Hệ thống S-400. Ảnh: RT
Ấn Độ ký thỏa thuận 5,43 tỷ USD mua 5 tổ hợp S-400 do Nga sản xuất hồi tháng 10/2018. Ông Dmitry Shugaev, Giám đốc Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga (FSMTC), gần đây nhấn mạnh rằng Nga đã bắt đầu việc bàn giao theo kế hoạch các tổ hợp S-400 cho Ấn Độ. Tổ hợp S-400 đầu tiên sẽ được bàn giao vào cuối năm nay.
Ấn Độ sẽ triển khai S-400 ở đâu?
Cựu phó tư lệnh không quân Ấn Độ Bhushan Gokhale nói với Eurasian rằng, Pakistan không hoàn toàn là trọng tâm. Tùy thuộc vào số lượng tổ hợp S-400 mà Ấn Độ được nhận, New Delhi cũng có thể triển khai dọc khu vực biên giới Đông Bắc.
Khi được hỏi về khả năng triển khai dọc biên giới Pakistan, ông Gokhale giải thích rằng: “Không nhất thiết việc triển khai S-400 chỉ nhắm tới Pakistan.
Đây là các hệ thống lưu động. Hơn nữa, thực tế sẽ phụ thuộc vào số lượng tổ hợp phòng không mà Ấn Độ có thể mua. Chúng sẽ được triển khai theo cách có thể ngăn chặn tất cả các mối đe dọa đối với Ấn Độ”.
Theo ông Gokhale, một lợi thế khi Ấn Độ triển khai S-400 ở phía Pakistan là không có khoảng trống radar nào vì địa hình khá bằng phẳng. Địa hình dọc biên giới phía Trung Quốc lại là đồi núi và đôi khi có thể dẫn đến tình trạng mất liên lạc radar cũng như các vấn đề kỹ thuật khác.
Dù vậy, ngày nay có rất nhiều hệ thống, ví dụ như hệ thống chống nhiễu radar có thể khắc phục những thách thức này. Cũng có nhiều hệ thống radar hoạt động khá tốt ở các khu vực địa hình đồi núi.
Mặt khác, Ấn Độ không nhất thiết chỉ triển khai S-400 ở khu vực phía Tây.
“Ấn Độ sẽ triển khai khí tài dựa trên khái niệm phòng thủ đa tầng. Có nhiều hệ thống được sử dụng, ý tưởng triển khai S-400 là nhằm loại bỏ máy bay của kẻ thù hoặc các mối đe dọa trên không sớm nhất có thể”, ông Gokhale cho biết.
Mối đe dọa từ phía Tây
“Có nhiều lý do để ưu tiên biên giới phía Tây, từ sự gần gũi về địa lý đến sự cần thiết chiến lược, mức độ dễ dàng triển khai, cũng như việc Pakistan là một đối thủ dễ thay đổi”, nhà phân tích quân sự Ấn Độ Rajinder Kushwaha đánh giá.
Việc triển khai S-400 ở phía Tây có thể tạo sự linh động cho Ấn Độ tấn công vào các mục tiêu [khủng bố] trong Pakistan trong khi ngăn cản Pakistan có các hành động trả đũa.
Đặc điểm địa lý ở biên giới Trung Quốc không cho phép bắc Kinh liều lĩnh tấn công vào Ấn Độ. Trung Quốc sẽ phải sử dụng tên lửa tầm xa.
Nếu làm như vậy, Trung Quốc cũng sẽ đoán trước được về đòn trả đũa tương xứng từ Ấn Độ. Mặc dù biên giới Trung Quốc cũng đáng để Ấn Độ triển khai một hệ thống phòng không hiệu quả, nhưng sự gần gũi về địa lý của Pakistan lại khiến Ấn Độ cần phải ưu tiên.
“Khu vực biên giới Pakistan được ưu tiên vì Islamabad có thái độ thù địch nghiêm trọng với Ấn Độ. Tình hình bất ổn chính trị ở Pakistan cho thấy các nhóm tôn giáo có thể bao vây quyền lực và khi đó họ chắc chắn sẽ tham gia vào một vòng xoáy xung đột quân sự khác với Ấn Độ.
Điều kiện cần thiết là phải sẵn sàng hoạt động cho bất kỳ hành động sai lầm nào từ ban lãnh đạo thất thường của Pakistan thất thường. S-400 có thể đảm bảo mục tiêu nay”, ông Kushwaha cho biết.
Theo ông Kushwaha, triển khai hệ thống phòng không S-400 cũng là một động thái cần thiết chiến lược trong cuộc chiến 2 mặt trận với Trung Quốc và Pakistan. Mục tiêu quân sự của Trung Quốc dường như là phía đông Ladakh hoặc Arunachal Pradesh.
Nhưng địa hình đồi núi và độ cao lớn ở đây hạn chế khả năng cơ động trên không của Trung Quốc. Trong trường hợp của Pakistan thì không phải như vậy, và Kashmir là mục tiêu hàng đầu. Khu vực này phải được an toàn bằng mọi giá.
“Mặc dù Ấn Độ có thể muốn triển khai một hệ thống phòng không hiệu quả dọc theo cả biên giới phía Tây và phía Bắc/Đông, nhưng New Delhi phải vạch ra các ưu tiên dựa trên khả năng dễ dàng triển khai cũng như sự cần thiết.
Trong khi Trung Quốc là đối thủ số một, Pakistan “nguy hiểm” hơn. Do đó, ưu tiên của Ấn Độ nên là khu vực phía Tây”, ông Kushwaha nhận định.
Trong khi đó, nhà phân tích quân sự Joseph P Chacko cho rằng: “Nếu việc triển khai S-400 là nhằm để mắt đến cả Pakistan và Trung Quốc, thì nó sẽ được triển khai ở Kashmir.
Một kịch bản khác là các tên lửa của S-400 sẽ được triển khai chống lại Pakistan và hệ thống radar của tổ hợp này – có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 1.000 km - có thể được sử dụng để phát hiện các mối đe dọa đến từ cả Pakistan và Trung Quốc”.
Nói về lý do tại sao S-400 có thể được triển khai dọc theo ranh giới của Ấn Độ với Pakistan chứ không phải Trung Quốc, nhà phân tích Chacko nói rằng: “Không quân Pakistan là một mối đe dọa đáng tin cậy hơn so với Trung Quốc. Ấn Độ có ưu thế trên không ở LAC với Trung Quốc do lợi thế về địa hình”.
Miguel Miranda, nhà phân tích quân sự Nam Á tại Philippines cũng nhận định, mối đe dọa đối với Ấn Độ dọc theo Ranh giới kiểm soát (LoC) vì kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) của Pakistan không ngừng gia tăng.
Ngoài ra Islamabd còn có những tiến bộ gần đây với tên lửa hành trình tấn công mặt đất Babur, Nasr SRBM và bệ phóng nhiều tên lửa tầm xa Fateh. Mặt khác, lực lượng không quân của Pakistan cũng là một đối thủ đáng gờm.