Súng chống tăng RPG-7 là phiên bản nâng cấp của RPG-2 (B-40) được đưa vào trang bị từ năm 1959, Việt Nam gán cho súng định danh B-41 để phân biệt với B-40 mặc dù cỡ nòng của súng vẫn là 40 mm.
Thông số cơ bản của RPG-7 bao gồm: Súng - Dài 950 mm; cỡ nòng 40 mm; trọng lượng 7 kg. Đầu đạn PG-7V - cỡ 85 mm; trọng lượng 2,2 kg; sơ tốc 115 m/s, tốc độ tối đa 300 m/s; tầm bắn hiệu quả 200 m, tối đa 900 m; sức xuyên 260 mm thép đồng nhất.
Súng chống tăng RPG-7 ban đầu sử dụng đạn PG-7, sau đó có các đạn cải tiến PG-7V, PG-7VM, PG-7VL, PG-7VR thuộc chủng xuyên lõm (HEAT). Đạn OG-7, OG-7A nổ mảnh sát thương chống bộ binh. Đạn TBG-7V là loại nhiệt áp chuyên chống lô cốt, công sự, ngoài ra còn có đạn cháy, đạn khói…
Kính chống đạn được coi là phát huy tác dụng tốt khi đối đầu các loại súng bộ binh cỡ nhỏ, tuy nhiên nếu gặp phải súng chống tăng như RPG-7 thì lớp kính phải có độ dày bao nhiêu mới là đủ?
Trong thí nghiệm dưới đây, 45 tấm kính chống đạn đã được ghép lại thành một bức tường có độ dày trên 40 cm, phía sau là một hình nộm để thử sức công phá.
Loại đạn rocket được sử dụng là PG-7VL cỡ 93 mm, trọng lượng 2,6 kg (đầu đạn mang theo 0,73 kg chất nổ OKFOL), sức xuyên trên 500 mm thép đồng nhất (RHA), do vậy rất dễ đoán kết quả sẽ ra sao.
Toàn bộ 45 lớp kính chống đạn trên đã bị luồng xuyên lõm của đạn PV-7VL xuyên thủng, sức công phá còn thổi bay các hộp carton đặt xung quanh và dĩ nhiên là đã phá hỏng hình nộm đặt phía sau.
Do không đủ số lượng kính để tăng chiều dày bức tường, những người làm thí nghiệm cho rằng hiệu quả của luồng xuyên sẽ bị suy giảm nhanh chóng nếu có không gian ngăn cách, chính vì vậy họ đã tiến hành cuộc thử nghiệm lần 2.
Đáng tiếc rằng kết quả không có gì thay đổi bất chấp lớp không khí ở giữa đã làm phân tán bớt sức mạnh của vụ nổ, hình nộm phía sau tấm kính vẫn bị hủy diệt hoàn toàn bởi luồng xuyên lõm của đạn PG-7VL.
Qua 2 lần bắn thử nghiệm trên, dễ nhận thấy rằng sức mạnh của súng chống tăng RPG-7 thật khủng khiếp và cản được được nó phải là các lớp thép cường độ cao được sắp xếp một cách cực kỳ khoa học.