Ẩn ý từ cuộc gọi đầu với Thủ tướng Suga: Lý do ông Tập cần "lấy lòng" Nhật Bản hơn bao giờ hết

Thúy |

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm đầu tiên với tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hôm 25/9.

"Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực thúc đẩy hệ thống phát triển mới theo chu kỳ kép," ông Tập Cận Bình nói với ông Suga. "Đó là chu kỳ lấy sự phát triển trong nước làm trụ cột và sự phát triển trong nước cũng như quốc tế củng cố cho nhau."

Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đưa tin, ông Tập bày tỏ mong muốn rằng hai nước sẽ cùng nhau bảo vệ sự ổn định của chuỗi cung ứng và nền công nghiệp.

Lời tuyên bố: Nhật Bản được đưa vào kế hoạch phát triển

Tuyên bố của ông Tập là một khẩu hiệu mang tính chính trị cao bắt đầu được sử dụng từ khoảng tháng 5 - Nikkei Asian Review (Nhật Bản) cho hay. Khẩu hiệu này mô tả một mô hình kinh tế trong đó Trung Quốc kết hợp các lợi thế trong nước của mình, ví dụ như thị trường tiêu thụ rộng lớn cùng lúc tăng tương tác với nước ngoài. Duy trì một chuỗi cung ứng ổn định và mạnh mẽ với Nhật Bản phù hợp với chu trình sau của quá trình.

Đó là cách ông Tập đối phó với những ảnh hưởng mà đại dịch Covid-19 và cuộc đối đầu với Mỹ gây ra đối với kinh tế Trung Quốc. Đây cũng là cách để Trung Quốc đối phó với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và thậm chí là rủi ro "thoát ly" với Mỹ. Phát ngôn của ông Tập Cận Bình cho thấy Nhật Bản đã được đưa vào kế hoạch phát triển mới của Trung Quốc.

Sự phát triển theo chu kì kép sẽ được thảo luận vào ngày 26-29/10 tới, trong Hội nghị toàn thể lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19. Đây là một phần của các cuộc thảo luận lớn hơn liên quan đến kế hoạch 5 năm tiếp theo của Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2021. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ đặt ra các mục tiêu số cho đến năm 2035.

Nikkei cho biết, Trung Quốc đang tìm cách đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trung bình hàng năm ít nhất khoảng 5% trong giai đoạn 5 năm tới. Việc không đạt được mục tiêu này sẽ khiến mục tiêu dài hạn là "cơ bản hiện đại hóa Xã hội chủ nghĩa vào năm 2035" mà ông Tập đã đặt ra vào năm 2017 bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nếu chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục bị ảnh hưởng, thậm chí mức tăng trưởng kinh tế hàng năm 5% cũng sẽ khó đạt được. Khi mọi việc diễn ra như hiện nay, Trung Quốc sẽ khó đặt ra bất kỳ kế hoạch dài hạn nào dựa trên chuỗi cung ứng kết nối trực tiếp với Mỹ.

Sự cạnh tranh lớn

Theo Nikkei, cuộc cạnh tranh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lớn hơn rất nhiều nếu nhìn vào thứ tự danh sách các cuộc gọi của ông Suga. Cuộc nói chuyện với ông Tập Cận Bình là cuộc gọi thứ 7.

Các cuộc đàm thoại của ông Suga trước đó phản ánh sự chuẩn bị cho cuộc họp của tân Thủ tướng Nhật Bản với nhóm Bộ tứ QUAD gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ được tổ chức vào 6/10 tại Tokyo.

Mỹ sẵn sàng thúc đẩy khuôn khổ 4 quốc gia, được cho là nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhật Bản, Úc, và Ấn Độ cũng có những động thái nhất định phục vụ cho mục tiêu này của Mỹ.

Vào giữa tháng 6, binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã có cuộc đụng độ đẫm máu ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya khiến 20 lính Ấn Độ cùng ít nhất 5 lính Trung Quốc thiệt mạng. Để trả đũa cho hành động này, Ấn Độ sau đó đã cấm ứng dụng TikTok, WeChat và nhiều ứng dụng khác của Trung Quốc.

Ẩn ý từ cuộc gọi đầu với Thủ tướng Suga: Lý do ông Tập cần lấy lòng Nhật Bản hơn bao giờ hết - Ảnh 2.

