Là đồng minh của Mỹ nhưng lại bị TQ hấp dẫn: Nhật Bản đã làm gì để không mất lòng hai nước?

An An |

Nhật Bản hiện đã thực hiện một loạt các biện pháp để giảm bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh và kết quả đạt được là 50-50.

Phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc

Cho đến tháng 7, Iris Ohyama, một công ty hàng gia dụng của Nhật Bản, vẫn đang sản xuất khẩu trang tại hai nhà máy ở Trung Quốc.

Nhưng vào đầu năm nay, khi đại dịch Covid-19 lây lan khắp thế giới, giới chức Nhật Bản đã tiếp cận công ty để giải quyết vấn đề khẩn cấp: Trung Quốc số lượng lớn khẩu trang trong khi do nhu cầu toàn cầu tăng vọt, hàng tồn kho khẩu trang của Nhật Bản cũng trở nên thiếu thốn

Sau đó, công ty nhận được gần 23 triệu USD tài trợ của chính phủ và trở thành hình mẫu để khuyến khích các nhà sản xuất Nhật Bản thiết lập chuỗi cung ứng đa dạng bên ngoài Trung Quốc.

Theo The New York Times (Mỹ-NYT), dịch bệnh đã khiến các chính phủ nhận thức được nguy cơ phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đối với tất cả các loại hàng hóa. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản luôn thận trọng về sự mở rộng kinh tế của Bắc Kinh. Sau nhiều năm nỗ lực không ngừng, hiện họ đang tăng cường sức mạnh và khuyến khích các công ty Nhật Bản mở rộng quy mô sản xuất ở trong nước và các nước khác.

Các nhà sản xuất đang xếp hàng để nhận trợ cấp, nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng và đảm bảo nguồn cung cấp thiết yếu trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, thách thức đối với chính phủ là rất lớn: Nhật Bản đang giống như ném một đồng xu để ngăn làn sóng kinh tế.

Là đồng minh của Mỹ nhưng lại bị TQ hấp dẫn: Nhật Bản đã làm gì để không mất lòng hai nước? - Ảnh 1.

Các công nhân chuẩn bị sản xuất cho chuỗi dây chuyền sản xuất khẩu trang của nhà máy Iris Ohyama. Ảnh: KYODO / REUTERS

Theo NYT, đối với các công ty phụ thuộc vào thị trường khổng lồ có lực lượng lao động giá rẻ nhưng được đào tạo bài bản và cơ sở hạ tầng hiệu quả của Trung Quốc, sự cám dỗ của nước này vẫn khó cưỡng lại. Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cố gắng khắc phục những lợi thế này bằng cách tăng thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc nhưng dường như không có công ty Mỹ chuyển dây chuyền sản xuất về nước.

Không chỉ Mỹ, mà sự tăng trưởng của chính Nhật Bản cũng được thúc đẩy bởi sự thịnh vượng của Trung Quốc. Các nhà máy Trung Quốc đang tranh giành mua máy công cụ, linh kiện công nghệ cao và kỹ thuật của Nhật Bản. Những khách du lịch giàu có mới nổi của Trung Quốc gấp gáp đổ dồn về các cửa hàng, khách sạn và nhà hàng Nhật Bản, làm tăng sự giàu có của Nhật Bản.

Không giống như Mỹ với các chính sách ngày càng cứng rắn để đáp lại những lo ngại về Trung Quốc, đối với các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Nhật Bản, ý tưởng tách rời kinh tế không phải là điều mong muốn.

"Đối với Tokyo, điều quan trọng là làm thế nào để quản lý rủi ro trong mối quan hệ này chứ không phải bạn có thể lập kế hoạch cho một cuộc ly hôn kinh tế hay không", bà Mireya Solís, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách Đông Á thuộc Viện Brookings tại Washington cho biết.

Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Nước này đang tìm cách quản lý rủi ro đó không chỉ bằng cách chi tiền cho các công ty để di chuyển dây chuyền sản xuất mà còn quản lý rủi ro này thông qua các kênh ngoại giao, bao gồm các cuộc thảo luận gần đây với Ấn Độ và Úc để cải thiện tính đàn hồi của chuỗi cung ứng khu vực, nhằm ngăn chặn sự khuếch trương của Trung Quốc.

Kinh tế khó tách rời địa chính trị

Trong khi đó những tranh chấp liên quan đến vấn đề địa chính trị trong khu vực giữa Trung Quốc - Mỹ - Nhật Bản càng làm tăng khó khăn trong việc tách bạch các vấn đề kinh tế và địa chính trị.

"Theo một nghĩa nào đó, chính phủ Nhật Bản cố gắng mở rộng không gian hợp tác thương mại với Trung Quốc nhưng với tư cách là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản phải lựa theo xu hướng chiến lược của Mỹ", chuyên gia Masayuki Masuda tại Viện Nghiên cứu phòng vệ Nhật Bản nói.

Điều này có nghĩa là Nhật Bản "cố gắng duy trì sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ", ông nói, "Nếu chúng tôi hạn chế các hoạt động kinh doanh thông thường với Trung Quốc, tổn thất sẽ rất lớn. Vậy lằn ranh đỏ nằm ở đâu?".

Ngay cả các công ty Nhật Bản dường như cũng sẵn sàng tiến xa hơn bao giờ hết. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 7 với 3.000 doanh nhân của tờ báo kinh tế Nikkei Shimbun và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, hơn 46% số người được hỏi nói rằng các công ty Nhật Bản nên giảm liên hệ kinh doanh với Trung Quốc. Khoảng 18% số người được khảo sát phản đối.

Nhật Bản hiện đã thực hiện một loạt các biện pháp để giảm bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh và kết quả đạt được là 50-50.

Nước này kiểm soát chặt chẽ sự tham gia của nước ngoài vào các dự án mua sắm của chính phủ, hạn chế đầu tư nước ngoài vào các công ty niêm yết trong nước và thành lập một bộ phận cấp nội các chuyên giám sát các mối đe dọa an ninh kinh tế quốc gia.

Là đồng minh của Mỹ nhưng lại bị TQ hấp dẫn: Nhật Bản đã làm gì để không mất lòng hai nước? - Ảnh 2.

Iris Ohyama là công ty đầu tiên nhận được trợ cấp từ chính phủ Nhật Bản để chuyển dây chuyền sản xuất từ ​​Trung Quốc về Nhật Bản, sau đó, hơn 1.600 công ty đã nộp đơn xin hỗ trợ từ dự án trị giá 2,3 tỷ USD của chính phủ. Ảnh: NYT

Nhật Bản cũng đã thắt chặt các quy định yêu cầu các tổ chức nước ngoài phải có giấy phép của chính phủ trước khi đầu tư vào các công ty niêm yết liên quan đến an ninh quốc gia và hạ ngưỡng nắm giữ cổ phần công ty từ 10% xuống 1%.

Các chính trị gia bảo thủ trong đảng cầm quyền của Nhật Bản tin rằng các biện pháp đối phó Trung Quốc vẫn là chưa đủ. Nhóm nghiên cứu lập pháp Quốc hội Nhật Bản đang xem xét áp đặt các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào bất động sản và các ứng dụng của Trung Quốc như TikTok.

Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ tích cực nhất cũng thận trọng trong việc nhắc đến Bắc Kinh.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, nghị sĩ kiêm cựu Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Akira Amari nói rằng các biện pháp đang được xem xét không phải nhằm vào một quốc gia cụ thể, mà là để giảm rủi ro an ninh kinh tế tổng thể.

Tuy nhiên, ông Amari nói rằng những lo ngại về Trung Quốc là yếu tố chính ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách, đồng thời hành động của Mỹ, Anh và Ấn Độ cũng ảnh hưởng đến cách nhìn của Nhật Bản. Các quốc gia này đã bày tỏ lo ngại về an ninh đối với các ứng dụng như TikTok và vai trò của các công ty Trung Quốc trong việc xây dựng mạng 5G.

Nhật Bản đã cố gắng thiết lập mối quan hệ kinh tế cởi mở hơn với Trung Quốc nhưng không thành công, ông nói. Nếu Trung Quốc "duy trì giá trị quan tương tự như Nhật Bản, thì phản ứng của chúng tôi sẽ hoàn toàn khác".

Shujiro Urata, Giáo sư kinh tế tại Đại học Waseda ở Tokyo, cho biết: "Trung Quốc và Mỹ đang tham gia vào một cuộc canh tranh giữa hai cường quốc, vì vậy Trung Quốc cần một người bạn".

"Nhật Bản không thể quá thân thiện với Trung Quốc. Trung Quốc biết điều này nhưng họ không muốn làm tổn hại quan hệ với Nhật Bản", ông nói thêm.

Mở rộng chuỗi dây chuyền

Đối với các công ty Nhật Bản, bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, các động lực kinh tế ở lại vẫn còn quá lớn.

Trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở của Iris Ohyama ở Miyagi, Chủ tịch Akihiro Ohyama của công ty Iris Ohyama đã thẳng thắn tuyên bố rằng việc mở một dây chuyền sản xuất mới trong nước sẽ không khả thi về mặt kinh tế nếu không có trợ cấp của chính phủ.

Công ty bán 25.000 loại sản phẩm, bao gồm cả tivi. Họ đã bắt đầu mở nhà máy bên ngoài Trung Quốc cách đây vài năm, tìm cách giảm chi phí vận chuyển và thu hút người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm nội địa. Tuy nhiên, họ không bao giờ nghĩ đến việc sản xuất khẩu trang ở Nhật Bản.

"Trợ cấp của chính phủ là yếu tố chính", ông Akihiro Ohyama nói.

Kể từ khi Iris Ohyama là công ty đầu tiên nhận được trợ cấp mới từ Nhật Bản, hơn 1.600 công ty đã xin hỗ trợ 2,3 tỷ USD trong quỹ dự án của chính phủ. Hầu hết các quỹ được dành để tăng sản xuất trong nước. Cho đến nay, 56 công ty đã nhận được trợ cấp để tăng sản xuất trong nước, và 30 công ty khác đã nhận được trợ cấp cho các nhà máy ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines và Thái Lan.

Trong chuyến thăm gần đây đến nhà máy chế biến thực phẩm trước đây mà Iris Ohyama đã chuyển đổi thành dây chuyền sản xuất khẩu trang, phóng viên NYT đã thấy những công nhân mặc áo khoác trắng và mũ xanh lặng lẽ theo dõi những dãy máy lắp ráp và đóng gói hàng hóa.

Ohyama nói ông có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc và doanh số bán hàng của họ ở Trung Quốc tăng hơn 30% mỗi năm.

"Chúng tôi đang mở rộng ở Trung Quốc", ông nói, "nhưng chúng tôi cũng sẽ sản xuất hàng hóa ở các nước khác".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại