Nằm sâu trong thung lũng sông Aragon sát vùng biên giới Tây Ban Nha - Pháp, trong một ngôi làng với dân số vỏn vẹn 500 người, nhà ga Canfranc sau khi mở cửa vào năm 1928 đã trở thành một trong những ga xe lửa lớn và sang trọng nhất châu Âu với biệt danh "Tàu Titanic ở vùng núi".
Lễ khánh thành nhà ga có sự tham dự của cả Nhà vua Tây Ban Nha và Tổng thống Cộng hòa Pháp thời bấy giờ. Do vị trí nằm ngay biên giới Pháp và Tây Ban Nha nên trong buổi đầu, 2 quốc gia cũng chia nhau quyền sở hữu nhà ga.
Nét sang trọng cổ kính của phần ngoại thất nhà ga Canfranc. Ảnh: CNN
Chứng nhân lịch sử
Nhà ga Canfranc thể hiện mơ ước của các kiến trúc sư với kết cấu từ dầm sắt và kính, nằm trong một khu liên hợp có cả bệnh viện, nhà hàng và nhà nghỉ cho nhân viên hải quan của Pháp và Tây Ban Nha.
Tòa nhà chính của nhà ga có 365 cửa sổ tượng trưng cho 365 ngày trong năm, hàng trăm cánh cửa và khu sân ga dài hơn 200m.
Đầu thập niên 1930, Canfranc là nhà ga lớn thứ hai châu Âu nhưng mỗi ngày chỉ có tầm 50 khách vào ga. Tình hình càng tệ hơn khi bước vào nội chiến Tây Ban Nha.
Suốt thời nội chiến, nhà độc tài Franco đã ra lệnh đóng các tuyến đường sắt ở đây để ngăn không cho các đối thủ phe Cộng hòa lén vận chuyển vũ khí vào.
Khi được mở cửa trở lại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, tuyến đường sắt Canfranc đã được hàng nghìn người Do Thái và sĩ quan phe Đồng Minh sử dụng để chạy trốn sang Tây Ban Nha.
Trong thời kỳ này, ga Canfranc đã là nơi chứng kiến cả nỗi tuyệt vọng và hi vọng của loài người khi những phi vụ gián điệp, bắt bớ, trốn chạy và buôn vàng đều diễn ra ở đây.
Nhà ga Canfranc từng chứng kiến các phi vụ gián điệp, bắt bớ người Do Thái, các thương vụ mua bán vàng...của phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Ảnh: CNN
Trước khi bị phát xít Đức chiếm đống, nhà ga Canfranc là cửa ngõ đến với tự do đối với những người Do Thái châu Âu dưới sự khủng bố của chế độ phát xít. Các điệp viên cũng đi bằng xe lửa từ Canfranc để đến với lực lượng chống phát xít của Pháp và để truyền tin cho các nước Đồng Minh.
Tuy nhiên sau đó phát xít đã chiếm và quản lý Canfranc từ cuối năm 1942 đến giữa năm 1944 khiến cho việc di chuyển qua Canfranc vô cùng khó khăn và nơi đây đã chứng kiến vô số vụ bắt bớ.
Ngoài ra cũng có nhiều lời đồn về việc phát xít Đức đã mua bán vàng qua ga Canfranc trong thời kỳ này nhưng mãi đến năm 2000 người ta mới tìm thấy những bằng chứng xác thực cho lời đồn.
Sau chiến tranh, người Pháp không còn hứng thú với nhà ga này nên đã để mặc cho nó xuống cấp.
Vụ xe lửa trật đường ray xảy ra ở phần đường sắt bên lãnh thổ Pháp vào năm 1970 báo hiệu dấu chấm hết và chính phủ Pháp chính thức bỏ phế công trình này từ đây. Điều này khiến phía Tây Ban Nha phật ý vì giữa 2 nước vốn đã có thỏa thuận cùng duy trì bảo tồn tuyến đường sắt.
Tây Ban Nha cáo buộc Pháp phá hỏng công trình. Dân số trong vùng quanh nhà ga từ 2.000 người giảm chỉ còn 500 người. Phần kết cấu bằng sắt trong tòa nhà chính dần rỉ sét, trần nhà hư hỏng sập nhiều chỗ qua những mùa đông khắc nghiệt, chưa kể tác động từ những kẻ phá hoại của công.
Phần nội thất xuống cấp...
...và những tuyến đường sắt bị bỏ hoang suốt từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai cho đến gần đây. Ảnh: CNN
Sức sống mới
Hiện nay, nhà ga Canfranc đang thuộc quyền sở hữu của cộng đồng tự trị Aragon ở Tây Ban Nha sau khi chính quyền Aragon đã quyết định mua lại nơi này vài năm trước đây vì cho rằng nơi đây là một phần lịch sử quan trọng của Tây Ban Nha.
Dù chỉ còn là khu phế tích nhưng nơi đây lại trở thành điểm chụp ảnh nổi tiếng nhờ phong cảnh xung quanh tuyệt đẹp của vùng núi Pyrenees và vẻ cổ kính của phần ngoại thất nhà ga.
Thị trưởng Fernando Sánchez Morales của Canfranc chia sẻ trên đài CNN: "Dù hầu như chỉ còn là di tích nhưng nơi đây mang đến cho chúng tôi rất nhiều du khách".
Trong 4 năm qua đã có hơn 120.000 khách tham quan đến thăm Canfranc, nhiều hơn cả số khách đi xe lửa mà nhà ga từng đón trong thời gian nó còn hoạt động.
Hầu hết tất cả du khách đều là người Tây Ban Nha. Họ bị thu hút bởi quy mô của nhà ga và có lẽ bởi cả hình ảnh mang tính biểu tượng của nó. Thậm chí hiện nay còn có 2 chuyến tàu mỗi ngày di chuyển giữ Saragossa và Canfranc.
Nét cổ kính của Canfranc....
....và phong cảnh núi non tuyệt đẹp xung quanh...
...kết hợp với kiến trúc 365 cửa sổ của tòa nhà chính là điểm thu hút du khách đến với nơi đây. Ảnh: CNN
Hiện nay, Thị trưởng Sánchez Morales đã xác nhận rằng chính quyền Aragon đang lên kế hoạch để tái thiết lại công trình này.
Ông chia sẻ: "Chúng tôi đang tiến hành một dự án để thay đổi Canfranc. Càng ngày chúng tôi càng nhận được nhiều lời đề nghị mở cửa lại những tuyến đường sắt ở đây vì chúng thật sự cần thiết".
Theo BBC, chính quyền Aragon không chỉ muốn trùng tu và biến tòa nhà chính của nhà ga thành khách sạn mà còn muốn xây thêm một khu nhà ga kế bên và mở cửa lại tuyến đường sắt đi qua dãy núi Pyrenees.
Chính quyền địa phương vùng Nouvelle-Aquitaine của Pháp cũng đã đồng ý mở cửa lại phần đường sắt nằm bên phía lãnh thổ của họ.
Chủ tịch vùng Nouvelle-Aquitaine - ông Alain Rousset đã hứa sẽ tìm được nguồn kinh phí 200 triệu euro để chi trả cho dự án lớn này và phía thành phố Brussels của Bỉ cũng sẽ tài trợ cho dự án.
Nhà ga quốc tế Canfranc sẽ sớm hồi sinh với sự chung tay của 2 nước Pháp - Tây Ban Nha. Ảnh: CNN
Hiện các quầy vé bằng gỗ của nhà ga đã bắt đầu được duy tu. Nếu tất cả đều diễn tiến đúng kế hoạch, khu nhà ga mệnh danh "Titanic vùng núi Pyrenees" này sẽ chính thức trở lại hoạt động trong vòng 5 năm tới.