Phân tích trên tờ Hindustan Times (Ấn Độ) ngày 22/7, ông Chellaney cho rằng trừ khi Ấn Độ nhìn nhận mối đe dọa về dài hạn gây ra bởi Trung Quốc gia tăng "khoe cơ bắp", và phản ứng bằng một đối sách phù hợp, New Delhi sẽ gặp phải những vấn đề lớn hơn nhiều cuộc giằng co diễn ra ở vùng biên giới Sikkim từ đầu tháng 6.
Theo ông, chiến lược của Bắc Kinh là đánh ngã Ấn Độ bằng cách tấn công các điểm yếu của New Delhi, như thông quan xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan và tăng hiện diện quân sự ở khu vực này, thậm chí có thể can thiệp vào xung đột Ấn Độ-Pakisan ở Kashmir. Trung Quốc đang thắt chặt vòng vây Ấn Độ từ nhiều hướng, trải dài từ Nepal đến Ấn Độ Dương.
Với hạm đội tàu ngầm phát triển nhanh nhất thế giới, Trung Quốc đang mở ra mối đe dọa từ hướng biển nhằm vào Ấn Độ. Bắc Kinh vừa đưa binh sĩ đến cơ sở hậu cần ở Djibouti, nằm phía Tây Bắc Ấn Độ Dương, mà New Delhi khẳng định là một căn cứ hải quân nằm trong kế hoạch "kiểm soát khu vực".
Brahma Chellaney phân tích, Ấn Độ có hệ thống cơ sở hạ tầng về năng lượng và chiến lược được đặt tập trung trên dải bờ biển 7.600 km và dễ dàng trở thành mục tiêu công kích. Thực tế này khiến động thái của Trung Quốc trở thành "chuyển biến bước ngoặt trong tính toán nguy cơ" của New Dehi.
Thêm vào đó, Trung Quốc bị cho là sẵn sàng thúc đẩy chiến tranh kinh tế để phá hủy sức mạnh của Ấn Độ từ bên trong, bao gồm dập tắt năng lực sản xuất của Ấn Độ bằng biện pháp bán phá giá hàng hóa trên diện rộng.
Hàng hóa Trung Quốc giá rẻ khiến Ấn Độ thất thoát hàng tỉ USD tiền thuế hàng năm. Các sản phẩm từ Trung Quốc, bao gồm đặc khu hành chính Hồng Kông, chiếm tới 22% giá trị nhập khẩu của Ấn Độ trong năm 2015, trong khi hàng hóa Mỹ chỉ chiếm 5%, Nhật Bản là 2%.
Ông Chellaney nhận định, trong khi chính quyền Thủ tướng Narendra Modi vẫn kêu gọi hòa giải và hợp tác, Trung Quốc đang tỏ rõ thái độ rằng "một núi không thể có hai hổ". Rõ ràng Bắc Kinh muốn trở thành "con hổ" duy nhất ở châu Á.
"Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc chiến tâm lý toàn diện về vấn đề Doklam để kiềm chế Ấn Độ. Nếu Ấn Độ khuất phục, chúng ta sẽ chịu sự phụ thuộc về chiến lược mãi mãi. Việc Ngoại trưởng Sushma Swaraj bác bỏ các thông tin sai lệch từ Trung Quốc trước Thượng viện đưa tới câu hỏi: Tại sao Ấn Độ vẫn chậm chạp trong việc đối phó cuộc chiến tuyên truyền của Bắc Kinh?"
Học giả Chellaney kêu gọi New Delhi hành động cứng rắn hơn: "Thay vì chờ đợi đối thoại, Ấn Độ cần yêu cầu Trung Quốc lui quân trước cũng như rút các điều kiện tiên quyết, và khiến Bắc Kinh không thể hoài nghi gì về quyết tâm của Ấn Độ bất chấp hậu quả."
"Ấn Độ phải sẵn sàng cho Trung Quốc một đấm chảy máu mũi nếu họ leo thang căng thẳng biên giới để dẫn tới một cuộc xung đột," ông nói. "Việc làm bẽ mặt Trung Quốc, ngay cả trong một cuộc đối đầu quân sự cục bộ như năm 1967, có ý nghĩa quan trọng để gây bất ổn cho chủ nghĩa bành trướng của nước này."
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS, tổ chức tại Goa, Ấn Độ tháng 10/2016 (Ảnh: Reuters)
Ấn Độ làm Bắc Kinh không thể hiểu
Nhà báo Mihir Sharma của Bloomberg hôm 21/7 cho hay, ở Bắc Kinh vài tuần trước ông đã nhận thấy ấn tượng rõ ràng từ các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc và các quan chức ngoại giao, rằng họ nghĩ Ấn Độ đang "chơi nổi".
Ấn Độ phản đối và tẩy chay sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. Thái độ tương tự còn xuất hiện trong bản tuyên bố chung giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông Modi công du Mỹ hồi tháng trước. Ngoài ra, thái độ của New Delhi trong vấn đề biên giới đang cứng rắn hơn bất cứ thời điểm nào trước đây.
Đối với ban lãnh đạo Trung Quốc, ứng xử của Ấn Độ khiến họ không thể lý giải. Nhà báo Sharma cho biết đã nhiều lần được hỏi rằng liệu có phải New Delhi đã quên rằng nền kinh tế Ấn Độ chỉ có quy mô bằng 1/5 của Trung Quốc. Giới quan chức Trung Quốc tin rằng Ấn Độ "cần được chỉ rõ vị trí của mình".
Vấn đề là Ấn Độ đã luôn coi mình ở vị thế ít nhất là cân bằng với Trung Quốc, cho dù họ tổn thất lớn hơn trong chiến tranh biên giới 1962, và người láng giềng có vượt trội về kinh tế. Người Ấn chỉ cho rằng đó là "một bước lùi nhỏ" và cuối cùng họ cũng sẽ bắt kịp Trung Quốc sau khi ổn định tình hình trong nước.
Sharma cho rằng Ấn Độ khó có khả năng khoanh tay trước Trung Quốc nữa.
"Khi một tỉ dân được hướng đến kỳ vọng rằng họ là một sức mạnh lớn hơn, họ sẽ đòi hỏi chính phủ phải hành động như một nước lớn," ông đánh giá. "Mỗi khi Trung Quốc khinh thường hoặc phớt lờ khả năng của Ấn Độ - những điều dường như rất hợp lý tại Bắc Kinh, họ chỉ tiến nhanh thêm đến ngày Ấn Độ đứng lên để tìm kiếm vị thế lớn hơn, tương xứng với hình ảnh đất nước."