Ánh Viên phải mất bao lâu để giành huy chương Olympic?

Lập Trần |

Thất bại ở nội dung 400 mét hỗn hợp sở trường, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên gần như còn rất ít cơ hội để giành huy chương tại Olympic Rio 2016, nếu không nói là vô vọng.

Một khoảng cách mênh mông

Sáng nay (8/8), Nguyễn Thị Ánh Viên đã bước vào thi nội dung 400m tự do nữ. Đây không phải là nội dung sở trường, nên việc kình ngư người Việt Nam không lọt vào chung kết cũng là điều chẳng có gì lạ.

Tuy nhiên, thành tích 4'16"32 mà Ánh Viên đạt được và chỉ được xếp thứ 26 trên tổng số 32 VĐV tham dự vòng loại, thì kình ngư này đã không đánh bại được đối thủ là… chính mình. Nên nhớ, thành tích tốt nhất của Ánh Viên là 4'08"66, từng giúp cô giành chuẩn A tham dự Olympic 2016.

Trước đó, dù Nguyễn Thị Ánh Viên đã thi đấu rất tốt tại nội dung bơi sở trường là 400m hỗn hợp nữ khi về nhất vòng loại thứ ba với thành tích 4’36’’85, phá kỷ lục cũ 4’38’78 lập tại giải vô địch thế giới 2015 tại Kazan, Nga tới 1’93. Đáng tiếc, thành tích này không đủ để giúp cô lọt vào đợt bơi chung kết.

Ánh Viên phải mất bao lâu để giành huy chương Olympic? - Ảnh 1.

Cần phải thẳng thắn, nếu nhìn vào những thông số của các VĐV giành huy chương là Katina Hosszu của Hungary (4’26’’36), Dirado Madeline của Mỹ (4’31’’15) và Garcia Mirera của Tây Ban Nha (4’32’’39), dù đã kỷ lục của cá nhân (4’36’’85), thì Ánh Viên còn kém HCĐ đến hơn 3’54, một khoảng cách quá lớn.

Ngoài 400m hỗn hợp cá nhân nữ và 400m tự do nữ , Ánh Viên còn tham dự 200m hỗn hợp cá nhân nữ (vòng loại). Tuy nhiên, cơ hội để kình ngư người Việt Nam làm nên bất ngờ là rất nhỏ. Rất có thể, Ánh Viên sẽ rời Brazil với một kỷ lục của chính bản thân mà thôi.

Hoặc nếu có điều gì đó để tự hào ngoài việc thiết lập kỷ lục cho bản thân, Ánh Viên có thể ngẩng mặt vì cô chỉ đứng sau thành tích của VĐV người Nhật Bản đã lọt vào chung kết là Sakiko Shimizu.

Song chính tay bơi này cũng thi rất tệ khi chỉ giành được thành tích 4’38’’06. Tức, Ánh Viên có thể nghĩ đến việc đánh bại đối thủ ở tầm châu lục.

Đợi đến bao giờ?

Sau thành công tại SEA Games 28, Ánh Viên bước vào ngôi nhà huyền thoại của những làng bơi loại khu vực khi giành đến 8 HCV và thiết lập 8 kỷ lục các loại ở những nội dung của môn bơi lội. Sau đó, Ánh Viên còn đi vào lịch sử với tư cách là tay bơi đầu tiên của Việt Nam giành 2 HCĐ tại Asiad 17.

Nhờ những thành tích ấy mà lãnh đạo Tổng cục TDTT đã quyết định thông qua gói kinh phí trị giá 200.000 USD (tương đương hơn 4 tỷ đồng) để Ánh Viên trở lại Mỹ tập huấn cùng với HLV Đặng Anh Tuấn và các chuyên gia nước ngoài.

Như đã đề cập, Ánh Viên đã có những tiến bộ rất lớn. Thế nhưng, để tiệm cận thành tích để đua tranh huy chương ở một đấu trường khốc liệt như Olympic thật sự không dễ dàng.

Ở tuổi 20, Ánh Viên còn rất nhiều thời gian để cải thiện thành tích và người ta kỳ vọng kình ngư người Cần Thơ sẽ tạo ra những đột phá trên đường đua xanh.

Và cũng chỉ có những bước đột phá mạnh mẽ Ánh Viên thì mới hy vọng giành huy chương ở đấu trường thế giới. Chắc chắn, Ánh Viên sẽ tiếp tục được đầu tư về tiền bạc như đã từng trong suốt thời gian qua, thậm chí lớn hơn rất nhiều.

Ánh Viên phải mất bao lâu để giành huy chương Olympic? - Ảnh 3.

Ánh Viên cần sự đầu tư tốt hơn nữ để hiện thực hóa mục tiêu huy chương tại Olympic.

Tuy nhiên, để tạo ra một "cú hích" thì kình ngư này cần có những sự đổi thay về môi trường tập luyện, thậm chí cần được làm việc với những chuyên gia giỏi nhất.

Mục tiêu thiết thực nhất của Ánh Viên là hướng tới Olympic 2020 tại Tokyo, Nhật Bản. Kình ngư này vẫn còn 4 năm, đây cũng là khoảng thời gian cô bước vào độ chín của sự nghiệp.

Chắc chắc, ngoài sự đầu tư về vật chất, tiền bạc, Ánh Viên cần sự nỗ lực của bản thân mới làm nên điều kỳ diệu ở đấu trường lớn như Thế vận hội.

Có lẽ bản thân Ánh Viên cũng biết rằng để bơi từ "ao làng" đến Olympic là một khoảng cách xa vời. Chính vì thế, kỷ lục như SEA Games cũng đôi khi chỉ là sự tham khảo nếu như bỏ lại đằng sau những khát vọng.

Những dự án đợi chờ

Theo đề án đầu tư trọng điểm của bộ VH-TT&DL trình lên Chính phủ, đến năm 2020, thể thao Việt Nam phấn đấu có khoảng 45 VĐV vượt qua các cuộc thi vòng loại, có huy chương tại Olympic 2020.

Bộ cũng đã xây dựng đề án về đào tạo VĐV trọng điểm cho Asiad và Olympic, kinh phí đầu tư dự kiến 100 tỉ đồng/năm cho 20 VĐV đặc biệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại