Hình ảnh màu cam, vàng và xanh lam từ Kính thiên văn James Webb mô tả hydro nguyên tử giữa các vì sao của Tinh vân N79, rộng 1.630 năm ánh sáng, nằm trong Đám mây Magellan Lớn, một thiên hà vệ tinh của Dải Ngân hà. Khu vực này đang hình thành sao mạnh mẽ và gần như vẫn chưa được các nhà thiên văn học khám phá. N79 được coi là "em" của một mục tiêu mà James Webb nhắm tới trong Đám mây Magellan Lớn - Tinh vân Tarantula, nằm cách Trái Đất 161.000 năm ánh sáng.
Mặc dù có những điểm tương đồng nhưng các nhà khoa học cho rằng trong 500.000 năm qua, N79 đang hình thành sao với tỷ lệ gấp đôi Tinh vân Tarantula.
Việc nghiên cứu những khu vực hình thành sao mạnh mẽ như N79 bằng Kính thiên văn James Webb giúp các nhà khoa học hiểu hơn về thành phần của các đám mây khí và bụi tạo ra các vì sao trong giai đoạn đầu của vũ trụ, thời điểm mà sự hình thành sao diễn ra mạnh mẽ nhất.
Một trong những điểm thú vị nhất của hình ảnh này là kiểu "vụ nổ sao" bao quanh trái tim rực sáng của N79. Hiệu ứng này được tạo ra bởi các gai nhiễu xạ do 18 mảnh gương chính của James Webb tạo ra khi chúng thu thập ánh sáng. Những chiếc gương này được sắp xếp theo mô hình lục giác giống như tổ ong, nghĩa là có sáu gai nhiễu xạ chính. Những gai nhiễu xạ này phát sinh khi Kính thiên văn James Webb nghiên cứu các vật thể đặc biệt sáng và đặc với ánh sáng phát ra từ một vị trí tập trung.
Kính thiên văn James Webb ghi lại hình ảnh mới của N79, sử dụng Công cụ Trung hồng ngoại (MIRI). Ánh sáng có thể nhìn thấy được hấp thụ bởi các đám mây bụi đặc nhưng ánh sáng hồng ngoại bước sóng dài đi qua dễ dàng hơn. Vì thế, hình ảnh hồng ngoại của MIRI cho phép các nhà thiên văn học quan sát kỹ hơn khu vực hình thành sao này.
Một ngôi sao trẻ khi vừa bắt đầu vòng đời của nó được thể hiện bằng những điểm sáng nhất ở giữa những đám mây bụi và khí màu cam trong hình ảnh N97 mà James Webb ghi lại.
Các quan sát về N79 của James Webb là một phần trong sứ mệnh của nó nhằm nghiên cựu sự phát triển của các đĩa vật chất quanh các ngôi sao ở những giai đoạn tiến hóa khác nhau. Sứ mệnh này cũng giúp các nhà thiên văn học lần đầu tiên quan sát được các đĩa vật chất hình thành hành tinh quanh các ngôi sao trẻ giống Mặt trời, từ đó mang đến một bức tranh rõ ràng về cách thức Hệ mặt trời hình thành cách đây 4,6 tỷ năm.