Nhật Bản và "thế cờ vây” ứng phó với Trung Quốc

Bùi Hùng-Việt Dũng |

Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy cả hợp tác song phương và đa phương tại nhiều khu vực khác nhau nhằm tạo nên “thế cờ vây” ứng phó với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu đang có chuyến công du 3 nước châu Âu và Trung Đông là Bồ Đào Nga, Pháp và Saudi Arabia từ ngày 29/9 - 4/10. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một quan chức chính quyền Tokyo kể từ khi tân Thủ tướng Suga Yoshihide thành lập chính quyền mới tại Nhật Bản.

Tạo thế “cờ vây” ứng phó Trung Quốc

Nhật Bản và các nước Châu Âu thời gian qua liên tục có các động thái thắt chặt quan hệ như đạt thỏa thuận về Khu vực thương mại tự do hay Tokyo tham gia “Chiến lược kết nối với Châu Á” của EU....

Những việc này không chỉ nhằm tăng cường quan hệ song phương mà còn để ứng phó với Trung Quốc. Đây là một mục tiêu chính trong chuyến công du các nước Châu Âu lần này của Ngoại trưởng Motegi.

Trong khi đó, Đức là quốc gia mà các quan chức Nhật Bản có kế hoạch thăm trong lần này, nhưng phút chót bị hủy do thư ký của Ngoại trưởng Đức mắc Covid-19. Dù vậy, tại Pháp, ông Motegi đã hội đàm trực tuyến với Ngoại trưởng Pháp về công tác chống dịch Covid-19 cũng như biện pháp nới lỏng đi lại giữa hai bên, nhất trí tăng cường liên kết trong thực hiện chính sách Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Trước đó, Đức vừa ban hành hướng dẫn chính sách về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hồi tháng 9. Việc này báo hiệu sự rời bỏ dần chiến lược trước đó tập trung ưu tiên vào Trung Quốc. Ngoài ra, Đức còn “tố cáo” rằng Trung Quốc đang đánh cắp công nghệ từ các nhà sản xuất châu Âu.

Năm ngoái, Pháp đã công bố chiến lược quốc phòng Ấn Độ - Thái Bình Dương, kêu gọi tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Theo chiến lược này, Nhật Bản và Pháp thắt chặt hợp tác về an ninh hàng hải. Cũng vào hồi tháng 8 năm ngoái, hai nước đều tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu.

Hai nước thường xuyên tổ chức hội nghị Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao từ năm 2014. Nhật Bản cũng hy vọng rằng chuyến công du lần này sẽ mở đường cho hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Quốc phòng 2 + 2 tại Tokyo, và thắt chặt hơn nữa hợp tác kinh tế và an ninh.

Thông qua chuyến công du lần này, ông Motegi mong muốn phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn với các quốc gia Châu Âu trong chính sách đối phó với Trung Quốc. Hiện Đức và Pháp là 2 quốc gia có tiếng nói trọng lượng nhất trong các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu và có chung quan điểm về thiết lập khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở cũng như đảm bảo an ninh hàng hải, ứng phó với các hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc tại khu vực này.

Bồ Đào Nha cũng có tiếng nói quan trọng trong khối Châu Âu. Chính vì vậy, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Bồ Đào Nha, ông Motegi cũng đã nêu rõ Nhật Bản lo ngại hành vi đơn phương của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông và nhận được sự đồng tình của Ngoại trưởng Bồ Đào Nha.

Như vậy, Nhật Bản đang “nối dài” việc thúc đẩy chiến lược của Châu Âu trong chính sách mới bao gồm việc giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong tương lai.

Đảm bảo năng lượng và an ninh hàng hải với Trung Đông

Đối với khu vực Trung Đông, Nhật Bản là một nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào sự ổn định của khu vực này - nơi có nguồn dầu mỏ phong phú. Do đó, Nhật Bản từ lâu đã trở thành bạn hàng dầu thô và khí đốt tự nhiên của Trung Đông. Tuy nhiên, những bất ổn thời gian gần đây đe dọa đưa Nhật Bản vào cuộc khủng hoảng an ninh năng lượng, đặt ra yêu cầu thay đổi chiến lược để đảm bảo bình ổn quan hệ với các quốc gia Trung Đông.

Trung tuần tháng 1 năm nay, khi dịch Covid-19 chưa thực sự bùng phát, người tiền nhiệm của Thủ tướng Suga Yoshihide là ông Abe Shinzo cũng đã thực hiện chuyến công du Trung Đông và chọn Saudi Arabia là một trong những nơi dừng chân. Cũng đúng thời điểm này, chính phủ Nhật Bản đã cử một tàu khu trục và hai máy bay tuần tra P-3C cùng 260 binh sĩ tới khu vực Trung Đông với sứ mệnh giúp tăng cường sự an toàn của việc vận chuyển hàng hóa thương mại. Mục đích là chuẩn bị kỹ càng cho nhiệm vụ ngăn chặn nguồn cung dầu mỏ bị cắt đứt.

Như vậy, dư luận cho rằng, bên cạnh mục tiêu thúc đẩy ngoại giao như chính sách của người tiền nhiệm, tân Thủ tướng Suga mong muốn Ngoại trưởng Motegi xác nhận lại sự ủng hộ của các nước Trung Đông với sứ mệnh hàng hải mới mà Tokyo vừa triển khai trong khu vực, cũng như tìm kiếm sự hợp tác nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và an toàn hàng hải, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm cho nền kinh tế Nhật Bản ảnh hưởng rất lớn.

Giới quan sát nhận định, những động thái mới của Nhật Bản tiếp tục cho thấy tham vọng nâng cao vị thế của “xứ sở mặt trời mọc” ở Trung Đông. Không chỉ muốn bảo vệ lợi ích tại Trung Đông, Nhật Bản đồng thời cần thỏa hiệp với các bên để tránh những nguy cơ chiến tranh tương lai.

Thúc đẩy quan hệ đa phương

Một thông điệp khác mà Ngoại trưởng Nhật Bản muốn đưa ra trong chuyến công du đầu tiên đến châu Âu và Trung Đông, đó là Nhật Bản dù đặc biệt coi trọng quan hệ với đồng minh Washington, nhưng Tokyo vẫn còn những đối tác tiềm năng khác.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong các biện pháp đối phó với dịch Covid-19, đàm phán về khả năng nới lỏng các hạn chế đi lại đang được áp dụng hiện nay, hay là thúc đẩy sự tham gia của Nhật Bản vào các chương trình nghị sự toàn cầu là những chủ đề chính trong chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Motegi. Saudi Arabia hiện là chủ tịch Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Trong khi đó, Bồ Đào Nha sẽ giữ chức chủ tịch Liên minh châu Âu trong nửa đầu năm 2021. Như vậy, đương nhiên, quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản, nhưng đối với Tokyo, Châu Âu và Trung Đông cũng là những khu vực quan trọng trong chính sách ngoại giao của nước này.

Đáng chú ý, chuyến thăm cũng được cho là nhằm mục đích tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, thúc đẩy chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", trao đổi về tình hình trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Pháp và Đức hiện đều đang tiến hành chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Có thể thấy rõ rằng, Nhật Bản vẫn đang nỗ lực thúc đẩy cả hợp tác song phương và đa phương tại nhiều khu vực khác nhau, nhằm tạo mạng lưới bao bọc cho nước này, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác của các bên trong vấn đề quốc tế, đặc biệt là vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại