Những tác động tới sức mạnh quân sự Anh
Theo nhà phân tích Robert Beckhusen, mặc dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy người dân Anh muốn rút khỏi EU nhưng Brexit sẽ không diễn ra ngay lập tức. Những tác động đến sức mạnh quân sự của nước này và của NATO nếu có thì cũng chỉ bộc lộ sau một thời gian nữa. Song những tác động đó có thể đem lại hậu quả tiêu cực và lâu dài.
Nước Anh vẫn là thành viên chủ chốt của NATO và tổ chức này chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho toàn bộ khu vực Châu Âu chứ không chỉ riêng các thành viên EU. Bên cạnh đó, Anh vẫn là một trong những nền kinh tế lớn nhất Châu Âu và có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế nhờ vào ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an.
Việc Anh rời EU cũng sẽ không làm gián đoạn các chiến dịch quân sự chung của nước này với Mỹ, như chiến dịch chống hải tặc ở Châu Phi hiện nay. Đó là chưa kể đến việc quá trình chính thức rời EU sẽ mất vài năm để hoàn tất. Tuy vậy, Brexit sẽ có những tác động không nhỏ đến sức mạnh quân sự của Anh.
RUSI, một tổ chức nghiên cứu độc lập, đã đánh giá rằng sự kiện này có tác động tương đương với khi Anh rút khỏi kênh đào Suez vào cuối những năm 1960.
Thời điểm đó, nước Anh cũng đang trải qua những thay đổi sâu rộng về chiến lược quân sự. Họ rút lực lượng khỏi khu vực Đông Á và Trung Đông để tập trung vào nhiệm vụ ngăn chặn Liên Xô ở Châu Âu. Cùng lúc đó, quân đội Anh cũng được tăng cường cho nhiệm vụ bảo đảm an ninh ở Bắc Ireland.
Anh tham gia EEC, tiền thân của EU, vào năm 1973. Như vậy, quá trình chuyển trọng tâm của chiến lược quân sự Anh từ các khu vực thuộc địa cũ về lại Châu Âu cũng diễn ra đồng thời với việc thắt chặt các mối quan hệ chính trị - kinh tế giữa Anh và các nước Châu Âu. Những thay đổi này cũng làm định hình lại năng lực của quân đội Anh.
Máy bay ném bom Avro Vulcan.
Không quân Anh hủy bỏ chương trình phát triển máy bay ném bom tầm xa Avro Vulcan vì không còn cần thiết cho chiến lược phòng thủ trước Liên Xô.
Chương trình tàu sân bay mới bị hoãn để ưu tiên đóng tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Trafalgar nhằm săn tìm tàu ngầm Liên Xô ở Đại Tây Dương. Chiến đấu cơ Tornada cũng là một sản phẩm của thời kỳ này, được thiết kế chủ yếu để chống lại Liên Xô và do một liên doanh Đức – Anh – Ý sản xuất.
Cuộc chiến tại Falkland năm 1982 đánh dấu một bước chuyển tiếp theo trong chiến lược quân sự của Anh. Kể từ những năm 1990, Anh hướng ra bên ngoài Châu Âu nhiều hơn, tham gia những cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.
Hiện nay Anh vẫn còn duy trì 450 cố vấn tại Afghanistan. Nước này cũng gửi chiến đấu cơ và cố vấn tham gia chiến dịch chống IS tại Syria và Iraq. Nhìn chung, quân đội Anh tập trung vào các hoạt động toàn cầu hơn là chỉ tập trung vào Châu Âu như trong Chiến tranh lạnh.
Trong bối cảnh sau Brexit, Anh có thể tập trung trở lại cho vai trò của mình trong NATO để bù đắp sự suy giảm ảnh hưởng chính trị.
Đồng thời, trong bối cảnh các chính phủ Châu Âu lo ngại việc Nga đang tăng cường sức mạnh quân sự thì đóng góp của Anh cho sức mạnh phòng thủ Châu Âu có thể là một trong những lợi thế hiếm hoi khi nước này đàm phán quá trình rời EU.
Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới tại Warsaw, Ba Lan có thể quyết định những ưu tiên và yêu cầu mới cho chiến lược quân sự của Anh tại Châu Âu, đặc biệt là khi Mỹ đang muốn các nước Châu Âu gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, thay vì dựa vào sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý lần này cũng cho thấy những khác biệt sâu sắc trong nội bộ Liên hiệp Anh. Scotland và Bắc Ireland đều có tỷ lệ ủng hộ ở lại EU cao, đặc biệt là Scotland, nơi vừa trải qua một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập.
Phía ủng hộ Scotland ở lại Liên hiệp Anh thắng trong lần đó, nhưng giờ đây đang có nhiều lời kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ 2 để Scotland tách ra thành 1 quốc gia độc lập.
Tàu ngầm lớp Vanguard
Hải quân Anh hiện có 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Vanguard, mang tên lửa liên lục địa Trident, tại căn cứ Clyde, Scotland. Đảng hiện đang chiếm đa số tại nghị viện Scotland hiện nay, SNP, có chính sách ủng hộ độc lập và phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân tại Scotland.
Nếu Scotland giành độc lập và yêu cầu Anh triệt thoái các tàu ngầm Vanguard khỏi nước này thì quá trình đó có thể rất tốn kém. Hải quân Anh có thể tái triển khai chúng tại xưởng đóng tàu Devonport ở Plymouth, Anh nhưng cơ sở này cần được nâng cấp lớn để đảm nhiệm vai trò ấy.
Các cơ sở đóng mới tàu chiến của Anh cũng tập trung chủ yếu tại Scotland, và việc di dời chúng cũng không đơn giản, đặc biệt là nếu nền kinh tế nước này lâm vào khủng hoảng.
Tác động tới thị trường vũ khí châu Âu
Brexit cũng có ảnh hưởng lớn đến các tập đoàn quốc phòng ở cả Châu Âu và Mỹ. Khi giá trị của đồng euro và bảng Anh suy giảm so với đồng dollar, thì giá của vũ khí Mỹ khi bán cho các nước Châu Âu sẽ tăng lên.
Ví dụ tiêu biểu nhất tất nhiên không gì khác ngoài chiến đấu cơ đa nhiệm F-35 JSF, mà cả Anh, Hà Lan, Đan Mạch và Ý đang có hợp đồng mua. Nhà sản xuất Lockheed Martin cần giữ các hợp đồng này để đảm bảo sản lượng và giữ giá thành sản xuất bình quân không tăng thêm.
Tình thế cũng tương tự cho các nhà sản xuất vũ khí Anh xuất khẩu sang các nước Châu Âu, như BAE Systems, một trong những công ty tham gia chế tạo Eurofighter Typhoon.
Tiêm kích tàng hình F-35
Theo RUSI thì nước Anh thời hậu Brexit có thể trở nên giống như Canada, nghĩa là có chính sách quân sự, đối ngoại độc lập hơn, ít phụ thuộc vào các đồng minh lớn khác. Tuy nhiên đây là một kịch bản khá lạc quan.
Nếu Liên hiệp Anh gặp khủng hoảng kinh tế và mâu thuẫn nội bộ thì nước này sẽ trở nên hướng nội nhiều hơn và khiến NATO khó đối phó với Nga hơn. Chưa kể việc nó sẽ khuyến khích các đảng dân túy và mang chủ nghĩa dân tộc tại những nước Châu Âu khác. Quá trình nhất thể hóa Châu Âu có thể chưa chấm dứt, nhưng chắc chắn đã bị giáng một đòn nặng.