Biên giới Trung Quốc - Ấn Độ căng thẳng

Cuộc đối đầu Trung-Úc cũng leo thang khi cả hai bên có nhiều bất đồng về các vấn đề kinh tế, tự do báo chí và an ninh.

Tại Nhật Bản, chính phủ cung cấp trợ giúp tài chính cho các công ty đưa hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về nước. Trong ngân sách bổ sung cho năm tài khóa 2020 - bắt đầu từ tháng 4, chính phủ đã dành ta 240 tỷ yên (2.27 tỷ USD) để tổ chức lại chuỗi cung ứng cho các sản phẩm quan trọng mà Nhật Bản hiện đang còn phụ thuộc vào một số quốc gia khác.

Các khoản trợ cấp "thoát Trung Quốc" là phản ứng đối với sự gián đoạn sản xuất và phân phối toàn cầu mà đại dịch Covid-19 mang lại.

Trong một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và Nikkei thực hiện mới đây, khoảng 60% số người tham gia khảo sát cho biết họ ủng hộ chính sách của chính phủ trong việc khuyến khích các công ty trong nước đưa sản xuất về nước. Trong cuộc khảo sát 3.000 người, 40% người tham gia trả lời rằng vai trò là công xưởng sản xuất của Trung Quốc sẽ giảm trong tương lai.

Đối với ông Tập - người rất quan tâm đến những vấn đề dài hạn, việc có được ủng hộ của Nhật Bản thông qua kế hoạch phát triển chu kỳ kép là rất quan trọng.

Khi cố gắng thu hút Nhật Bản trên mặt trận kinh tế, ông Tập sẽ gặp khó khăn khi tách biệt vấn đề thương mại và an ninh, bằng chứng là sự hình thành của liên minh QUAD.

An ninh đã trở thành một vấn đề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc nhanh chóng vươn lên là một cường quốc quân sự. Cuộc đàm thoại ngoại giao của ông Suga cũng đã thể hiện điều này. "Ý định của ông Suga rất rõ ràng," một nhà ngoại giao giấu tên cho biết, "vấn đề an ninh liên quan đến Trung Quốc xét cho cùng là vấn đề quan trọng."

Cũng lưu ý thêm, các cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch Trung Quốc chỉ mới xuất hiện từ năm 2018. Cuộc gọi đầu tiên giữa ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe diễn ra vào tháng 5/2018. Theo truyền thống, người nhận những cuộc gọi của thủ tướng Nhật Bản là thủ tướng Trung Quốc. Ông Tập đã thay đổi cách truyền thống, báo hiệu một sự tiến bộ trong mối quan hệ song phương. Cuộc gọi tuần trước cho thấy mong muốn của Trung Quốc trong việc tiếp tục tiến tới quan hệ với Nhật Bản.

Bắc Kinh mong muốn thắt chặt kinh tế với Tokyo

Trung Quốc không muốn làm tổn hại mối quan hệ với Nhật Bản trong giai đoạn này, Bắc Kinh hiểu rằng việc Nhật Bản tham gia vào khuôn khổ an ninh với Mỹ, Úc, và Ấn Độ là điều bình thường. Tokyo và Washington là đồng minh hàng thập kỉ. Những gì Trung Quốc cần ngăn chặn là sự ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế của nước này với Nhật Bản.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ tới thăm Nhật Bản vào tháng 10. Ông Vương từng giữ vai trò Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản và rất thông thạo các vấn đề về Nhật. Việc đánh giá lập trường của Nhật Bản về Trung Quốc sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chuyến đi của ông.

Liệu Trung Quốc có thể tin tưởng Nhật Bản sẽ là đối tác hàng đầu trong sự phát triển của chu kỳ kép hay không? Nếu có, liệu chuyến thăm cấp nhà nước (dự kiến vào tháng 4/2020) bị hoãn do Covid-19 của ông Tập tới Nhật Bản có được nối lại không? Theo Nikkei, câu trả lời cho những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến vị thế quyền lực của ông Tập ở Trung Quốc.

Nhật Bản cũng chịu áp lực phải đưa ra lựa chọn khó khăn. Tokyo có thể đáp ứng được bao nhiêu phần kế hoạch của ông Tập cho tương lai, ngay cả khi những kế hoạch chỉ về mặt kinh tế?

Nikkei cho rằng, khả năng ngoại giao của tân Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ được đánh giá ngay lập tức.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại