Anti-vaccine: Thức thời hay có tội với con trẻ?

Chi Mai |

Tiêm chủng mở rộng (TCMR) luôn bảo đảm 3 yêu cầu cơ bản là: Nâng cao chất lượng tiêm chủng, bảo đảm an toàn tiêm chủng, từ đó nâng cao tỉ lệ tiêm chủng. Tất cả các loại vaccine đều phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng.

Vaccine: Từ khoa học đến kết quả thực tế

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhờ sử dụng vaccine dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết.

Tại Việt Nam, thành công của công tác TCMR đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

Tỉ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng trên 100.000 dân nếu so sánh năm 2010 với năm 1984 thấy: Bệnh bạch hầu giảm 585 lần, ho gà giảm 937 lần, uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, sởi giảm 573 lần. Việt Nam là quốc gia đã đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

Kết quả giám sát các bệnh trong TCMR ở Việt Nam cũng cho thấy: Tỉ lệ mắc hầu hết là các bệnh có vaccine phòng trong chương trình TCMR và đều duy trì chiều hướng giảm qua các năm. So sánh năm 1985 (năm bắt đầu triển khai TCMR trên toàn quốc) với năm 2010, tỉ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần.

Năm 1984 cả nước có 1.223 ca mắc bại liệt, từ năm 1998 cả nước không ghi nhận ca bại liệt. Từ 2000 đến nay không ghi nhận ca bại liệt hoang dại trên phạm vi toàn quốc.

Bệnh bạch hầu cũng ghi nhận số trường hợp mắc giảm đáng kể với 363 lần: Năm 1984 cả nước có 2.177 ca mắc thì năm 2010 cả nước chỉ ghi nhận 6 ca mắc. Đối với bệnh ho gà, năm 1984 cả nước có 28.953 ca mắc, đến năm 2010 số mắc giảm xuống còn 81 ca, số mắc giảm 357 lần.

Tỉ lệ giảm số mắc bệnh uốn ván sơ sinh là 70 lần: Năm 1991 cả nước có 334 ca uốn ván sơ sinh, nhưng đến năm 2010 chỉ có 35 ca mắc. Bệnh sởi đã giảm số mắc 23 lần: Năm 1984 cả nước có 65.148 ca mắc sởi, năm 2010 có 2.809 ca.

Vaccine đều được kiểm nghiệm nghiêm ngặt khi đưa vào sử dụng

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm kêu gọi chống tiêm vaccine (anti-vaccine) cho trẻ. Các đối tượng này chia sẻ các thông tin chưa kiểm chứng của tổ chức nước ngoài về việc vaccine gây động kinh, tự kỷ, đần độn ở trẻ… khiến không ít phụ huynh hoang mang, không cho con đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.

Trước tình trạng trên, Cục Y tế dự phòng cho biết: TCMR luôn bảo đảm 3 yêu cầu cơ bản bao gồm: Nâng cao chất lượng tiêm chủng, an toàn tiêm chủng, từ đó nâng cao tỉ lệ tiêm chủng. Tất cả các loại vaccine đều phải bảo đảm tính an toàn và hiệu lực, đặc biệt phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, giống như thuốc, không có một loại vaccine nào có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối, bởi vì, tiêm vaccine tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể.

Thông thường mỗi cá thể phản ứng với vaccine ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ (như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm) và tự khỏi trong 24 giờ.

Tuy nhiên, một số rất ít cơ thể phản ứng mạnh với vaccine như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong.

Vì vậy trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vaccine, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vaccine lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường. Đó là do phản ứng của từng người với vaccine, chứ không phải do chất lượng vaccine.

Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Việc kết luận các nguyên nhân của trường hợp đáng tiếc sau khi tiêm vaccine cần sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, công tâm từ phía các bác sĩ, chuyên gia.

Không thể đưa ra những suy luận cảm tính, để từ đó gây ra những hoang mang hoặc hiểu lầm không cần thiết, ảnh hưởng xấu đến sự miễn dịch chung của cả cộng đồng.

Tại Việt Nam, thành công của công tác TCMR đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Tuy nhiên, nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn.

Cụ thể như: Nguy cơ virus bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành bại liệt vào Việt Nam là rất lớn; uốn ván vẫn là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh có vaccine phòng được triển khai trong TCMR, đặc biệt, uốn ván sơ sinh vẫn là bệnh có tỉ lệ chết/mắc cao nhất (53-82%).

Do vậy, việc tiêm chủng phòng bệnh là hết sức quan trọng trong việc duy trì các thành quả đã đạt được, không để dịch bệnh bùng phát lại tại một cộng đồng nhỏ sẽ trở thành sự kiện y tế công cộng của Việt Nam.

Chính vì vậy, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định TCMR và tiêm chủng chống dịch là tiêm chủng bắt buộc. Các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Anti-vaccine là có tội với cả một thế hệ của đất nước

PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng, khi phụ huynh do dự, không tiêm phòng cho con là bỏ qua mất thời điểm phòng bệnh tốt nhất cho con mình.

Đồng thời, việc chống lại vaccine, không tiêm vaccine không những ảnh hưởng đến đứa trẻ đó, gia đình đó, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cả cộng đồng, vì bệnh sẽ lây lan cho cộng đồng.

Cũng theo Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, trong nhiều năm qua, hệ thống tiêm chủng của Nhà nước đã rất nỗ lực để đưa tỉ lệ tiêm chủng lên cao không phải nhằm bảo vệ cho một vài cá thể, mà để bảo vệ cho cả cộng đồng.

Do vậy, xã hội càng làm tốt công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh bao nhiêu thì dịch bệnh càng giảm xuống ở ngưỡng thấp bấy nhiêu. Nếu không thực hiện tiêm chủng thì dịch bệnh sẽ trở lại và bùng phát rất nhanh bởi việc giao lưu, đi lại hiện nay rất phổ biến.

Còn BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho biết, tỉ lệ trẻ không tiêm phòng và không biết để tiêm phòng hiện đang nằm điều trị tại Khoa chiếm đến 80% số trẻ.

Đã có những em bé phải chịu di chứng nặng nề về thần kinh, sống đời sống thực vật vì cha mẹ cố tình hoặc không biết nên không tiêm vaccine cho con.

Theo BS. Khanh, nhiều người lăn tăn về câu chuyện tai biến và tác dụng phụ của chủng ngừa, lâu dần xuất hiện tình trạng chống tiêm vaccine kiểu nhóm, hùa theo số đông. Tuy nhiên bác sĩ làm chuyên môn, điều này là “có tội với cả một thế hệ của đất nước”.

“Anti-vaccine là tình trạng đáng báo động, vì nó làm những người đang dao động bỏ vaccine, bỏ chích, khiến bệnh quay trở lại. Cả cộng đồng bỏ chích sẽ gây hậu quả rất lớn. Bệnh quay lại không phải trả giá bình thường mà bằng sinh mạng của hàng loạt trẻ em”, BS. Khanh cảnh báo.

Về việc một số phụ huynh nói rằng, con họ không tiêm vaccine nhưng vẫn khỏe mạnh, BS. Khanh khẳng định, đó là do may mắn do cộng đồng xung quanh họ khỏe mạnh. Tuy nhiên, sự may mắn sẽ hết nếu em bé đó đi qua một vùng có độ phủ vaccine thấp, khả năng mắc bệnh rất cao. Vaccine mang tính cộng đồng, dân tộc là vì vậy.

Đã có những em bé phải chịu di chứng nặng nề về thần kinh, sống đời sống thực vật vì cha mẹ cố tình hoặc không biết nên không tiêm vaccine cho con.

Còn theo TS.BS. Phạm Nguyên Quý, hiện đang làm việc tại Khoa Nội Tổng quát, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren và Khoa Hóa trị, Bệnh viện Đại học Kyoto (Nhật Bản), thì tiêm phòng là một sự đầu tư cho tương lai.

Lợi ích của việc phòng bệnh bằng vaccine đã được chứng minh từ lâu và chương trình tiêm chủng đã trở thành một phần không thể thiếu của mọi nền y tế. Tuy nhiên, từ khoảng 10 năm nay, các phong trào chống đối tiêm chủng (anti-vaccine) đã xuất hiện ở nhiều nước tiên tiến bắt đầu có ảnh hưởng tới Việt Nam.

Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu cụ thể về những lo lắng của cha mẹ khi mang con cái đi chủng ngừa. Tuy nhiên, qua các trao đổi trên một số diễn đàn, nhiều bậc phụ huynh đã nêu rõ các ý kiến và lo ngại như sau:

Việc tiêm vaccine thường được tổ chức đại trà; nhân viên y tế kêu gọi chích ngừa chung chung mà không dành đủ thời gian giải thích cụ thể các lợi ích và nguy cơ.

Quan ngại về các thành phần sử dụng trong vaccine, cũng như quy trình quản lý chất lượng vaccine ở một số cơ sở y tế. Lo lắng về cách ứng phó với các tác dụng phụ. Nhiều báo ồ ạt đưa tin trẻ tử vong sau khi tiêm nhưng rồi nguyên nhân/quan hệ nhân quả với vaccine thế nào không được giải thích rõ.

Đối mặt với sự bất định và lo lắng liên quan tới chủng ngừa. Chủng ngừa là một sự đầu tư cho tương lai mà nhiều bậc cha mẹ đang đắn đo suy nghĩ: Không chích thì có nguy cơ gì? Nếu chích thì có nguy cơ gì? Rốt cuộc, có nên chủng ngừa hay không?

Việc tìm thông tin và tham vấn qua mạng đang dần trở nên phổ biến. Dù tiện lợi, chúng kèm theo nguy cơ, vì nhiều thông tin không được kiểm chứng và đôi khi chỉ phản ánh nhận định cá nhân mà không ai phải chịu trách nhiệm.

Chính vì thế, theo TS.BS. Phạm Nguyên Quý, phát triển và phổ biến những kênh truyền thông chính thống với thông tin đầy đủ, xác thực, cập nhật về các bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng, kèm theo dịch vụ tư vấn riêng biệt để bệnh nhân an tâm và biết cách đối phó với các loại rủi ro là rất hữu ích và cấp thiết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại