Ảnh chưa từng thấy về "cái chết" của một ngôi sao qua Kính thiên văn James Webb

Vũ Anh |

Kính thiên văn James Webb của NASA đã ghi lại hình ảnh ấn tượng của tàn dư siêu tân tinh Cassiopeia A (Cas A). Đây là những gì còn lại sau cái chết của một vì sao phát nổ cách đây 340 năm.

Sử dụng camera cận hồng ngoại (NIRCam), Kính thiên văn James Webb nhìn xuyên qua bụi vũ trụ của Cassiopeia A để phát hiện ra những cấu trúc chưa từng thấy trước đây của lớp vỏ vật chất đang giãn nở va chạm với khí phát ra từ ngôi sao.

Việc nghiên cứu các cấu trúc này có thể giúp chúng ta hiểu được bụi sao đã lan rộng như thế nào khắp vũ trụ và cách thức nó giúp tạo nên sự sống.

"Với độ phân giải của NIRCam, chúng ta hiện có thể quan sát được một ngôi sao đang chết, tiêu tan như thế nào khi nó phát nổ, để lại những tia sợi giống như các mảnh thủy tinh nhỏ", chủ nhiệm nghiên cứu Danny Milisavljevic thuộc Đại học Purdue cho hay trong một thông báo.

Ảnh chưa từng thấy về cái chết của một ngôi sao qua Kính thiên văn James Webb - Ảnh 1.

Kính thiên văn James Webb của NASA đã ghi lại hình ảnh ấn tượng của tàn dư siêu tân tinh Cassiopeia A (Cas A).

Chuyên gia này nhận định: "Thật không thể tin được sau bao năm nghiên cứu, Cas A hiện có độ chi tiết đến mức này, cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về việc ngôi sao này đã phát nổ như thế nào".

Các nhà khoa học đang nghiên cứu kỹ những hình ảnh này để xây dựng lại một ngôi sao trông như thế nào và điều gì xảy ra khi nó phát nổ.

Kính thiên văn James Webb cũng hé lộ những cấu trúc chi tiết trong Cas A như "mảnh thủy tinh", ông Milisavljevic cho biết. Đây có thể là tàn tích của chính ngôi sao này, phát ra ánh sáng màu hồng và vàng khi lưu huỳnh, oxy, neon và argon của ngôi sao chết tương tác với bụi gần đó.

Kính thiên văn James Webb cũng phát hiện ra những "lỗ đạn" vũ trụ đằng sau đám mây khí màu xanh lá cây mà trước đây đã che khuất tầm nhìn của các nhà khoa học, NASA cho biết trong một video đi kèm. Chúng được cho là được tạo ra bởi khí bị ion hóa xuyên qua lớp khí khác do ngôi sao để lại.

Một cấu trúc mới được các nhà nghiên cứu đặt tên là Baby Cas A cũng xuất hiện trong tầm quan sát của Kính thiên văn James Webb.

Ảnh chưa từng thấy về cái chết của một ngôi sao qua Kính thiên văn James Webb - Ảnh 2.

Hình ảnh Baby Cas A qua kính thiên văn James Webb. Ảnh: NASA

Các nhà khoa học rất hào hứng với cấu trúc này vì nó được cho là đã bắt được "tiếng vang" của vụ nổ, được xem như ánh sáng từ siêu tân tinh đang tương tác với bụi vũ trụ. Mặc dù trông nhỏ hơn nhiều so với Cas A nhưng "Baby Cas A" cách tàn dư siêu tân tinh khoảng 170 năm ánh sáng.

Cas A đặc biệt hữu ích trong việc nghiên cứu về tàn dư của sao. Nó tương đối gần khi cách chúng ta 11.000 năm ánh sáng.

Đây cũng là tàn dư trẻ nhất của một ngôi sao lớn trong thiên hà của chúng ta, vì thế những gì các nhà khoa học đang quan sát chính là khởi đầu của sự kiện này.

Hiểu được những khoảnh khắc cuối cùng của các ngôi sao ở gần là rất quan trọng vì chúng nắm giữ một số thành phần tạo nên sự sống. Chúng phân tán canxi và sắt khắp vũ trụ, nếu không có chúng thì chúng ta sẽ không có xương và máu.

"Hiểu về quá trình phát nổ của các vì sao là lúc chúng ta đang đọc chính câu chuyền về nguồn gốc của mình", ông Milisavljevic nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại