"Các bác sĩ cứ săn sóc bệnh nhân như người nhà thì sẽ ít bị tấn công"

Nguyễn Thị Nhuận (Điều dưỡng viên từ Adelaide, Úc) |

Theo 1 nữ điều dưỡng làm việc ở Úc, nếu nhân viên y tế làm việc và giao tiếp một cách chuyên nghiệp để tạo được niềm tin ngay khi bệnh nhân đến thì bạo hành sẽ khó xảy ra.

Khi bạo lực xảy ra...

Tôi được phân công trông coi một bệnh nhân trẻ, có triệu chứng tâm thần. Cậu bé đã đe dọa hành hung mẹ ở nhà và được cảnh sát đưa đến khoa cấp cứu. Dù không muốn ở lại và có thể lực khỏe mạnh, những bệnh nhân thế này sẽ buộc phải ở lại bệnh viện theo lệnh điều trị bắt buộc và được trông coi nghiêm ngặt.

Ăn sáng xong, cậu nhã nhặn xin tôi đi tắm. Ngoài quần áo, cậu còn xin tôi cho mang đôi giầy vải nhẹ cho khỏi lạnh chân. Về nguyên tắc, tôi không được cho cậu đi bất cứ loại giầy dép nào nhưng không hiểu sao tôi lại thương thương và tin cậu ta nên đồng ý.

Vào buồng tắm, cậu đóng chặt cửa còn tôi đứng ngoài chờ. Đó cũng là lẽ thường để bảo đảm riêng tư cá nhân. Có tiếng nước chảy, nhưng quá 5 phút bỗng nghe một tiếng choang khá to của một vật bị vỡ. 

Tôi gõ cửa rồi mở cửa. Đập ngay vào mắt tôi là cái cửa sổ phòng tắm cao hơn đầu tôi đã bị đập vỡ toang, những miếng kính còn dính tua tủa những góc nhọn trông khá gớm ghiếc.

Cậu ta đứng bên cạnh cửa sổ, mắt gườm gườm với mảnh kính nhọn trong tay giơ về phía tôi. Tôi chết lặng vì bất ngờ chỉ kịp kêu lên "help" (giúp). Có ai đó sau tôi kêu: "Đóng cửa lại". Tôi như bừng tỉnh vội sập cửa. Mọi người chạy đến giúp. Chúng tôi không can thiệp gì và để cậu ta thoát ra ngoài. Nguyên tắc đầu tiên khi gặp tai nạn là bảo vệ an toàn cho mình và đồng nghiệp.

Thường thì những chuyện hành hung bằng bạo lực hay dọa nạt thường xảy ra ở khoa cấp cứu, cửa ngõ của bệnh viện. Bởi vậy, khi vào làm việc trong khoa cấp cứu hay khoa tâm thần, chúng tôi được cấp thiết bị báo động nhỏ để khi cảm thấy mình hay người khác bị đe dọa là bấm vào cái máy con con bằng ngón chân cái đeo bên người là đội giải cứu sẽ có mặt để giúp.

Các bác sĩ cứ săn sóc bệnh nhân như người nhà thì sẽ ít bị tấn công - Ảnh 1.

Bệnh viện có đội giải cứu bạo lực - code black team (Ảnh minh họa: Internet))

Cách phòng chống bạo lực

Tôi phải điền vào mẫu báo cáo tai nạn. Trong mẫu có mục: Bạn có đề nghị gì để thay đổi tình hình. Tôi điền theo gợi ý của một đồng nghiệp: Cửa sổ nên có chắn song sắt. Và hôm sau, cửa kính và song sắt được lắp ngay.

Tôi chỉ chứng kiến sự hung hăng đe dọa của vài người bệnh tâm thần (psychosis), đãng trí (dementia), mê sảng (delirium) chứ chưa thấy một sự hành hung hay đe dọa nào từ phía bệnh nhân tỉnh táo hay người nhà của họ. 

Điều này tôi cho là do trình độ dân trí cao, họ hiểu biết nguyên tắc bệnh viện nên tuân thủ nội quy và quan trọng hơn, họ tin tưởng và tôn trọng đội ngũ nhân viên y tế.

Các bác sĩ cứ săn sóc bệnh nhân như người nhà thì sẽ ít bị tấn công - Ảnh 2.

Ở đây, bệnh nhân đến khoa cấp cứu được tiếp đón theo mức nặng nhẹ, ngoài ra không còn tiêu chuẩn nào khác. Ai cũng được hỏi đến ngay và phân loại. Người bệnh nặng vào trước, người bệnh nhẹ chờ. Không cần quen thân, gửi gắm, không cần tiền bạc hay thân thế.

Điều dưỡng lo theo dõi biến chuyển sức khỏe. Bệnh không nặng vào ngày bận có khi chờ đến vài ba bốn giờ mới được bác sỹ khám.

Ở phòng tiếp nhận của khoa cấp cứu, bàn làm việc của nhân viên y tế được che chắn bằng kính chống đạn. Những bệnh nhân có liên quan đến hành hung và có thương tích, hay có biểu hiện hung hăng do say rượu hay bị ảnh hưởng của ma túy thường có cảnh sát đi kèm.

Họ được cảnh sát hay bảo vệ bệnh viện trông nom tùy mức độ quan trọng. Trường hợp liên quan đến tự tử thì thường được điều dưỡng trông nom đặc biệt.

Hàng năm, cùng với rất nhiều bài tập huấn chuyên môn, chúng tôi phải dự lớp tập huấn để nhận biết các nguy cơ bạo lực, cách hóa giải nó và cách thoát ra khi cần thiết. Hơn nữa, chúng tôi không đơn độc. Bệnh viện có đội giải cứu bạo lực (code black team). Đội này gồm có bảo vệ, bác sỹ và điều dưỡng.

Họ không có vũ khí mà chỉ dùng các biện pháp trấn áp như dùng dụng cụ mềm để cột giữ bệnh nhân lên giường hay tiêm thuốc an thần, thuốc mê. Những đe dọa hay hành hung có tính toán và có vũ khí thì phải gọi cảnh sát.

Có phải ta thiếu niềm tin và kém về đối thoại?

Khi người thân vào viện thì ai cũng lo lắng. Ở Việt Nam, sự lo lắng sẽ nhân lên nếu người nhà thiếu lòng tin vào sự tận tâm của nhân viên y tế. Khi đó, họ chỉ còn biết cầu cạnh bằng cách đưa tiền hối lộ cho nhân viên y tế, tìm người quen để gửi gắm hay có người còn bực bội, nổi giận mất khôn vì không có tiền và cũng chẳng có ai quen biết.

Tôi không tin là hình phạt nặng sẽ giải quyết được vấn đề. Tôi có cảm nhận rằng ở Việt Nam hiện nay, người ta thích dùng bạo lực hơn dùng đối thoại để giải quyết mâu thuẫn.

Trong bệnh viện, trường học, nơi công quyền..., nếu mâu thuẫn không được giải quyết bằng đối thoại chân thành thì bạo lực sẽ lên ngôi.

Nếu nhân viên y tế làm việc và giao tiếp một cách chuyên nghiệp để tạo được niềm tin ngay khi bệnh nhân đến thì bạo hành sẽ khó xảy ra. Cô em tôi cũng là điều dưỡng ở Adeleide bảo: "Bác sỹ với điều dưỡng cứ săn sóc bệnh nhân như người nhà đi thì chắc sẽ ít bị "tấn công"".

Cần lắm sự tử tế và lòng kính trọng

Ngoài những người bệnh tâm thần, tôi không lý giải được tại sao người ta lại có thể hành hung nhân viên y tế khi họ đang cần sự giúp đỡ y tế cho người thân?

Truyền thống của ta rất tôn trọng những ông lang ngày xưa, gọi họ là "thầy", kính trọng như thầy giáo. Ông nội chồng tôi làm nghề bắt mạch bốc thuốc lúc sinh thời. Gia đình không giàu có nhưng có sự kính trọng của nhân dân trong vùng.

Các bác sĩ cứ săn sóc bệnh nhân như người nhà thì sẽ ít bị tấn công - Ảnh 3.

Hình minh họa: Internet

Tôi nghe được những câu chuyện về quà cáp cây nhà lá vườn của những người bệnh nghèo được cứu giúp. Cứu người không chỉ vì tiền bạc, và lòng biết ơn cũng được trả bằng những thứ không tính được bằng tiền. Sự tử tế lúc nào cũng có. Tôi cũng vẫn còn nghe thấy những chuyện vui hiếm hoi về sự tận tụy của nhân viên y tế. 

Sự tử tế cũng cần được xã hội nuôi dưỡng, để nó sinh sôi chứ đừng làm nó thui chột đi. Nếu "môi trường" bệnh viện minh bạch, nếu bệnh nhân là trung tâm của hệ thống y tế thì nhân viên y tế và bệnh nhân đều được đối xử tốt hơn.

Theo tôi, không một phép màu nào từ bên ngoài có thể giảm được sự bạo hành trong bệnh viện ở nước ta bây giờ.

Phép màu phải đến từ chính từng người chúng ta: Từ nếp sống có ý thức cộng đồng và tuân thủ luật lệ của người dân, từ sự chuyên nghiệp trong giao tiếp của đội ngũ nhân viên y tế cũng như từ lương tâm và trách nhiệm của các quan chức to nhỏ bên trong và bên ngoài bệnh viện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại