Ảnh vệ tinh mới tiếp tục "tố" TQ ráo riết điều quân, tăng 1.500% công trình tại biên giới với Ấn Độ?

Hồng Anh |

Những hình ảnh vệ tinh mới được truyền thông Ấn Độ công bố cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục điều quân và tăng cường xây dựng tại khu vực biên giới với Ấn Độ, theo NDTV.

Trung Quốc tăng 1.500% công trình tại biên giới với Ấn Độ?

Một ngày sau khi Ấn Độ và Trung Quốc đạt được đồng thuận về việc bắt đầu rút binh sĩ khỏi khu vực Đường Kiểm soát thực tế (LAC) ở Ladakh, truyền thông Ấn Độ đã công bố những hình ảnh vệ tinh mới nhất chứng minh Trung Quốc vẫn tiếp tục điều quân đến khu vực này và xây dựng thêm những công trình mới ở cả hai bên đường LAC, theo đài NDTV (Ấn Độ).

Những hình ảnh này đã được đưa ra trong bối cảnh các quan chức quân đội cấp cao của hai nước đang tiếp tục tiến hành đàm phán hòa giải sau vụ đụng độ dữ dội tại biên giới đêm 15/6 vừa qua, khiến 20 binh sĩ, sĩ quan Ấn Độ thiệt mạng.

Phía New Delhi cho biết con số thương vong của Trung Quốc ít nhất phải gấp đôi so với Ấn Độ - trong đó bao gồm một đại tá - tuy nhiên Bắc Kinh đã phủ nhận điều này dù không công bố con số chi tiết.

Ảnh vệ tinh mới tiếp tục tố TQ ráo riết điều quân, tăng 1.500% công trình tại biên giới với Ấn Độ? - Ảnh 2.

Nguồn: NDTV

Theo NDTV, hình ảnh trên cho thấy 2 hình ảnh so sánh tại ví trị gần Điểm Tuần tra số 14, nơi vụ đụng độ chết người hôm 15/6 được cho là đã diễn ra.

Trước đó, hình ảnh ngày 22/5 cho thấy tại khu vực này chỉ có duy nhất một chiếc lều màu trắng. Tuy nhiên, những hình ảnh mới được ghi nhận đã cho thấy sự xuất hiện của nhiều công trình mới - được cho là do Trung Quốc xây dựng; bao gồm một số vị trí phòng thủ và phòng ở của binh sĩ.

Trung tướng về hưu Ramesh Padhi, người trước đây từng tham gia vẽ bản đồ của Ấn Độ, cho biết những hình ảnh vệ tinh mới cho thấy "có sự triển khai các phương tiện hạng nặng [tại khu vực LAC]. Điều này chứng minh rằng họ [Trung Quốc] có ý định tiếp tục duy trì hiện diện quân sự tại khu vực này."

NDTV đã liên hệ với quân đội và Bộ Ngoại giao Ấn Độ, tuy nhiên đài này vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể từ chính quyền. Các nguồn tin của chính phủ Ấn Độ cho biết họ đang "xem xét" các thông tin này.

Ảnh vệ tinh mới tiếp tục tố TQ ráo riết điều quân, tăng 1.500% công trình tại biên giới với Ấn Độ? - Ảnh 3.

Nguồn: NDTV

Những hình ảnh vệ tinh rõ nét cũng cho thấy đây là lần đầu tiên các cống nước được xây dựng ở phía trên dòng sông Galwan, tọa lạc cách khu vực đường LAC chưa đầy 1km.

Ảnh vệ tinh mới tiếp tục tố TQ ráo riết điều quân, tăng 1.500% công trình tại biên giới với Ấn Độ? - Ảnh 4.

Vị trí của đoạn cống nước ở gần vị trí của chiếc máy ủi được cho là đã ngăn dòng chảy của sông Galwan, theo hình ảnh được vệ tinh ghi lại hôm 16/6. Hình ảnh mới của ngày 22/6 cho thấy dòng chảy của sông Galwan đã không còn bị chặn sau khi đoạn cống nước được xây dựng, theo NDTV.

Ngoài ra, đoạn đường dẫn tới LAC cũng được mở rộng đáng kể bằng các loại máy ủi đất hạng nặng được triển khai dọc bờ sông và có thể nhìn rõ qua hình ảnh vệ tinh.

Trong khi đó, ở phía đối diện - khu vực do Ấn Độ kiểm soát - dường như không có thêm bất cứ hoạt động xây dựng đường sá nào.

Tuy nhiên, trước đó, New Delhi đã hoàn thành việc xây dựng một đường cao tốc lớn nằm cách đường LAC khoảng 6km, nối liền Durbuk ở miền Nam với Daulat Beg Oldie ở miền Bắc nước này. Nhiều ý kiến tin rằng việc xây dựng đường cao tốc này cho phép Ấn Độ triển khai nhanh lực lượng đến khu vực biên giới, và điều này đã khiến phía Trung Quốc lo ngại.

Chính quyền Ấn Độ cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc xây dựng các công trình ở Đông Ladakh sẽ không bị ngăn trở hay trì hoãn trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Còn theo báo Hindustan Times, ngoài khu vực Điểm Tuần tra số 14, Trung Quốc vẫn tiếp tục huy động thêm binh sĩ, xây dựng thêm công trình tại một số khu vực tranh chấp khác như hồ Pangong Tso, Depsang, suối nước nóng Gogra Post.

Hãng thông tấn Sputnik (Nga) dẫn lời chuyên gia phân tích hình ảnh vệ tinh của Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia, ông Nathan Ruser, cho biết số công trình/lều lán và phương tiện được cho là của Trung Quốc trong phạm vi 1km từ đường LAC đã tăng từ 3 lên 46 (tăng 1.500%) so với tháng trước. Ông Ruser cũng cho biết trong cùng giai đoạn này, số công trình của Ấn Độ đã giảm từ 84 xuống còn 17 - tức 80%.

Phân tích của chuyên gia Nathan Ruser:

Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng những công trình được ông Ruser đề cập và cho là của Trung Quốc thuộc về quân đội Ấn Độ.

Ý kiến phản bác của Strat News Global:

Tình hình vẫn chưa thể cải thiện?

Đầu tuần này, quan chức quân đội cấp cao của hai nước Trung-Ấn đã tiến hành đối thoại và đạt được đồng thuận về việc bắt đầu rút quân khỏi tất cả các khu vực xảy ra tranh chấp giữa hai nước tại đường LAC.

Theo NDTV, mặc dù các cuộc đối thoại được tổ chức trong không khi thiện chí, nhưng hai bên vẫn chưa có dấu hiệu bắt đầu rút quân như đã thỏa thuận để giảm căng thẳng và tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau.

Hãng tin này cũng cho biết các quan chức quân đội Ấn Độ đang "lạc quan thận trọng" về các cuộc đối thoại với Trung Quốc, dù có nhiều ý kiến tin rằng tranh chấp biên giới và căng thẳng giữa hai nước sẽ khó có thể giải quyết ngay lập tức. Thực tế, từ những hình ảnh vệ tinh mới nhất, có thể thấy rằng các cuộc đàm phán song phương vẫn chưa thể cải thiện tình hình như mong đợi.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại