Đại diện Taliban tới thăm Nga (Ảnh: KP)
Trung Á đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Lực lượng Taliban đang giành lại được nhiều tỉnh thành ở Afghanistan, hàng nghìn quan chức cấp cao và cả quân đội làm việc cho chế độ thân Mỹ đang tháo chạy sang các nước láng giềng như Tajikistan và Uzbekistan. Các nước lớn đang ráo riết cuộc đua để tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.
Ankara cũng đang khẩn trương củng cố sự ảnh hưởng của mình ở Trung Á. Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các dự án kinh tế, các dự án của hệ tư tưởng, thiết lập "chủ nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ", "thị trường Thổ Nhĩ Kỳ", tiến hành hợp tác quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã giúp đỡ Azerbaijan giành được thắng lợi trong cuộc chiến ở Karabakh, và đây là cơ hội để Tổng thống Erdogan phát huy thành tích trong khu vực.
Trung Quốc là đối thủ đáng gờm đối với Thổ Nhĩ Kỳ
Đối với các nước Trung Á, Trung Quốc có lợi thế hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ về địa lý, về tiềm lực kinh tế. Bắc Kinh chủ yếu quan tâm đến thương mại, năng lượng và giao thông của khu vực Trung Á – Kaspian. Để đạt được những tham vọng trên, Bắc Kinh đã đưa ra dự án "Một vành đai – một con đường". Điều này khiến Washington rất không hài lòng.
Vì vậy mà, tuy rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ vẫn muốn tham gia cuộc chơi. Chính quyền Mỹ đã nhiều lần đề xuất với các nước trong khu vực về vấn đề thiết lập căn cứ quân sự. Thế nhưng, cả Tajikistan và Uzbekistan đều chưa có bất kỳ một tín hiệu tích cực nào.
Cả hai nước trên đều không muốn bị lôi kéo vào cuộc đối đầu Trung – Mỹ. Hơn nữa các nước này đang phải đối mặt với một nguy cơ hiện hữu, đó là: liệu lực lượng Taliban (tổ chức bị cấm hoạt động ở Nga) có thể từ Afghanistan tràn vào nước họ hay không?
Những lo ngại rất có thể trở thành hiện thực
Mới đây, đoàn đại biểu của Taliban đã tới thăm Nga. Tại Moscow, Taliban có đưa ra cam kết rằng họ chỉ hoạt động trong phạm vi lãnh thổ Afghamistan mà không tràn sang các nước Trung Á.
Thế nhưng, thực tế cho thấy những tuyên bố này rất có thể chỉ là lời nói suông. Bởi 3 nguyên nhân sau: Thứ nhất, các chiến binh Taliban có thể bất tuân lệnh chỉ huy của mình. Thứ hai, những người tị nạn từ Afghanistan rất muốn gây bất ổn ở các nước láng giềng.
Thứ ba, thế hệ trẻ của Tajikistan và Uzbekistan đa phần là thất nghiệp và rơi vào hoàn cảnh tương lai vô vọng, đối với họ Taliban có thể sẽ là thứ giúp đỡ họ hiện thực hóa sự công bằng, hơn nữa Tajikistan và Uzbekistan dẫu sao vẫn là những nơi hấp dẫn hơn Afghanistan nhiều – một mảnh đất màu mỡ để khai thác.
Đặc biệt là Taliban đã thể hiện được sức mạnh của mình trong quan hệ với Mỹ, bằng việc ra tối hậu thư yêu cầu Mỹ phải rút hết quân về nước trước ngày 11/9 – một cái mốc thời gian rất có ý nghĩa – ngày nước Mỹ hứng chịu cuộc tấn công khủng bố lớn nhất trong lịch sử. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã cam kết rút hết quân khỏi Afghanistan trước ngày 31/8/2021.
Vậy Trung Á có thể trông cậy vào ai?
Lực lượng duy nhất có thể bảo vệ được khu vực Trung Á là Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (ODKB), mà Nga là nước đi đầu trong việc bảo vệ cho các nước còn lại.
Không phải vô cớ mà Taliban lại đến Moscow để cam kết sẽ không có bất kỳ kế hoạch mờ ám nào trong khu vực, có lẽ chính là vì Tajikistan là một thành viên của ODKB. Duy chỉ có một quốc gia có thể bảo vệ biên giới của Tajikistan bất khả xâm phạm đó là Liên bang Nga, chứ không phải là Thổ Nhĩ Kỳ, không phải là Trung Quốc, và càng không phải là Mỹ.