưng ngày nay phần lớn các nhà máy tại đây đã đóng cửa và hầu hết các mặt hàng của Ukraine được xuất khẩu sang Nga.

Chẳng hạn, Antonov từng thiết kế một số mẫu máy bay lớn nhất từ trước tới nay, nhưng các khâu sản xuất lại được phân bổ trên khắp các nước cộng hòa trực thuộc Liên Xô cũ, chủ yếu ở Nga.

Vì thế, khi "quay lưng" với Nga và tìm cách kết thân với phương Tây, Ukraine đã để mọi lợi thế của nước này trở nên lãng phí.

Những gì thừa hưởng từ Liên Xô cho phép Ukraine tiếp tục có được một lực lượng lao động được đào tạo bài bản. Chỉ riêng Antonov đã có 13.000 công nhân. Họ còn có thêm 70.000 công nhân nữa tại các nhà máy khác sản xuất phụ tùng cho hãng.

Ukraine từng tuyên bố chiến lược cải cách, tập trung vào 5 hạng mục: Hàng không, xe bọc thép, đóng tàu, vũ khí công nghệ cao, radar và thiết bị thông tin liên lạc.

Năm tốt đẹp nhất đối với Bộ Quốc phòng Ukraine có lẽ là 2013, khi nước này đạt tới 2 tỷ USD trong lĩnh vực xuất khẩu. Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc nội chiến nhưng nhìn chung, Ukraine vẫn có tiềm năng để trở thành một nhà xuất khẩu quốc phòng lớn.

Ukraine sẽ cung cấp vũ khí cho Pakistan?

Không chỉ gây rắc rối cho Nga, theo nhà báo Simha, Ukraine sẽ còn mang lại vấn đề cho cả Ấn Độ.

Ukraine đã cung cấp hàng trăm xe tăng T-80 cho Pakistan, đưa nước này trở thành khách hàng vũ khí lớn thứ hai của Kiev, chỉ sau Trung Quốc.

Hiện nay, Islamabad hy vọng Ukraine sẽ cung cấp cho nước này các loại vũ khí công nghệ cao. Nga và Mỹ có hạn chế một số quốc gia mà họ cung cấp vũ khí nhưng Ukraine thì không. Nếu AN-132D giúp Ukraine hồi sinh được ngành công nghiệp quốc phòng thì nước này có thể sẽ cung cấp nhiều loại vũ khí khác cho Pakistan.

Ukraine sẽ mời chào Ấn Độ?

Gần đây, Nga và Ấn Độ đã hủy bỏ thỏa thuận năm 2012, trong đó hai phía dự định hợp tác chế tạo mẫu máy bay vận tải đa nhiệm (MTA) thuộc phân khúc vận tải hạng trung.

Dự án bị hủy bỏ vào đầu năm nay sau khi 2 bên không thống nhất được về kích cỡ và hình dạng máy bay. Trước đó, Ukraine đã tiến hành đại tu phi đoàn hơn 100 máy bay AN-32 cho Không quân Ấn Độ và nước này chắc chắn sẽ muốn chào hàng một mẫu máy bay thay thế.

Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết, uy tín của Kiev trong mắt Không quân Ấn Độ đã giảm sút sau khi 5 chiếc AN-32 được nâng cấp tại Ukraine "biến mất không dấu vết" (dù Bộ Quốc phòng Ấn Độ sau đó đã lên tiếng phủ nhận) và một số kỹ sư Ukraine đột ngột bỏ một dự án nâng cấp tại Kanpur.

Nga nên làm gì?

Antonov AN-123D: Mối đe dọa mới từ Ukraine khiến Nga không thể xem nhẹ - Ảnh 2.

Mô hình máy bay Il-112B

Nga hiện không có sản phẩm nào trong hạng mục máy bay vận tải hạng nhẹ, mặc dù họ có thể nhanh chóng chế tạo được. Trong những năm 1990, Moscow từng có ý định phát triển mẫu Il-112 nhưng cuối cùng lại "dễ dãi" lựa chọn mẫu AN-140 của Ukraine. Sau này, cuộc nội chiến đã khiến Kiev hủy bỏ thỏa thuận đó.

Vì vậy, Nga lại quay trở lại điểm khởi đầu. Theo tờ Ukrop News 24, dự kiến chuyến bay đầu tiên của Il-112 sẽ diễn ra trong năm tới.

Chi phí của AN-132D ước tính từ 30-50 triệu USD, có vẻ quá cao so với một mẫu máy bay vận tải hạng nhẹ. Nếu Nga có thể tung ra mẫu máy bay Il-112 với giá thành rẻ hơn thì hãng Antonov của Ukraine có thể sẽ thất bại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại