Lưu Bá Ôn - Công thần đắc lực của Chu Nguyên Chương
Vào thời Nguyên mạt, chính quyền lục đục, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, người dân sống trong cảnh khốn cùng. Chu Nguyên Chương quyết định huy động lực lượng để chống lại nhà Nguyên. Trong cuộc khởi nghĩa của Chu Nguyên Chương, Lưu Bá Ôn là người có nhiều đóng góp lớn. Không chỉ là cố vấn, Lưu Bá Ôn còn hiểu biết sâu về thiên văn và phong thủy. Dưới sự trợ giúp của Lưu Bá Ôn, hoàng đế Chu Nguyên Chương đã nhiều lần biến nguy thành an, từng bước đánh bại nhiều kẻ thù.
Sau cùng, Chu Nguyên Chương cũng lật đổ được nhà Nguyên, đăng cơ xưng đế, thành lập nên vương triều Đại Minh của chính mình. Còn Lưu Bá Ôn và những người đã phò tá Chu Nguyên Chương đều trở thành công thần. Nhưng, họ không ngờ rằng việc trở thành công thần chẳng những không đem đến một tương lai tốt đẹp mà còn rước thêm nghi kỵ cho chính mình.
Khi đất nước đã vững vàng, Chu Nguyên Chương lo sợ các công thần trước đây sẽ cướp mất giang sơn của mình, nên ông bắt đầu ra tay trừng trị họ. Vị hoàng đế này chỉ cần phát hiện ra ai có hành động lạ sẽ lập tức trừng trị nghiêm khắc. Ngay cả với Lưu Bá Ôn, Chu Nguyên Chương cũng thay đổi thái độ.
Lưu Bá Ôn đã sớm nhìn thấu suy nghĩ của Chu Nguyên Chương nên ông luôn vô cùng cẩn thận. Để tránh bị sát hại, ông đã xin hoàng đế cho mình cáo lão về quê. Tuy nhiên, trong mắt Chu Nguyên Chương, một người có tài như Lưu Bá Ôn sẽ trở thành mối đe dọa cho đại nghiệp của mình. Do đó, vị công thần dù đã về hưu nhưng Chu Nguyên Chương vẫn cố tìm đủ mọi lý do để giết Lưu Bá Ôn.
Một lần, Chu Nguyên Chương nghe tin Lưu Bá Ôn bị ốm nặng. Ông đã cử Thừa tướng Hồ Duy Dung một vị thái y đến chữa trị cho vị công thần. Lưu Bá Ôn biết rằng ngày chết của mình đã tới gần nếu tìm cách từ chối thì con cháu sẽ bị liên lụy nên chỉ cảm tạ long ân. Theo ghi chép trong lịch sử, sau khi Lưu Bá Ôn uống thuốc do thái y kê thì chết sau đó vài ngày. Chính vì thế, con cháu của ông luôn cho rằng Chu Nguyên Chương đã đầu độc ông cha mình.
Cái chết của Lưu Bá Ôn trên thực tế đã cứu gia đình thoát khỏi cái chết. Để tri ân lòng trung thành và đóng góp của Lưu Bá Ôn, năm 1380 Chu Nguyên Chương đã hạ lệnh cho con cháu của ông được hưởng tước lộc truyền từ đời này qua đời khác của tước Thành ý Bá. Sau này, vua Minh Vũ Tông cũng đã khen tặng Lưu Bá Ôn là "Độ giang sách sĩ vô song, khai quốc văn thần đệ nhất" (nhà mưu lược có một không hai đã giúp cho triều đình vượt sông bình định thiên hạ, cũng là bậc văn thần khai quốc đứng hàng đầu), ban thụy hiệu cho ông là Văn Thành. Minh Thế Tông vào năm Gia Tĩnh thứ 10 (1531) cho ông được thờ trong Thái Miếu cùng với khai quốc công thần khác như Từ Đạt.
Cái chết đáng tiếc của con trai Lưu Bá Ôn
Mặc dù sau khi Lưu Bá Ôn chết, con cháu của ông không bị Chu Nguyên Chương làm khó, nhưng số phận 2 người con trai của ông cũng không tốt đẹp. Trong đó, Lưu Liễn, người con trai cả của Lưu Bá Ôn có mâu thuẫn với Hồ Duy Dung nên đã bị ông ta ép nhảy xuống giếng tự sát.
Còn Lưu Cảnh, con trai thứ hai của Lưu Bá Ôn vốn có thể thoát tội nhưng vì ngoan cố nên cũng phải chịu tội chết. Vốn Lưu Cảnh và Chu Đệ (người lên ngôi sau khi Chu Nguyên Chương qua đời) quen nhau từ lâu, hai người từng nhiều lần chơi cờ cùng nhau.
Về phần Chu Đệ, ông biết rõ tài năng của Lưu Cảnh được thừa hưởng từ cha nên muốn người này phò tá mình. Tuy nhiên, ta đều biết, vốn vào năm 1398, Chu Nguyên Chương qua đời và lập cháu đích tôn Chu Doãn Văn (Minh Huệ đế), con trai thứ của Chu Tiêu làm Hoàng Thái tôn, không mảy may quan tâm đến Chu Đệ. Huệ Đế sau khi lên ngôi bắt đầu lo ngại thế lực phiên vương nên tiến hành "triệt phiên", tước bỏ binh quyền và quốc hữu hóa quân đội địa phương của các chú, trong đó có Chu Đệ. Nhiều phiên vương bắt đầu bị hoàng đế tìm cách triệt hạ, người bị giam lỏng ở kinh thành, người bị giáng làm thứ dân, thậm chí bị xử tử. Chu Đệ lúc đó là phiên vương lớn mạnh nhất biết rằng sớm muộn sẽ tới lượt mình nên đã tìm cách tấn công trước. Sau khi Chu Đệ động binh, Huệ Đế thua trận nên đã tự sát. Chu Đệ lên ngôi và được gọi là Minh Thành Tổ.
Khi Chu Đệ lên tiếng mời Lưu Cảnh, ông ta vốn là người bảo thủ, lại cho rằng hoàng đế soán ngôi của cháu mình là đại nghịch bất đạo nên từ chối. Chu Đệ biết tin liền cho người bắt Lưu Cảnh tới hoàng cung để tra hỏi. Nào ngờ, vừa gặp hoàng đế, Lưu Cảnh đã nói một câu: "Trăm năm sau, điện hạ cũng không thể thoát khỏi chữ "soán"!". Lời này khiến Chu Đệ hoàn toàn tức giận. Ngôi vị của ông vốn là chiếm đoạt mà có, chưa một ai dám đề cập tới điều này, vậy mà Lưu Cảnh dám ngang nhiên nhắc tới ngay trước cung điện. Do đó, hoàng đế đã ra lệnh: "Mang ra ngoài, chém đầu!"
Tuy nhiên, sau đó, hoàng đế đã niệm tình công lao của cha Lưu Cảnh nên chỉ giam ông vào nhà lao. Trên thực tế, nếu Lưu Cảnh cầu xin tha tội thì Chu Đệ chắc chắn sẽ thả ông, bởi việc hoàng đế thay đổi lệnh chặt đầu thành giam giữ vốn đã có sự nhân nhượng dành cho Lưu Cảnh. Thế nhưng, Lưu Cảnh một mực không cho rằng mình sai và luôn miệng công kích hoàng đế nên đã bị Chu Đệ ép buộc tự sát trong nhà lao.
*Nguồn: Sohu, Sina