Ám ảnh những tuyến đường ùn tắc bởi “lô cốt” bủa vây

Phan Tư - Lê Tươi |

Hàng loạt tuyến đường bị đào xới vào dịp cuối năm để thi công công trình, gây ùn tắc, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Nhan nhản “lô cốt” gây ùn tắc

Đường Võ Văn Kiệt là một trong những tuyến đường đẹp của TP HCM. Nhưng kể từ khi dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé giai đoạn 2 triển khai, tuyến đường này liên tục bị băm nát từng đoạn.

Nhiều đoạn bị rào chắn liền mấy tháng để đơn vị thi công đào đường lắp hệ thống cống. Nhiều đoạn sau khi thi công nhưng tái lập mặt đường nham nhở khiến việc lưu thông rất khó khăn.

Hiện tuyến đường Võ Văn Kiệt có 5 vị trí rào chắn. Tất cả các “lô cốt” này thuộc gói thầu G (Xây dựng hệ thống cống bao) do Ban Quản lý các công trình giao thông thực hiện.

Tại điểm đối diện với đường Phạm Phú Thứ hướng từ quận 6 về quận 1, “lô cốt” ngang 5m, dài 45m chiếm hết cả phần đường xe gắn máy. Người đi xe máy phải chạy lấn sang làn đường ô tô rất nguy hiểm.

“Lý giải vì sao vào giai đoạn cuối năm, các “lô cốt” mọc lên càng nhiều, một lãnh đạo Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông (Sở GTVT TP HCM) cho biết, do cuối năm các dự án mới được cấp vốn, chủ đầu tư mới thực hiện xong các thủ tục để xin thi công công trình.”

Tương tự đoạn đối diện với đường Cao Văn Lầu, một “lô cốt” khác ngang 5m, dài 20m chiếm hết làn xe gắn máy biến nơi đây trở thành điểm “thắt cổ chai”, thường xuyên ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

“Sáng nào đi làm cũng bị tắc ở điểm này, có hôm trễ cả giờ làm. Đã vào đây rồi thì không đi lối nào khác được vì đường một chiều. Không biết “lô cốt” chắn thế này đến bao giờ”, chị Hồng Hạnh (Q.6) bức xúc.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, đường Minh Phụng (Q.6) dài 4km, nhưng có thời điểm 6 điểm “lô cốt” tiếp nối nhau từ cầu vượt Cây Gõ đến Lê Quang Sung. Đoạn gần cầu vượt Cây Gõ trong năm 2019 đơn vị thi công đào lên lấp xuống 3 lần với chiều dài 50m.

Đây là những rào chắn của công trình cải tạo hệ thống thoát nước Hàng Bàng thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP HCM, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ giai đoạn 2.

Ông Bùi Văn Chiến, một hộ dân ở đây cho biết, mấy năm gần đây, đoạn đường này liên tục bị đào bới.

“Năm nay bị đào 3 lần rồi. Đầu năm thấy họ dựng “lô cốt”, mấy tháng đào lên để lắp cống rồi lấp lại tui thấy mừng, ai dè vài tháng sau lại vây “lô cốt” đào tiếp, rồi lấp lại. Gần cuối năm rồi thấy họ tiếp tục dựng “lô cốt” rồi đào lắp cống”, ông Chiến bức xúc.

Tuyến đường Bến Vân Đồn chạy dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (Q.4) cũng chịu cảnh đào bới với 7 vị trí khác nhau. Đây là các công trình xây dựng hệ thống cống bao của “Dự án cải thiện môi trường nước TP HCM”.

Có những “lô cốt” to rộng, chiếm gần hết cả phần đường, bên trong chứa những container làm nơi ở cho công nhân.

Tương tự, tuyến đường Tôn Thất Thuyết trở thành nỗi ám ảnh của người dân quận 4 bởi “lô cốt” án ngự cả năm trời. Cuối năm một số đoạn đã xong, nhà thầu dời “lô cốt” đi nhưng để lại mặt đường nham nhở.

Theo thống kê của Sở GTVT TP HCM, hiện trên địa bàn có 123 vị trí rào chắn trên 54 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình, dự án. Trong đó, địa bàn quận 8 nhiều nhất với số lượng 40 vị trí, quận 2 có 14 vị trí.

Tại Hà Nội, ghi nhận của PV Báo Giao thông, dù đang là thời điểm cuối năm nhưng hàng loạt lô cốt rào chắn công trình vẫn án ngữ, thu hẹp lòng đường khiến các phương tiện đi lại khó khăn.

Đơn cử, tuyến đường chính Kim Mã (Ba Đình) dẫn từ quận Cầu Giấy sang các quận Ba Đình, Đống Đa bị thu hẹp tới 2/3 để thi công dự án đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Các phương tiện chỉ còn 3m đường lưu thông một chiều khiến tuyến đường này thường xuyên ùn tắc.

Tương tự, đường Trường Chinh (Đống Đa) đang thi công tuyến Vành đai 2, phải rào chắn đoạn từ Tôn Thất Tùng đến Ngã tư Vọng, khiến lòng đường bị thu hẹp khá nhiều. Bình thường nút giao thông này thường xuyên ùn tắc, nay lại càng trầm trọng hơn do đây là tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố.

Nghiêm trọng hơn, từ tháng 4/2019, Sở GTVT Hà Nội tiến hành rào chắn một phần phố Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội), một đoạn phố Cát Linh đoạn từ ngã năm Giảng Võ - Hào Nam - Cát Linh đến đầu ngõ 27 phố Cát Linh chiều dài khoảng 260m bị cấm lưu thông một chiều, khiến giao thông ở đây thường xuyên hỗn loạn.

Anh Hoàng Văn Hiệp (Hoàn Kiếm) cho biết, thường xuyên phải lưu thông qua đường Cát Linh đến Cầu Giấy làm việc. Trên một tuyến đường chưa đầy 10km nhưng liên tục đi qua nhiều tuyến đường rào chắn khiến công việc của anh bị ảnh hưởng.

Yêu cầu tháo dỡ, xử lý nghiêm công trình vi phạm

Ám ảnh những tuyến đường ùn tắc bởi “lô cốt” bủa vây - Ảnh 2.

“Lô cốt” chiếm hết một nửa đường Minh Phụng (TP HCM), đoạn gần cầu vượt Cây Gõ khiến giao thông bị ùn tắc. Trong năm 2019, điểm này bị đào bới ít nhất 3 lần để lắp cống. Ảnh: Phan Tư

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Mạnh Hùng, Phó chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện trên thành phố có nhiều công trình trọng điểm đang thi công. Để đảm bảo giao thông khi thi công công trình, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với CSGT điều tiết, phân luồng giao thông từ xa.

“Các tuyến đường rào chắn như đường Trường Chinh, lực lượng Thanh tra GTVT đã bố trí 3-5 chốt để đảm bảo giao thông. Các phương tiện cấm lưu thông khi đi vào sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Hùng khẳng định.

Ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, hiện đang là dịp cao điểm cuối năm nên nhiều đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án để kịp hoàn thành trước 31/12 nên nhiều tuyến đường bị quây tôn, rào chắn.

Tới đây, Sở GTVT Hà Nội sẽ rà soát lại các điểm rào chắn, yêu cầu tháo dỡ “lô cốt” đối với những đoạn đường nhà thầu rào nhưng chưa thi công.

“Một số tuyến đường đang rào chắn nhưng diện tích còn lại quá nhỏ, chúng tôi cũng rà soát để thu hẹp hàng rào lại để phương tiện lưu thông thuận lợi hơn dịp cuối năm”, ông Hải cho hay.

Ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở GTVT TP HCM cũng cho biết, trong tháng 11, các tổ thanh tra đã đi kiểm tra và nhắc nhở 102 trường hợp công trình vi phạm, xử lý 82 trường hợp với số tiền 550 triệu đồng.

Trong đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ bị phạt 18 lần. Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố bị phạt 15 lần. Tiếp đó là Ban QLDA Lưới điện phân phối TP HCM, Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực quận 12 lần…

Lỗi vi phạm chính là thi công xong không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng với 19 trường hợp. “Thậm chí, có trường hợp nhà thầu thi công, dựng “lô cốt” nhưng không có giấy phép thi công hoặc giấy phép đã hết hạn”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cũng cho biết, hiện các tổ thanh tra vẫn đang tiếp tục đi kiểm tra các công trình, dự án có rào chắn trên đường. “Tổ công tác sẽ nhắc nhở chủ đầu tư, nhà thầu thu gọn rào chắn ở những vị trí đã thi công xong để phục vụ người dân đón Tết”, ông Khánh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại