'Âm thầm giảm việc', ngắt kết nối ngoài giờ để bớt áp lực

VIÊN VY |

Trào lưu 'âm thầm giảm việc' đang lan rộng ra toàn cầu, trong đó có Việt Nam, với các hình thức như từ chối trả lời tin nhắn công việc ngoài giờ, không tham gia hoạt động sau giờ hành chính, không tìm thấy nhiều niềm vui trong công việc.

Âm thầm giảm việc, ngắt kết nối ngoài giờ để bớt áp lực - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Getty Images

Với họ, âm thầm giảm việc là cách để cân bằng cuộc sống, và không có gì sai khi họ đã hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ ở chỗ làm.

Người trẻ Việt không đứng ngoài xu hướng

Tuyết Nhi (22 tuổi, sống tại TP.HCM) hiện đang làm trợ lý kiểm toán. Từ khi thực tập đến nay, bạn đã đặt ra quy tắc không trả lời tin nhắn, không nhận công việc ngoài giờ.

“Lúc đầu khi mới đi làm, mình không trả lời bất kỳ điều gì về công việc sau 23h, rồi nâng lên sau 21h, và hiện tại là sau giờ hành chính”, Nhi cho biết.

Tuyết Nhi chia sẻ cô vẫn mang việc về nhà, nhưng chỉ làm những việc còn đang làm dở trên văn phòng, chứ không nhận thêm việc khác được nhờ.

“Xu hướng này phụ thuộc vào tính chất công việc, cá tính riêng. Với mình, mình vẫn giữ liên lạc nếu được báo trước và có thông báo rõ ràng”, Nhi nói.

T.S. (làm công việc tự do trong ngành quảng cáo, 23 tuổi, TP.HCM) cũng “rút kinh nghiệm” không giải quyết công việc sau giờ hành chính, vì từng phải làm thêm ngoài giờ nhiều lần khi đi làm ở công ty sự kiện. S. cho rằng tối đến là thời gian để nghỉ ngơi và học hỏi điều mới.

“Những bạn trẻ như mình hưởng ứng trào lưu này, vì trong quá trình thử việc hay tìm việc bị "bóc lột", hoặc hưởng công không xứng đáng”, T.S. bày tỏ. Bạn cho rằng chính khối lượng công việc không rõ ràng và cách vận hành công ty khiến người lao động lựa chọn hưởng ứng xu hướng “âm thầm giảm việc”.

Không có gì sai

Tờ The Guardian (Anh) đưa tin, cuộc khảo sát nhân viên Dịch vụ Y tế quốc gia Anh vào năm 2021 cho thấy chỉ số tinh thần của nhân viên đã giảm 6,1/10 xuống 5,8/10, mức độ gắn bó giảm từ 7 xuống 6,8.

Mức độ tương tác thấp của nhân viên đối với công việc đã gián tiếp gây thiệt hại 7,8 nghìn tỉ USD cho các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Tuy nhiên, người trẻ quan niệm rằng công ty có luật đảm bảo công việc hoàn thành mới được bàn giao nên “im lặng giảm việc” không gây ra hậu quả xấu, ngược lại còn đem lại nhiều lợi ích cho nhân viên.

Minh Phượng (22 tuổi, nhân viên sáng tạo nội dung) chấp nhận ngồi lại trễ ở công ty đến khi hoàn thành đủ việc rồi mới đứng lên đi về, và không nhận thêm việc, cho dù âm thầm giảm việc khiến bạn cũng áp lực vì chỉ mới đi làm, và có sự cả nể trong các mối quan hệ.

"Khái niệm "im lặng giảm việc" mình hiểu là cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Mình không nhất thiết phải làm điều mình không thoải mái, vì ai cũng có cách sống riêng", Phượng cho hay.

Lan rộng hơn nhờ TikTok, nhiều ý kiến cho rằng "lặng lẽ giảm việc" thể hiện sự thiếu trách nhiệm với việc mình làm, nhưng T.S. phản đối: “Các bạn đừng cảm thấy mình làm vậy là sai, vì chúng ta đều ý thức do áp lực nên mới lựa chọn xu hướng này, chứ nếu vui vẻ thì không ai muốn ngắt liên lạc hoàn toàn”.

Doanh nghiệp cần tạo ra sự hài lòng cho nhân viên

Theo Maria Kordowicz - phó giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Nottingham (Anh), sự gia tăng số lượng nhân viên lặng lẽ giảm việc liên quan đến sự sụt giảm mức độ hài lòng công việc.

“Tương xứng với công việc ngoài giờ của nhân viên có thể kể đến là phúc lợi và tiền bạc. Doanh nghiệp nên rõ ràng khối lượng công việc cho từng vị trí, và có chế độ phụ cấp rõ ràng nếu cần nhân viên làm thêm giờ”, Tuyết Nhi nhận định.

T.S. cho rằng, phòng nhân sự nên cân nhắc các hoạt động gắn kết như họp hay ăn uống chung cuối tuần, nhưng đừng cứng nhắc, mà phải tạo được sự tình nguyện tham gia để nhân viên cảm thấy thoải mái, từ đó tăng năng suất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại