Ẩn tình của Đức trong vụ nổ Nord Stream

Đông Phong |

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lo ngại về một kịch bản Mỹ kiểm soát châu Âu như hiện nay, khi bà rời khỏi chính trường.

Vụ nổ Nord Stream là hành động đáp ứng được mong muốn của người Mỹ.

Cuốn sách 'Freedom: Memoirs 1954-2021', xuất bản ngày 26 tháng 11 của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề cập đến một nội dung quan trọng, thêm một mồi lửa vào vụ điều tra nổ đường ống Nord Stream đang làm tốn giấy báo chí Đức thời gian qua.

Theo đó, bà Merkel thừa nhận, Berlin hoàn toàn nhận thức được rằng Washington muốn "giết chết" dự án đường ống dẫn khí đốt chung giữa Nga và Đức mang tên Nord Stream.

Và rằng họ chỉ sử dụng nó như một vật tế thần để đánh cắp một thị trường năng lượng mới khổng lồ cho riêng mình.

"Mỹ lập luận rằng lợi ích an ninh của họ bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng đường ống vì đồng minh Đức của họ sẽ khiến họ phụ thuộc quá nhiều vào Nga. Thực ra, tôi cảm thấy rằng Mỹ đang huy động các nguồn lực kinh tế và tài chính đáng kể của mình để ngăn chặn các dự án kinh doanh của các quốc gia khác, thậm chí là các đồng minh của họ" - bà Merkel viết.

"Mỹ chủ yếu quan tâm đến lợi ích kinh tế của riêng mình vì muốn xuất khẩu sang châu Âu khí thiên nhiên hóa lỏng thu được thông qua phương pháp thủy lực phá vỡ đá phiến" - cựu Thủ tướng cho biết thêm.

Trong bài phân tích đăng trên trang RT, nhà phân tích Rachel Marsden cho rằng, những bình luận của cựu Thủ tướng hé lộ một quan điểm cho thấy Washington đã sử dụng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine như một cái cớ thuận tiện để biến đối thủ cạnh tranh kinh tế Đức và EU trở thành chư hầu.

Không may, người kế nhiệm bà Merkel, Thủ tướng Olaf Scholz và phần còn lại của giới lãnh đạo Đức và châu Âu, đã hành động như cái cách bà Merkel lo ngại: Tổng thống Joe Biden đề nghị bán cho họ LNG để thay thế khí đốt của Nga, như một sự cứu cánh, hóa ra lại có giá cao gấp nhiều lần. Không chỉ vậy, LNG Mỹ còn gây tổn hại liên tục cho ngành công nghiệp và công dân Đức và châu Âu.

Ông Biden đã đứng cạnh Scholz tại bục phát biểu của Nhà Trắng vào tháng 2 năm 2022, nói rằng "sẽ không còn Nord Stream 2" nữa nếu Nga tiến vào Ukraine. Sau đó, đường ống này đã phát nổ một cách bí ẩn vào tháng 9 năm 2022. Các cuộc điều tra đã được tiến hành, nhưng Đức vẫn chưa tìm ra những kẻ chịu trách nhiệm.

Kết quả cuối cùng của tất cả những điều này, là việc người Mỹ đã nắm trong tay mọi thứ, sự phụ thuộc của châu Âu, sự thất bại của ngành công nghiệp châu Âu và sắp tới, sự chuẩn bị của các công ty Mỹ muốn thâu tóm các công ty châu Âu.

Doanh nhân người Mỹ có trụ sở tại Miami, Stephen Lynch đang yêu cầu Chính phủ Mỹ chấp thuận việc đấu thầu Nord Stream 2 do một công ty con của Gazprom (thuộc Nga) nắm giữ phần lớn cổ phần. Wall Street Journal cho biết, Lynch đã bày tỏ rằng ông có thể "chen vào giữa khí đốt của Nga và sự tuyệt vọng của Đức về nguồn cung giá rẻ, với sự chấp thuận của Mỹ".

“Đây là cơ hội ngàn năm có một để Mỹ và châu Âu kiểm soát nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu trong suốt thời đại nhiên liệu hóa thạch còn lại” - Lynch nói với WSJ. Đây cũng là cơ hội để các lợi ích của Mỹ hưởng lợi từ và kiểm soát cả EU và Nga, bằng cách chen vào giữa hai bên.

Dẫu vậy, cho đến nay, phía Nga vẫn khẳng định không có mong muốn bán cổ phần hoặc bán lại dự án vận chuyển khí đốt quan trọng này vào tay người Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại