Cứ ba nhà thì (chỉ) một nhà có phòng vệ sinh
Cứ ba hộ gia đình mới có… một phòng vệ sinh là thực tế đang diễn ra tại Ấn Độ. Công trình phụ khép kín lâu nay vẫn là khái niệm xa lạ tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.
Thực trạng đáng ngại đó không chỉ xảy ra tại các vùng nông thôn (trên những cánh đồng hoang vắng vào ban đêm bỗng hóa thành toa lét lộ thiên đúng nghĩa) mà còn là chuyện "cơm bữa" ở chốn phồn hoa đô thị (khắp các bến xe, nhà ga hay mọi ngóc ngách trên đường phố Ấn Độ).
Phụ nữ Ấn Độ thường chọn cách đi vệ sinh tập thể để bảo vệ nhau khỏi những tay "yêu râu xanh" luôn rình rập.
Rất nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra: "Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, lại không có tiền xây toa lét hay sao?", "Họ có nguồn kinh phí khổng lồ để xây các tòa nhà tráng lệ, đầu tư vào ngành công nghiệp không khói, những bộ phim tưởng chừng như chẳng có hồi kết nhưng sao phụ nữ vẫn không có nhà vệ sinh khép kín để sử dụng, một nhu cầu hết sức cơ bản của con người?
Trên thực tế, vấn đề này không phải là hậu quả do nền kinh tế gây ra.
Đây là một vấn đề thuộc về khía cạnh văn hóa, khi những tập tục dân dã đã ăn sâu vào máu của một đất nước mà nền văn minh dân tộc được gói trọn trong tà áo Sari và dãy Himalaya muôn đời bất biến. Vậy nên hành động đi vệ sinh lộ thiên là chuyện hết sức bình thường ở quốc gia này!
Nhưng những tai họa bắt đầu nảy sinh khi chính tập quán này đã khiến cho phụ nữ Ấn Độ ngày ngày phải đối mặt với nguy cơ bị hiếp dâm. Hơn 400 vụ án hiếp dâm không có hồi kết đã thúc đẩy chính phủ ra những quyết sách để chấm dứt tình trạng đáng báo động này.
Một chiến dịch mang tên Làm sạch Ấn Độ đã được chính phủ Narendra Modi triển khai nhằm can thiệp khẩn cấp vào thực trạng đáng buồn này. Với nhiệm vụ chấm dứt hoàn toàn nạn vệ sinh lộ thiên vào năm 2019, những động thái tích cực đã được chính phủ thực hiện.
Từ năm 2014, những công trình phụ khép kín đã bắt đầu được xây dựng nhằm chấm dứt đòn "tra tấn tinh thần" đè nặng lên người phụ nữ bấy lâu. Từ đó đến nay, không phải "có xe, có nhà" mà phải "có phòng vệ sinh khép kín" đã trở thành điều kiện không thể thiếu trong hôn nhân Ấn Độ.
Một chiến dịch mang tên Làm sạch Ấn Độ đã được chính phủ Narendra Modi triển khai nhằm can thiệp khẩn cấp vào thực trạng đáng buồn này.
Ly hôn để thoát khỏi cuộc sống không toa lét
"Con giun xéo mãi cũng quằn" - một trong số những người phụ nữ chung cảnh ngộ đã đứng lên để bảo vệ quyền và nhu cầu hết sức "con người" này của mình.
Tại làng Pur thuộc quận Bhilwara, Ấn Độ. Chị Sangeeta Mali, 23 tuổi đã đơn phương đệ đơn ly hôn lên tòa án nhân dân để chấm dứt những khó khăn vất vả mà chị phải chịu đựng trong cuộc "hôn nhân không toa lét".
Suốt những năm tháng về làm dâu ở nhà chồng, chị Mali đã "cắn răng" nhịn đi vệ sinh vào ban ngày, cố chờ đến khi trời nhá nhem tối để có thể "đi đồng" tại những thửa ruộng quanh làng. Thậm chí, chị còn phải trốn về nhà mẹ đẻ ở một làng khác để có thể đi vệ sinh trong công trình phụ khép kín.
Vì tin lời hứa về một căn phòng vệ sinh kín đáo, đảm bảo riêng tư của người chồng hiện tại anh Chotu Lal Mali, chị Mali đã đồng ý kết hôn với anh vào năm 2011. Nhưng thực tế lại không như những gì chị Mali mong muốn:
"Mỗi ngày trôi qua, tôi đều như đối diện với địa ngục trần gian, tôi phải nhịn cả ngày và đợi đến tối để có thể làm một việc hết sức đơn giản là đi vệ sinh?! Còn cả chồng và gia đình nhà chồng tôi đều toàn là những kẻ hứa xuông, tôi sẽ tự tay chấm dứt bi kịch này!!" - chị Mali chia sẻ với tờ Guardian (Anh).
Toilet mới được dựng lên ở làng Marora, bang Haryana. Đây là kết quả của chiến dịch Làm sạch Ấn Độ nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng vệ sinh lộ thiên vào năm 2019. Ảnh: Harish Tyagi.
Đây là tình trạng mà không chỉ riêng Mali mà rất nhiều phụ nữ Ấn Độ cũng gặp phải. Câu chuyện về việc ly hôn của Mali lập tức thu hút được sự quan tâm của những người phụ nữ chung cảnh ngộ và nhanh chóng trở thành tâm điểm của báo giới trong nước và nước ngoài.
Trong phiên tòa xét xử vào ngày thứ sáu vừa qua, thẩm phán Rajendra Kumar Sharma đã có những tuyên ngôn mang tính lịch sử khi đứng lên bảo vệ quyền lợi của những người phụ nữ Ấn Độ. Sharma khẳng định rằng, thực trạng này là một "đòn tra tấn về tinh thần", một sự sỉ nhục đáng xấu hổ trong thế kỉ 21.
"Đã bao giờ những người đàn ông ngồi đây cảm thấy xót xa khi mẹ mình, chị em gái mình phải đợi cả ngày đến tối để có thể làm một việc đơn giản là đi vệ sinh? Còn những vấn đề về sinh lý, sức khỏe nảy sinh khi nhịn vệ sinh trong suốt một thời gian dài như vậy thì sao?"
"Thật nực cười khi những người đàn ông chi trả những khoản tiền lớn cho rượu bia, thuốc lá, điện thoại di động… Trong khi nhà mình lại không có nổi một nhà vệ sinh khép kín!"
"Muốn thoát khỏi sự lạc hậu, muốn đất nước phát triển, chúng ta phải tôn trọng chính những người phụ nữ. Việc xây dựng nhà vệ sinh khép kín không chỉ là hành động bảo đảm vệ sinh, mà còn là hành động thể hiện quyền bình đẳng, tôn trọng nữ quyền. Không chỉ riêng Mali, mọi phụ nữ trên khắp đất nước Ấn Độ đều xứng đáng được thỏa mãn nhu cầu tối thiểu nhất của một con người - đi vệ sinh mà không phải lo bị hiếp dâm hay nhòm ngó" - Luật sư của Mali, ông Rajesh Sharma tuyên bố.
Về phần mình, chị Mali không phải là người phụ nữ đầu tiên dám đứng lên tranh đấu cho quyền lợi cơ bản này của mình.
Vào tháng 3 năm 2017, một cô dâu ở bang Telangana, miền nam Ấn Độ, đã hoãn hôn ước của mình cho đến khi người chồng chưa cưới hoàn thành việc xây nhà vệ sinh khép kín cho cô.
Và vào tháng 4 năm 2016, một cô dâu ở thành phố Kanpur, phía bắc Ấn Độ đã hủy đám cưới vào phút chót vì lý do nhà người chồng không có toa lét.
Một tương lai không còn cảnh vệ sinh lộ thiên
Số liệu thống kê cho thấy trên thế giới có 2,3 tỉ người phải đi vệ sinh lộ thiên và đáng buồn thay người dân Ấn Độ chiếm ⅓ con số này. Trong năm 2014, chính phủ Narendra Modi đã có những động thái nhằm cải thiện thực trạng đáng buồn này.
Những chiến dịch như Swachh Bharat hay còn gọi là Sứ mệnh làm sạch đất nước đã được triển khai. Tính đến nay, hàng trăm mét công trình phụ khép kín đã được xây dựng khắp đất nước.
Con số này sẽ không ngừng tăng nhằm hoàn thành mục tiêu chấm dứt toàn bộ nạn đi vệ sinh lộ thiên vào năm 2019.
Không nằm ngoài dự đoán của người dân, kinh đô điện ảnh Bollywood đã nhanh chóng nắm bắt câu chuyện của Mali và những người phụ nữ cùng cảnh với cô.
Thành quả là một bộ phim đậm chất Ấn mới ra lò mang tên Toilet: A Love Story (tạm dịch là Chuyện tình không toa lét). Bộ phim nói về một phụ nữ dọa ly hôn chồng trừ khi anh ta xây cho mình một công trình phụ khép kín.
Để giành lại tình yêu và sự tôn trọng từ người vợ thân yêu, anh bắt tay vào một chiến dịch để thay đổi chính sách và nhận thức thiếu thốn của chính làng mình về vấn đề vệ sinh.
Toilet: A Love Story (tạm dịch là Chuyện tình không toa lét). Bộ phim nói về một phụ nữ dọa ly hôn chồng trừ khi anh ta xây cho mình một công trình phụ khép kín.
"Tôi không thể hiểu nổi tại sao chúng ta có thể phóng tên lửa lên mặt trăng và sao Hỏa. Nhưng việc đơn giản như xây nhà vệ sinh khép kín để bảo vệ những người phụ nữ quanh mình khỏi nạn hiếp dâm cũng không làm được!", ngôi sao chính của bộ phim - anh Akshay Kumar, chia sẻ với tờ Thời báo Ấn Độ số ra tháng này.
Trở lại với Mali, sau khi ly hôn thành công với người chồng thiếu hiểu biết. Chị quay về sống cùng người mẹ góa, cùng làm công việc bán rau để trang trải cuộc sống. Tuy không có tivi để được xem cái kết của người phụ nữ cùng cảnh trong bộ phim của ngôi sao Kumar.
Nhưng chị Mali vẫn giữ niềm tin rằng, chính phủ sẽ đòi lại công bằng cho những người phụ nữ chung cảnh như chị.
"Tôi thật sự vui vì mình đã làm được. Vấn nạn này cần phải được đề cập đến trong mọi cuộc họp, mọi quyết định của chính phủ, cho đến khi tất cả người dân Ấn Độ được thoải mái tự do đi vệ sinh trong căn phòng khép kín, thay vì lộ thiên trong nỗi sợ hãi. Chính phủ xin hãy nhanh lên, trước khi phụ nữ chúng tôi mất hết niềm tin…"