Ăng-gô của anh hùng Ngô Văn Lủi

Nguyễn Văn Nhuận – Bảo tàng Quân khu 3 |

Trong một dịp sưu tầm hiện vật tại tỉnh Thái Bình, chúng tôi may mắn được gặp Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Văn Lủi, người chiến sĩ cách mạng mưu trí, kiên trung, đã 3 lần được phong tặng danh hiệu dũng sĩ, cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, cho dân tộc.

Ông đã tặng chiếc ăng-gô gắn với chặng đường binh nghiệp của mình cho Bảo tàng Quân khu 3 làm hiện vật truyền thống.

Anh hùng Ngô Văn Lủi sinh năm 1950, trong gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1968, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 51 thuộc Tỉnh đội Thái Bình. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được chọn vào đơn vị đặc công.

Năm 1969, ông nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam, biên chế thuộc Đại đội 3 đặc công, Tiểu đoàn 25, Đoàn đặc công 367 (Đoàn đặc công miền Đông Nam Bộ). Trong vòng ba năm (1971 -1973), ông tham gia 10 trận đánh, trận nào cũng thể hiện tinh thần chiến đấu quả cảm, gan dạ, mưu trí, lợi dụng từng sơ hở của địch để tiến công.

Tháng 1/1971, Đoàn 367 tổ chức đánh sân bay địch nhằm phá hủy khí tài quân sự. Lực lượng đặc công chia làm 6 mũi tiến công, luồn sâu, ém sẵn ngay tại mục tiêu để đặt bộc phá.

Trận đánh kết thúc, gây tiếng vang lớn chỉ sau vài giờ chiến đấu. Mặc dù do sức ép của bộc phá khiến Ngô Văn Lủi bị thương nhưng vẫn kịp rút lui an toàn. Sau trận này, ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Ăng-gô của anh hùng Ngô Văn Lủi - Ảnh 1.

Anh hùng Đặc công Ngô Văn Lủi. Ảnh Từ điển BKQSVN 2009.

Tháng 6/1972, Ngô Văn Lủi cùng tổ chiến đấu vượt qua vùng sình lầy, đồn bốt địch phá hủy mục tiêu, dùng súng B40 bắn sập 2 lô cốt, 3 nhà lính, 1 hầm ngầm rồi rút ra ngoài an toàn.

Đặc biệt là trận đánh kho vũ khí của địch vào tháng 10/1972. Khi tới gần mục tiêu thì đã 11 giờ đêm, trăng rất sáng, nếu cả tổ chiến đấu vào mục tiêu thì dễ bị lộ, ông để 4 đồng đội ở ngoài làm dự bị, rồi cùng đại đội trưởng luồn vào đặt bọc phá vào mục tiêu, kết quả 15 kho lớn bị phá hủy gồm 1000 quả bom phá, 2000 quả bom xăng và hàng vạn quả đạn pháo khác, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Sau trận này, Ngô Văn Lủi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai.

Đối với người chiến sĩ đặc công, sự hy sinh là thầm lặng. Cũng chính vì thế, ngay trước những trận đánh cảm tử, ông đều được tổ chức “làm lễ truy điệu” và hơn thế, trong thời gian dài tham gia quân đội, gia đình cùng người thân cũng bặt vô âm tín, không biết ông đang ở đâu, làm gì, còn sống hay đã hy sinh.

Ông nói rằng: “Khi đã xung trận thì không bao giờ lùi bước, ý chí tiến công luôn dồn nén trong người, dù biết rằng số mệnh rất mong manh trước bom rơi, đạn lạc giữa chiến trường cam go, ác liệt”.

Kể đến đây, ông không quên nói về chiếc ăng-gô luôn gắn bên mình trong suốt những năm kháng chiến. Được trang bị vào năm 1969 khi hành quân vào chiến trường miền Nam, ăng-gô làm bằng nhôm đặc chủng, sơn màu xanh, cao 15cm, rộng 13cm gồm hai phần thân và nắp gắn chắc chắn.

Là người lính đặc công thường xuyên phải chiến đấu trong những hoàn cảnh đặc biệt, chiếc ăng-gô rất phù hợp để ông đựng lương thực, nước uống dù phải di chuyển, hành quân liên tục.

Ăng-gô của anh hùng Ngô Văn Lủi - Ảnh 2.

Ăng-gô của anh hùng Ngô Văn Lủi. Ảnh BTQK3.

Cũng có những khi ông dùng nó để đun nấu rất đa năng và tiện dụng. Gạo, nước bỏ vào ăng-gô, đậy nắp lại rồi treo lên cành cành cây bắc ngang, lượm củi khô, rơm rạ châm phía dưới là đảm bảo có bữa ăn.

Sau ngày giải phóng, dù tiếp tục công tác hay đến khi nghỉ hưu, ông vẫn sử dụng ăng-gô trong sinh hoạt đời thường cho đến khi trao tặng cho Bảo tàng Quân khu 3.

Hiện vật (số đăng ký BTQK3: 2454-KL-862) tuy giản dị nhưng lại rất thu hút sự quan tâm của khách tham quan, đặc biệt là các tân binh trên địa bàn Quân khu khi được nghe kể về chiến công của người lính đặc công mưu trí, quả cảm Ngô Văn Lủi.

Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương và danh hiệu cao quý: 6 Huân chương Chiến công, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 1 Huân chương Quân công, dũng sĩ diệt máy bay, dũng sĩ diệt xe cơ giới, dũng sĩ quyết thắng, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 20/12/1973).

Năm 2002, Ngô Văn Lủi nghỉ hưu theo chế độ, cư trú tại tổ dân phố số 6, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, tiếp tục tham gia vào nhiều hoạt động của khu phố, xây dựng chính quyền tại địa phương. Nhắc đến tên Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Văn Lủi, người dân điạ phương thường dành cho ông sự ngưỡng mộ đặc biệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại