Ấn Độ sẵn sàng hợp tác nếu Việt Nam quan tâm tên lửa BrahMos-A

Bạch Dương |

Tại Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2022, BrahMos Aerospace của Ấn Độ đã mang tới giới thiệu vũ khí nổi bật nhất của mình là tên lửa BrahMos-A.

Ấn Độ sẵn sàng hợp tác nếu Việt Nam quan tâm tên lửa BrahMos-A - Ảnh 1.

Thời gian qua, báo chí quốc tế đã đăng tải khá nhiều thông tin về việc nhà sản xuất BrahMos Aerospace của Ấn Độ muốn giới thiệu cho Việt Nam tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm PJ-10 BrahMos thuộc phiên bản triển khai từ mặt đất.

Theo một số chuyên gia đánh giá, tên lửa BrahMos - sản phẩm liên doanh Nga - Ấn thực chất là một biến thể dựa trên loại 3M55 Oniks/Yakhont, nó bị nhận xét là không có ưu điểm nào nổi trội so với nguyên gốc, không chỉ có vậy giá thành lại đắt hơn khá nhiều.

Tại Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2022 vừa diễn ra, nhà sản xuất Ấn Độ đã lần đầu mang tới chào hàng biến thể đặc biệt của tên lửa BrahMos, đó chính là phiên bản phóng từ trên không BrahMos-A.

Tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos-A là phiên bản không đối hạm, được sửa đổi từ biến thể phóng từ tàu mặt nước hay xe tải việt dã triển khai trên bộ.

BrahMos-A có tầm bắn 300 km, mang theo đầu đạn trọng lượng 200 kg, tốc độ lớn nhất Mach 3 nhờ được trang bị động cơ phản lực dòng thẳng do Nga chế tạo. Quả đạn này còn có khả năng kháng nhiễu điện tử tốt, mang lại xác suất trúng đích rất cao.

So với các phiên bản BrahMos cũ thì rõ ràng tên lửa BrahMos-A là "vũ khí thay đổi cuộc chơi", nó thậm chí còn tỏ ra lợi hại hơn hẳn khi đặt cạnh các loại tên lửa không đối hạm khác như Kh-31P, Kh-59MK, hay thậm chí Kh-35UE khi sở hữu tầm bắn và uy lực vượt trội.

Nếu được trang bị thứ vũ khí trên, các tiêm kích hạng nặng sẽ như "hổ mọc thêm cánh", có khả năng tung đòn tấn công tầm xa từ ngoài tầm phòng không của chiến hạm đối phương.

Ấn Độ sẵn sàng hợp tác nếu Việt Nam quan tâm tên lửa BrahMos-A - Ảnh 2.

Ông Praveen Pathak - giám đốc phụ trách marketing và xuất khẩu thuộc Tập đoàn quốc phòng BrahMos Aerospace

Tuy nhiên điểm đáng lưu ý nhất của tên lửa BrahMos-A lại là trọng lượng lên tới 2,5 tấn, bị đánh giá quá khổ đối với tiêm kích thông thường. Đơn cử như với Su-30, phương tiện tác chiến này mang được tải trọng tối đa 8 tấn, nhưng mấu cứng hạng nặng chính giữa thân với sức tải lớn nhất cũng chỉ chịu được trọng lượng 1,5 tấn mà thôi.

Với thực tế trên, khi tiến hành tích hợp tên lửa BrahMos-A, các máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ đã yêu cầu phải gia cố khung thân mới mang nổi, đây cũng là điều mà Su-30MK2 phải thực hiện nếu muốn sử dụng loại đạn chống hạm lợi hại này.

Chia sẻ bên lề Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2022 hôm 9/12, ông Praveen Pathak - giám đốc phụ trách marketing và xuất khẩu thuộc Tập đoàn quốc phòng BrahMos Aerospace của Ấn Độ cho biết, họ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam nếu chúng ta quan tâm và chọn tên lửa BrahMos-A.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại