Hoàng đế đến doanh trại động viên quân lính: Nói đúng 3 chữ mà khiến đất nước diệt vong

Nguyệt Phạm |

Tại sao một bài diễn văn chỉ đúng 3 chữ lại có sức ảnh hưởng lớn như vậy?

Thời xưa, những người lính trước khi ra trận thường có tâm trạng lo âu về số phận của mình có thể sẽ chết trên chiến trường hoặc không. Vì vậy, những người lãnh đạo sẽ nghĩ ra nhiều cách để giảm bớt tâm trạng bi quan của họ. Một bài diễn văn với những lời động viên là phương án tốt nhất để vực dậy tinh thần của quân lính.

Quả thực, trong nhiều trường hợp, những bài diễn văn đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc khơi gợi lòng yêu nước, tăng sĩ khí cho quân xung trận. Tuy nhiên, trong lịch sử Trung Quốc từng ghi nhận một vị hoàng đế đã khiến cho quốc gia bị diệt vong và bản thân mất mạng chỉ vì bài phát biểu trước quân lính của mình. Đó là ai?

Vị hoàng đế hủ bại

Hoàng đế đến doanh trại động viên quân lính: Nói đúng 3 chữ mà khiến đất nước diệt vong- Ảnh 1.

Cao Vĩ là hoàng đế thứ 5 của triều đại Bắc Tề. (Ảnh: Sohu)

Vị hoàng đế được đề cập tới chính là Cao Vĩ (557–577) hay còn gọi là Bắc Tề Hậu Chủ, tên tự Nhân Cương. Ông là hoàng đế thứ 5 của triều đại Bắc Tề. Cha của ông là Cao Đam có tước hiệu là Trường Quảng vương, mẹ là Hồ vương phi.

Năm 561, một hoàng huynh của Cao Đam là Hiếu Chiêu Đế qua đời, truyền lại ngôi vị cho Cao Đam. Cao Đam lên ngôi và trở thành Vũ Thành Đế. Năm 562, Vũ Thành Đế phong Hồ vương phi làm hoàng hậu và phong Cao Vĩ làm hoàng thái tử. Trong khi đang làm hoàng thái tử, Cao Vĩ đã kết hôn với con gái của đại tướng Hộc Luật Quang làm thái tử phi.

Năm 565, Vũ Thành Đế truyền ngôi cho Cao Vĩ khi hoàng thái tử mới được tám tuổi. Vũ Thành Đế phong Hộc Luật thái tử phi làm hoàng hậu.

Tới năm 569, Vũ Thành Đế lâm bệnh nặng và qua đời đột ngột. Sau khi cha qua đời, Cao Vĩ về mặt chính thức tự mình tiếp nhận quyền cai quản đế quốc, song triều đình thực tế nằm trong tay một nhóm gồm tám đại thần cao cấp. Sau nhiều tranh chấp nội bộ, cuối cùng hai mẹ con Hồ hoàng hậu và Cao Vĩ mới giành lại quyền lực.

Hoàng đế đến doanh trại động viên quân lính: Nói đúng 3 chữ mà khiến đất nước diệt vong- Ảnh 2.

Vũ Thành Đế truyền ngôi cho Cao Vĩ khi hoàng thái tử mới được tám tuổi. (Ảnh: Sohu)

Trong thời gian Cao Vĩ trị vì, triều đình Bắc Tề đã trở nên hủ bại và hoang phí nghiêm trọng, tình hình quân sự cũng trở nên tồi tệ. Đặc biệt là sau khi Cao Vĩ giết chết đại tướng Hộc Luật Quang vào năm 572.

Sử gia Tư Mã Quang, trong Tư trị thông giám, quyển 172, đã nói về thời gian trị vì của Cao Vĩ: "Tề Chủ nói năng ấp úng và không trơn tru, không thích gặp triều sĩ. Ông không nói gì với bất cứ ai ngoại trừ những tên hề và nô bộc của mình. Ông có tính cách nhu nhược và lo sợ người nhìn chằm chằm vào mình. Thậm chí các đại thần cao cấp khi tấu sự cũng tuyệt đối không được phép ngẩng lên nhìn, và do đó các quan lại chỉ có thể trình tấu và rút lui. Ông thừa kế lối sống tính xa xỉ và hoang phí của Thế Tổ và cho rằng đó là điều đương nhiên của bậc đế vương. Toàn bộ người trong hậu cung đều mặc y phục trân quý và ăn cao lương mỹ vị, một chiếc váy phải mất vạn thất vải. Họ cạnh tranh với nhau để giành những thứ mới và tốt nhất, và triều phục mặc ban ngày được đánh giá là cũ và lỗi mốt hơn so với triều phục mặc ban đêm. Ông giành nhiều công sức vào việc xây dựng các cung điện và hoa viên tráng lệ nhất, song tình cảm của ông với chúng không kéo dài, vì thế tất cả các công trình đều đã bị phả bỏ rồi xây lại và rồi lại phá bỏ…

Ông sủng nhiệm một số quan lại và hoạn quan khiến cho triều đình bị lũng đoạn, dân không thể sống nổi."

Hoàng đế đến doanh trại động viên quân lính: Nói đúng 3 chữ mà khiến đất nước diệt vong- Ảnh 3.

Cao Vĩ sống xa hoa, không quan tâm tới tình hình của người dân. (Ảnh: Sohu)

Bắc Chu Vũ Đế từ lâu đã có dã tâm thôn tính Bắc Tề nên khi biết tình hình ông ta đã nhiều lần cho quân tấn công. Khi đất nước lâm nguy, Cao Vĩ ra lệnh treo thưởng cao cho những người nào gia nhập quân đội, song bản thân ông lại không muốn đóng góp của cải trong hoàng cung. Sau đó, các quan lại đề nghị Cao Vĩ thực hiện một bài phát biểu nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu của binh lính. Bất ngờ, sau bài phát biểu này, Cao Vĩ đã đưa đất nước rơi vào cảnh diệt vong và khiến bản thân mất mạng.

Vậy Cao Vĩ đã nói gì trong lần tới doanh trại động viên quân lính đó?

Bài diễn văn chỉ vỏn vẹn 3 chữ

Khi đó, quân Bắc Chu đã chiếm được trấn Tấn Châu là nơi chiếm vị trí quân sự quan trọng của Bắc Tề. Quân Bắc Tề bại trận nên quay về Nghiệp Thành. Số lượng binh lính của Bắc Tề lên tới hàng trăm nghìn, lương thực đầy đủ, thành trì vững chắc cố thủ trong thành.

Lúc này, các vị quan và tướng lĩnh lại nghĩ ra cách vực dậy tinh thần quân lính là hoàng đế Cao Vĩ đích thân tới doanh trại phát biểu. Họ đã chuẩn bị sẵn nội dung, hoàng đế chỉ cần đọc lại.

Hoàng đế đến doanh trại động viên quân lính: Nói đúng 3 chữ mà khiến đất nước diệt vong- Ảnh 4.

Các vị quan và tướng lĩnh lại nghĩ ra cách vực dậy tinh thần quân lính là hoàng đế Cao Vĩ đích thân tới doanh trại phát biểu. (Ảnh: Sohu)

Cao Vĩ đồng ý, ông ta đưa ái phi của mình là Phùng Tiểu Liên và vài viên thái giám đi cùng. Sau khi đứng lên bục, Cao Vĩ đứng đối mặt với hàng trăm nghìn quân lính bên dưới thì vô cùng căng thẳng. Ông ta tuy tay cầm bài phát biểu lại không nói nên lời. Cuối cùng, Cao Vĩ nhìn vào những người lính và thốt ra 3 chữ "He he he". Hành động này của hoàng đế khiến ai nấy có mặt tại đó đều bất ngờ. Mọi người bắt đầu cười ầm lên, việc đọc diễn văn để nâng cao sĩ khí lại biến thành trò hề.

Hoàng đế đến doanh trại động viên quân lính: Nói đúng 3 chữ mà khiến đất nước diệt vong- Ảnh 5.

Đứng trước quân lính phát biểu, hoàng đế Cao Vĩ chỉ thốt ra 3 chữ "He he he". (Ảnh: Sohu)

Cao Vĩ sau đó không nói gì, ôm eo Phùng Tiểu Liên lên xe rồi rời đi. Vị hoàng đế không ngờ rằng, 3 chữ "He he he" trong bài phát biểu của mình đã mang lại thảm họa. Chứng kiến hành động của hoàng đế, binh lính Bắc Tề cảm thấy họ đang phục vụ cho một người vô cùng tầm thường. Do đó, ngay trong đêm, họ đã mở cổng cho quân Bắc Chu vào chiếm thành.

Nghiệp Thành thất thủ, Cao Vĩ vội vàng nhường cho con và tiến về các châu ở bờ nam Hoàng Hà để tổ chức kháng chiến, và định nếu kháng chiến thất bại thì sẽ chạy sang Trần. Tuy nhiên, quân Chu và Bắc Tề bị tiêu diệt. Bắc Tề rơi vào tay hoàng đế Bắc Chu. Cao Vĩ đầu hàng và được Bắc Chu Vũ Đế đưa về Trường An phong là Ôn Công. Sau đó, Bắc Chu Vũ Đế đã vu cáo Cao Vĩ âm mưu phản loạn ép ông ta phải tự sát. Cao Vĩ chết khi mới 20 tuổi và quốc gia của ông cũng bị diệt vong vì sự vô trách nhiệm của vị hoàng đế này.

*Nguồn: Sohu, Sina.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại