Ấn Độ vẫn cần vũ khí của Nga

TUẤN SƠN |

Mới đây, việc Ấn Độ tiếp tục muốn mua bản quyền lắp ráp xe tăng T-90, máy bay chiến đấu Su-30MKI, trực thăng Ka-226 và mong muốn được cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 đã tiếp tục khẳng định New Delhi vẫn có nhu cầu rất lớn đối với trang bị, kỹ thuật quân sự từ Moscow, cũng như mong muốn thắt chặt quan hệ quốc phòng giữa hai nước.

Liên quan tới vấn đề này, nhiều chuyên gia Nga cũng có chung nhận định, trong giai đoạn trung hạn, Ấn Độ sẽ là “khách hàng vàng” của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Khi nói về đối tác Ấn Độ, Giám đốc phụ trách mảng hợp tác quốc tế của Tập đoàn Rostec, Victor Kladov nhận định, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Moscow và New Delhi có tính truyền thống và định hướng lâu dài.

Rostec dự tính, các liên doanh Nga-Ấn trong thời gian tới đã có kế hoạch lắp ráp tới 1.000 xe tăng T-90, 250 máy bay chiến đấu Su-30MKI và 200 trực thăng Ka-226 để cung cấp cho Quân đội quốc gia Nam Á này.

Ấn Độ vẫn cần vũ khí của Nga - Ảnh 1.

Ấn Độ vẫn cần vũ khí của Nga - Ảnh 2.

Xe tăng T-90 Bhishma và tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos là những dự án hợp tác Nga-Ấn thành công nhất hiện nay.

“Tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của Ấn Độ lên tới 9%, cho phép họ có quyền mua mọi thứ mình muốn”, ông V. Kladov nhấn mạnh.

Mặc dù trong vài năm trở lại đây, Ấn Độ đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung quốc phòng của mình bằng các hợp đồng quân sự lớn với đối tác phương Tây và Mỹ, nhưng về cơ bản trên 70% trang bị, vũ khí của Quân đội Ấn Độ vẫn có nguồn gốc Nga và Liên Xô.

“Mặc dù các trang bị, khí tài quân sự của Nga như máy bay vận tải IL-76, máy bay chiến đấu Mig-35 hay trực thăng Mi-28N và Mi-26T2 có nhiều đặc điểm phù hợp hơn với đặc thù của Quân đội Ấn Độ, nhưng New Delhi lại chọn sản phẩm phương Tây.

Đây chỉ là “những điểm trắng” trong hợp tác giữa hai bên. Về mặt chiến lược dài hạn, cả Nga và Ấn Độ đều hướng tới những dự án mang tầm chiến lược hơn”, Giáo sư Vadim Kozyulin, Học viện Khoa học quân sự Liên bang Nga, nhận định.

Theo lời giáo sư V. Kozyulin, một trong số những dự án hợp tác quy mô giữa Nga và Ấn Độ hiện nay là chương trình đóng tàu sân bay Vikrant. Chiếc tàu sân bay này đang trong quá trình chạy thử. Tiếp đến là tàu sân bay hạt nhân thuộc Đồ án 23000 Storm.

Thiết kế tàu sân bay dành cho Ấn Độ do Trung tâm nghiên cứu Krylovskaya và Tổ hợp thiết kế Nevsky của Nga thực hiện theo các yêu cầu kỹ-chiến thuật do Bộ Quốc phòng Ấn Độ đề ra.

Theo các thông tin công khai, tàu sân bay lớp Storm có lượng choán nước đạt 100.000 tấn, dài 300m, rộng 40m. Lớp tàu này có thể chở theo 100 máy bay các loại với kíp thủy thủ đoàn gồm hơn 4.000 sĩ quan và thủy thủ.

Ấn Độ vẫn cần vũ khí của Nga - Ảnh 3.

Máy bay chiến đấu S-30MKI của Không quân Ấn Độ giành chiến thắng vang dội trước các đối thủ Mỹ và phương Tây ở cuộc tập trận Red Flag diễn ra tại bang Alaska, Mỹ.

Ấn Độ vẫn cần vũ khí của Nga - Ảnh 4.

Không có quốc gia nào trên thế giới, ngoài Nga, có thể cho Ấn Độ thuê vũ khí chiến lược như tàu ngầm hạt nhân. Ảnh: Tàu ngầm INS Chakra Ấn Độ thuê từ Nga.

Cùng với tàu sân bay lớp Storm, Nga đã chuyển giao cho phía Ấn Độ các đơn vị máy bay chiến đấu hải quân Mig-29K/UKB và trong tương lai có thể là phiên bản hải quân của dòng máy bay thế hệ thứ 5 FGFA (phát triển trên cơ sở dự án PAK FA của Nga).

Với những nhượng bộ từ cả hai bên, Nga và Ấn Độ đang tiến gần tới việc ký thỏa thuận chính thức hợp tác phát triển FGFA với mức đóng góp mỗi bên khoảng 4 tỷ USD thay vì 8 tỷ USD như dự kiến ban đầu. Nguồn tài chính này đảm bảo cho quá trình phác thảo thiết kế, chế tạo nguyên mẫu, bay thử nghiệm và hỗ trợ sản xuất khoảng 200 chiếc FGFA.

Điểm đặc biệt trong hợp tác quân sự Nga-Ấn là New Delhi luôn được tiếp cận công nghệ nguồn, dù nền tảng công nghiệp quốc phòng của phía Ấn Độ còn nhiều hạn chế.

Có thể lấy ví dụ ngay từ chương trình tìm kiếm 126 máy bay đa nhiệm hạng trung mới (MMRCA), Ấn Độ và Pháp đã không tìm được tiếng nói chung trong việc chuyển giao công nghệ nguồn của máy bay chiến đấu Rafale, mặc dù giá thành sản xuất đã đội lên gần gấp đôi so với hợp đồng.

Trong khi đó, các dự án quân sự hợp tác với Nga như dây chuyền lắp ráp xe tăng T-90, máy bay Su-30MKI và tương lai là FGFA, các đối tác Ấn Độ đều được tham gia tất cả các khâu trong quy trình sản xuất.

Liên quan tới vấn đề này, lãnh đạo Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga (CAST), Ruslan Pukhov nhận định, hợp tác quốc phòng Nga-Ấn không bị quan hệ chính trị chi phối.

Moscow sẵn sàng cung cấp cho New Delhi các công nghệ mà Ấn Độ cần trong giới hạn cho phép. Điển hình nhất cho vấn đề này là chương trình phát triển tên lửa siêu thanh BrahMos.

Nga không chỉ hỗ trợ Ấn Độ phát triển đầy đủ các phiên bản BrahMos dành cho hải-lục-không quân Ấn Độ, mà còn đồng ý để New Delhi xuất khẩu sản phẩm này sang quốc gia thứ ba.

“Ấn Độ hiện là khách hàng lớn nhất của chúng tôi. Trong giai đoạn 2012-2015, trong số 162 hợp đồng quân sự mới của Quân đội Ấn Độ, thì Nga có 18, còn Mỹ chỉ có 13. Vấn đề không nằm ở số lượng hợp đồng, mà là giá trị của chúng và định hướng tới tương lai hợp tác giữa hai bên.

Không giống như phương Tây, chúng tôi không chỉ cung cấp cho phía Ấn Độ trang bị, vũ khí, mà còn sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất ra chúng”, giáo sư V. Kozyulin nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại