Tuyên bố trên được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đưa ra trong chuyến thăm Tokyo – Nhật Bản vào ngày 20-7, trước thềm chuyến thăm dự kiến của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth vào tháng 9.
"Sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được triển khai, Anh sẽ điều động 2 tàu cố định đến khu vực (Viễn Đông) vào cuối năm nay" – Bộ trưởng Wallace khẳng định trong buổi họp báo chung với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi.
Theo báo The Telegraph, đây là một phần trong cam kết củng cố các mối quan hệ an ninh với Nhật Bản, quốc gia gần đây thể hiện quan ngại gia tăng với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở châu Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace và người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi trong cuộc họp báo chung ở Tokyo. Ảnh: Gov.uk
HMS Queen Elizabeth đang được hộ tống bởi 2 tàu khu trục, 2 tàu hộ vệ, 2 tàu hỗ trợ cùng các tàu từ Mỹ và Hà Lan. Nhóm tác chiến HMS Queen Elizabeth sẽ đến Nhật Bản thông qua biển Đông, với các điểm dừng ở Ấn Độ, Singapore và Hàn Quốc.
Sau khi đến Nhật Bản, HMS Queen Elizabeth cùng các tàu hộ tống dự kiến tách ra để đến các cảng riêng biệt thuộc các căn cứ hải quân của Mỹ và Nhật Bản dọc quần đảo Nhật Bản.
Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Washington, là nơi tập trung lực lượng quân sự lớn nhất của Mỹ bên ngoài Mỹ, bao gồm tàu chiến, chiến đấu cơ và hàng ngàn binh sĩ.
Theo chuyên gia Sidharth Kaushal của Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, việc London triển khai 2 tàu cố định là phù hợp với các mục tiêu sâu rộng hơn trong đánh giá quốc phòng mùa xuân, vốn xác định Bắc Kinh là một trong những đối thủ toàn cầu chính của London.
Hai tàu được Hải quân Hoàng gia Anh triển khai cố định đến vùng Viễn Đông sẽ là HMS Spey và HMS Tamar, vốn thường được dùng để thực hiện các nhiệm vụ tuần tra hàng hải, như chống hải tặc và chống khủng bố.
HMS Spey sẽ tuần tra cùng HMS Tamar ở vùng Viễn Đông. Ảnh: Alama