Ấn Độ - Mục tiêu lớn của các công ty quốc phòng Nga và Mỹ

Tuấn Sơn |

Theo các nguồn tin công khai, trong tháng 6-2017, Nga và Mỹ đã gửi nhiều đề xuất cung cấp vũ khí, trang bị hiện đại, mới cho Ấn Độ.

Thực tế, cả Moscow và Washington đều coi Ấn Độ là "khách hàng vàng" với tiềm năng chi ra hàng tỷ USD cho mua sắm vũ khí, trang bị mới trong vài năm tới và cả hai đều không muốn hụt hơi trong cuộc đua tại quốc gia Nam Á này.

Căn cứ vào các số liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) của Thụy Điển công bố, trong giai đoạn 2012-2016, Ấn Độ đứng đầu danh sách các quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới với 13% tổng giá trị toàn cầu.

Trong cơ cấu vũ khí, trang bị, New Delhi nhập khẩu có 68% nguồn gốc từ Nga và 14% từ Mỹ. Trong vài năm trở lại đây, các nhà thầu Mỹ đang nỗ lực tăng thị phần của mình tại Ấn Độ.

Trong khi đó, New Delhi cũng đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, trang bị mới từ nhiều quốc gia khác nhau như Israel, Pháp, Tây Ban Nha và Hàn Quốc để tránh bị phụ thuộc về quốc phòng.

Tới năm 2025, Ấn Độ đang có kế hoạch chi tới 250 tỷ USD cho việc mua sắm quốc phòng. Đó thực sự là "miếng bánh béo bở" đối với các nhà thầu quân sự quốc tế, trong đó có Nga và Mỹ.

Nga: Duy trì thị phần truyền thống

Mới đây, giới truyền thông Ấn Độ đã đăng tải các thông tin về kết quả chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về việc Moscow sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại Mig-35 và chuyển giao công nghệ sâu cho phía Ấn Độ.

Lời đề nghị của phía Nga với Ấn Độ còn liên quan tới hợp đồng cung cấp dòng máy bay hiện đại trên cho Bangladesh. Nguồn tài chính thực hiện hợp đồng với phía Bangladesh sẽ do phía Ấn Độ cho vay.

Với giá thành mỗi máy bay Mig-35 khoảng 45 triệu USD, đây là sản phẩm cực kỳ cạnh tranh dành cho cả Ấn Độ và Bangladesh.

Ấn Độ - Mục tiêu lớn của các công ty quốc phòng Nga và Mỹ - Ảnh 1.

Chương trình hợp tác phát triển tên lửa hành trình BrahMos - Một trong biểu tượng hợp tác thành công giữa Nga và Ấn Độ.

"Máy bay Mig-35 là sự lựa chọn rất hợp lý cho bất kỳ quốc gia nào muốn sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ 4+. Cùng với việc chuyển giao máy bay, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ khác hàng về cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu mãi và chuyển giao công nghệ", giám đốc Tập đoàn MiG, Ilya Tarasenko cho biết.

Cũng trong tháng 6-2017, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và người đồng cấp Ấn Độ Arun Dzheytli đã ký kết lộ trình hợp tác quốc phòng giữa hai bên trong thời gian tới. Thông tin cụ thể về lộ trình hợp tác trên không được tiết lộ.

Tuy nhiên, theo nguồn tin từ công ty quốc doanh Nga Rosoboronexport, Nga và Ấn Độ đã đạt được các thỏa thuận mua sắm vũ khí, trang bị mới trị giá tới hơn 4 tỷ USD.

Ngoài máy bay chiến đấu Mig-35, Nga sẽ cung cấp cho phía Ấn Độ tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph, 200 máy bay trực thăng Ka-226T, 40 máy bay trực thăng Mi-17V-5, 2 máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50UI, 8 máy bay chiến đấu đa năng Su-35, 4 khinh hạm thuộc Đồ án 11356; cũng như gói nâng cấp dành cho máy bay chiến đấu Su-30MKI và Mig-29K/KUB Quân đội Ấn Độ đang sở hữu.

Tiềm năng của các hợp đồng vũ khí trên ước đạt tới hơn 10,5 tỷ USD. Cùng với đó, Moscow và New Delhi còn đang đàm phán về khả năng hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 FGFA trên cơ sở dự án PAK FA và khả năng Ấn Độ thuê thêm tàu ngầm hạt nhân lớp Nerpa thứ 2.

Ấn Độ - Mục tiêu lớn của các công ty quốc phòng Nga và Mỹ - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu Mig-35 đang được phía Nga giới thiệu cho Ấn Độ với tiềm năng chuyển giao công nghệ sâu.

Lợi thế của Nga tại Ấn Độ chính là truyền thống hợp tác lâu dài giữa hai bên, cơ sở hạ tầng tương thích, cũng như sự thuận tiện khi sử dụng của binh sĩ Ấn Độ đối với các trang bị, vũ khí có nguồn gốc Nga.

Tuy nhiên, lợi thế trên không phải là tất cả, Nga gần đây từng thất bại trong nhiều gói thầu lớn tại Ấn Độ.

Cụ thể là gói thầu cung cấp 126 máy bay chiến đấu hạng trung đa nhiệm mới (MMRCA) trị giá 8,8 tỷ USD; gói thầu cung cấp tàu ngầm lớp Scorpene; hợp đồng cung cấp máy bay trực thăng tấn công với máy bay trực thăng AH-64D Longbow; hợp đồng cung cấp trực thăng vận tải hạng nặng với sản phẩm CH-47F Chinook…

Mỹ: Nỗ lực vì những hợp đồng quốc phòng "béo bở"

Trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây, Washington ngỏ ý cám ơn phía Ấn Độ đã lựa chọn các sản phẩm quân sự Mỹ.

Ấn Độ và Mỹ đã đạt được các thỏa thuận quan trọng về việc chuyển giao máy bay vận tải quân sự hạng nặng C-17 Globemaster-III, cung cấp tổ hợp máy bay không người lái hải quân MQ-9B Guardian, lập dây chuyền lắp ráp máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon tại Ấn Độ… Tổng giá trị của các gói hợp đồng trên lên tới hàng tỷ USD.

Ấn Độ - Mục tiêu lớn của các công ty quốc phòng Nga và Mỹ - Ảnh 3.

Máy bay vận tải quân sự hạng nặng C-17 Globemaster-III một trong các chương trình hợp tác quân sự đáng chú ý giữa Mỹ và Ấn Độ.

Mỹ bắt đầu để ý tới thị trường Ấn Độ từ năm 2013. Trước đó, tổng giá trị các hợp đồng quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ mới chỉ trị giá hơn 2 tỷ USD và con số này đã tăng gấp nhiều lần kể từ năm 2013 .

Với các hợp đồng vũ khí với Mỹ, ngoài việc đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, trang bị, New Delhi cũng muốn duy trì cân bằng chiến lược trong khu vực. Còn với Mỹ, việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ sẽ giúp kiềm chế làn sóng Hồi giáo cực đoan ở khu vực Nam Á.

Trong 5 năm qua, Ấn Độ đã mua trực thăng tấn công Apache, trực thăng vận tải Chinook, máy bay tuần thám hải quân P-8I, máy bay vận tải C-130J và C-17, máy bay trinh sát điện tử Gulfstream-3 từ Mỹ. Tổng giá trị của các hợp đồng trên ước khoảng 15 tỷ USD.

Đầu tháng 6-2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mettis tuyên bố, Ấn Độ là đối tác quan trọng của phía Mỹ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và quan hệ giữa hai bên đang có tiềm năng mở rộng hơn bao giờ hết.

Phát biểu sau sự kiện hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin và đối tác Ấn Độ Tata Advanced Systems ký thỏa thuận thiết lập dây chuyền lắp ráp máy bay F-16 tại Ấn Độ, giám đốc Tập đoàn MiG, Ilya Tarasenko tuyên bố, Nga không lo ngại về sự cạnh tranh của Mỹ tại Ấn Độ và những đối tác mới tới Ấn Độ sẽ tạo điều kiện để phía Nga hiểu rõ hơn nhu cầu về trang bị, vũ khí mới của quốc gia Nam Á này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại