Ảnh minh họa.
Trong "Minh báo ký" có ghi lại, vào đầu thời Tùy, có một đứa trẻ 13 tuổi ở ngoại thành Ký Châu thường xuyên đi trộm trứng gà của nhà hàng xóm đem nấu ăn. Người cha biết chuyện nhưng chẳng hề mảy may quan tâm, để kệ con muốn làm gì thì làm.
Một thời gian sau, vào một buổi sáng sớm nọ, có người gõ cửa gọi tên đứa trẻ. Cha đứa trẻ kêu con trai ra mở cửa.
Sau khi đứa trẻ mở cửa, nó nhìn thấy một người lạ ngoài cửa và nói với nó: "Quan phủ cho triệu ngươi."
Người con nói với cha: "Người ta gọi con đi làm lao dịch, giờ cần chuẩn bị chút quần áo và lương khô."
Người truyền tin nói: "Không cần đâu." Nói xong liền mang người con đi. Phía nam của ngôi làng trước kia là cánh đồng trồng dâu tằm, hiện tại đã cày xong nhưng vẫn chưa trồng lại. Đứa trẻ chợt nhìn thấy một ngôi thành nhỏ bên phải con đường, bốn phía đều là tháp cổng, rất uy nghiêm.
Đứa trẻ cảm thấy rất lạ nên hỏi: "Thành này có từ bao giờ?"
Người truyền tin mắng nó đừng có lắm lời.
Người truyền tin đưa đứa trẻ đến cổng phía bắc của thành và bảo nó đi vào. Ngay khi đứa trẻ bước vào, cổng thành liền đóng lại. Trong thành không một bóng người.
Dưới mắt cá chân đứa trẻ đầy những tro tàn, nó sợ hãi kêu lên, chạy đến cổng nam, khi nó chạy gần đến nơi thì cổng thành đóng lại. Nó lại chạy đến cổng phía đông và cổng phía tây, cả hai đều bị đóng khi nó gần đến cửa.
Lúc này, người trong thôn lục đục ra đồng làm ruộng hái dâu, họ thấy có đứa trẻ khóc lóc ở ruộng cày, chạy qua chạy lại khắp nơi, đều cho rằng đứa trẻ bị điên, mới sáng sớm mà chơi gì ở đây.
Đến trưa, những người hái lá dâu đều trở về nhà. Cha của đứa trẻ đi tìm con liền hỏi họ: "Có ai nhìn thấy con trai tôi không?"
Người hái dâu trả lời: "Con trai ông đang chơi đùa chạy nhảy chỗ phía nam làng kia kìa, gọi nó nó cũng không ra."
Người cha của đứa trẻ đi ra khỏi làng, thấy con trai mình cứ chạy ở ngoài kia, bèn lớn tiếng gọi, người con nghe thấy liền dừng lại, bức tường thành và đống tro tàn bỗng chốc biến mất. Đứa trẻ nhìn thấy cha thì ngã khuỵu xuống, khóc lóc kể lại cho cha nghe chuyện đã xảy ra.
Người cha nhìn xuống chân con, cả hai chân đều bị bỏng, đỏ rộp lên hệt như người vừa bị lửa thiêu. Người cha đưa đứa con về nhà để trị thương nhưng chỉ khôi phục được ít nhiều, dị tật do vết bỏng và những gì phải trải qua vẫn ám ảnh đứa trẻ đó mãi về sau.
Sau khi nghe tin, hàng xóm đều chạy đến những nơi mà đứa trẻ đã chạy qua để kiểm tra xem thực hư câu chuyện thế nào. Thế nhưng họ chỉ nhìn thấy dấu chân của đứa trẻ, thậm chí rất rõ ràng nhưng không hề thấy dấu tích của vết tro hay vụ cháu nào.
Kể từ đó trở đi, người dân trong thị trấn đều rất sống rất thận trọng và tử tế, họ không dám làm bất cứ chuyện gì sai trái vì sợ chuyện không hay như trường hợp của đứa trẻ nói trên sẽ xảy ra với chính mình.
Lời bình
Trong câu chuyện mà nhiều khả năng là do dân gian thêu dệt này, đứa trẻ vì còn nhỏ, thiếu hiểu biết nên đã đi ăn trộm trứng của nhà hàng xóm, tham lam muốn chiếm lấy những lợi ích vặt vãnh. Điều đáng nói là cha đứa trẻ dù biết chuyện nhưng lại không kịp thời chấn chỉnh, bảo ban dạy dỗ con mình, cứ thế để kệ thói ích kỷ của con.
Sống không được uốn nắn, giáo dục theo chuẩn mực, theo thời gian thói ích kỷ trong con người của đứa trẻ mỗi ngày một lớn.
Người cha đã không làm tròn trách nhiệm giáo dục con cái, chính việc này đã tạo thêm điều kiện để tâm lý ích kỷ của đứa trẻ phát tác. Và bị tro nóng đốt cháy chân chính là lời cảnh cáo của ông trời đối với những kẻ đã làm việc xấu.
Từ xưa đến nay, những câu chuyện như thế này không hề ít, nó gợi cho chúng ta nhớ đến một quy luật ở đời: Luật nhân quả!
Trên đời này, gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy, người làm việc sai trái sẽ phải chịu sự trừng phạt, người làm việc tốt sẽ nhận được phúc báo, chỉ khác biệt ở chỗ "quả" có thể đến sớm hoặc muộn mà thôi.
Làm việc xấu, dù chỉ là việc rất nhỏ cũng vẫn là việc xấu và cũng vẫn sẽ phải trả giá. Đừng bao giờ nghĩ rằng việc mình làm không ai biết, bởi ngoài chính bản thân mình ra, còn có Ông Trời biết nữa.
Hãy sống tử tế, bởi chỉ có sống tử tế chúng ta mới xứng đáng nhận được những điều tử tế trong cuộc đời.