Những ngày vừa qua, tin tức về các đợt sa thải của các “ông lớn” công nghệ khiến thị trường nhân sự chao đảo. Sáng 20/1, công ty mẹ của Google - Alphabet, phát đi thông báo rằng họ đã cắt giảm 12.000 nhân viên, tương đương khoảng 6% lực lượng lao động của toàn công ty. Trước đó, từ công ty khởi nghiệp đến những tập đoàn lớn như Microsoft, Meta, Amazon… đều thông báo cắt giảm nhân sự hàng loạt. Tại Mỹ, chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2023 đã có hơn 150.000 nhân sự công nghệ mất việc.
Trong khi đó lạm phát, nền kinh tế chưa phục hồi sau thời gian dài dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải thắt lưng buộc bụng. Tất cả những thông này khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Đứng trước biến động lớn như vậy trên thị trường nhân sự, dân công sở phải làm sao để không sợ bị sa thải đây?
Ai sẽ là người bị sa thải?
Dù khắc nghiệt nhưng ở thời điểm hiện tại, bất kì ai cũng có thể bị sa thải.
Nhiều người nghĩ rằng nếu mình có năng lực, nghiêm túc, có trách nhiệm trong công việc thì sẽ được sếp đánh giá cao và không lo bị sa thải. Nhưng đây là một suy nghĩ quá non nớt, quá đơn giản.
Về bản chất, công ty là một tổ chức vì lợi nhuận. Nếu ở trong công ty, bạn sẽ phải đảm nhận một vai trò nhất định, thúc đẩy sự phát triển và tạo ra giá trị cho công ty. Khi không tạo ra giá trị, bạn là chi phí và gánh nặng của công ty.
Một đồng nghiệp cũ của tôi được công ty giao cho vị trí giám đốc dự án cách đây 2 năm nhờ khả năng vượt trội của anh ấy. Tôi từng nghĩ rằng không ai lại sa thải một giám đốc cả. Tuy nhiên tôi đã sai, anh ấy vẫn bị sa thải. Lý do là bởi sau 2 năm thực hiện, dự án vẫn chưa mang lại lợi nhuận mà công ty không thể chờ đợi thêm nên buộc phải dừng hoạt động. Tất cả thành viên trong dự án phải nói lời tạm biệt.
Tất nhiên có người sẽ nói rằng nếu dự án không còn thì có thể giữ lại giám đốc, để anh ấy trở lại vị trí ban đầu của mình. Đây là điều không thể!
Thứ nhất, vị trí cũ của anh ấy đã có người thay thế và cũng đang làm rất tốt. Thứ 2, hiện tại anh ấy đã lên chức giám đốc, trở lại vị trí ban đầu tức là làm nhân viên bình thường. Bạn có chấp nhận bị xuống chức như vậy không? Thứ 3 là vấn đề tiền lương. Được trả mức lương của giám đốc nhưng lại làm công việc của nhân viên, chẳng có ông chủ nào đồng ý với điều này cả.
Câu chuyện này là ví dụ rõ ràng rằng nếu là người thừa, bất cứ ai cũng có thể bị sa thải. Tuy nhiên trong suy nghĩ của đa số chúng ta, người đầu tiên phải đối mặt với làn sóng sa thải là lớp nhân viên bình thường.
Đừng để bị sa thải!
Bạn có thể làm việc vì đáp ứng một số khía cạnh về nhu cầu tuyển dụng của công ty. Nếu công ty cho rằng bạn không đáp ứng được và trở thành gánh nặng, bạn sẽ rơi vào tình huống nguy hiểm.
Có lẽ nhiều người từng trải qua cảm giác thế này. Trong công ty, mọi người rất bận rộn nhưng bạn thì không có việc gì làm, sếp cũng không giao việc nên bạn thấy hoảng sợ.
Để tránh chuyện này hãy biến mình trở thành “vốn” của công ty chứ không phải “chi phí”, có nghĩa là bạn mang lại giá trị cho công ty và việc sa thải bạn là một tổn thất. Còn những vị trí không cần thiết trong công ty là chi phí và họ sẽ bị sa thải đầu tiên. Vai trò của bạn càng quan trọng và thiết yếu thì càng phải để công ty cảm thấy rằng việc sa thải bạn sẽ ảnh hưởng không tốt thế nào.
Chúng ta lấy ví dụ về những người làm ở bộ phận kinh doanh. Cùng một nhóm, có người nắm trong tay rất nhiều khách hàng, một khi họ bị sa thải thì công ty sẽ mất đi một nguồn thu lớn. Nhưng cũng có người làm ít chơi nhiều, nếu “vắng mợ thì chợ vẫn đông”, không ảnh hưởng nhiều đến doanh số. Ở tình huống này, chắc chắn công ty sẽ cố gắng giữ lại người làm việc tốt hơn, đem về nhiều khách hàng hơn.
Điều này cũng đúng đối với các vị trí phi kinh doanh. Bạn càng chịu trách nhiệm về nhiều công việc quan trọng và then chốt thì khả năng bạn bị sa thải càng ít. Thế nên dù làm việc ở đâu, đừng để mình trở thành một nhân vật có cũng được, không có cũng chẳng sao.
Nhưng không có gì là tuyệt đối. Cắt giảm hay không, suy cho cùng vẫn phụ thuộc vào sự phát triển của công ty. Ngay cả CEO và cổ đông cũng sẽ bị mất chức, mất tiền chứ đừng nói đến các vị trí khác. Vì vậy điều quan trọng hơn là khả năng không sợ bị sa thải.
Nâng cấp bản thân và đáp ứng nhu cầu xã hội
Không có cái gọi là sự ổn định tuyệt đối trong công ty mà chỉ có người cần bạn hay không. Vậy thì hãy nâng cấp bản thân và trở thành một người cần thiết dù ở bất kỳ công ty nào.
Để làm được điều này hãy học thêm các kỹ năng mềm, phát triển bản thân một cách toàn diện. Nhìn bề ngoài, có vẻ như việc này chỉ tốt cho bản thân bạn. Nhưng đừng quên rằng mỗi cá nhân tốt thì mới làm nên một tập thể tốt nên việc bạn làm chính là đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Trong thời đại mà công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện tại, chúng ta có thể thấy rằng có rất nhiều sự thay đổi diễn ra hàng ngày. Ai cập nhật được sự phát triển của xã hội, có khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội thì sẽ trụ vững, ai không theo kịp sẽ bị đào thải.
Những ngày vừa qua, song song với làn sóng sa thải, thông tin về ChatGPT cũng khiến nhiều người chấn động. “Nhiều ngành nghề có thể sẽ biến mất vì ChatGPT và AI” là một trong những nội dung được tìm kiếm nhiều nhất. Điều này cho thấy sự đe dọa của trí tuệ nhân tạo đến các ngành nghề và nỗi lo của mọi người.
Bây giờ giả sử trí tuệ nhân tạo sẽ phổ biến hoàn toàn trong 2 - 3 năm nữa. Khi đó công việc hiện tại của bạn có bị ảnh hưởng không? Bạn có thể làm quen với công nghệ mới này ngay lập tức? Nếu bạn không thể bắt kịp được thì sao? Lúc này bước đánh giá mức độ ảnh hưởng trở nên quan trọng nhất, đặt nền móng cho sự nghiệp của bạn sau này.
Thật ra mọi thay đổi trong các ngành nghề sẽ không diễn ra ngay lập tức mà luôn có giai đoạn chuyển tiếp. Đây cũng là thời kỳ chuyển giao công việc của mỗi người nên thay vì hoang mang và lo lắng, hãy tận dụng thời gian này để cố gắng bắt kịp sự thay đổi chung.
Xã hội đang phát triển nhanh chóng, mọi thay đổi đều tác động đến yêu cầu về khả năng làm việc của nhân viên. Điều chúng ta phải làm là có thể thích nghi để không bị đào thải.
Ngoài việc nắm bắt xu hướng, năng lực của bạn cũng phải vượt trội vì năng lực là nền tảng cơ bản cho bất kỳ sự đánh giá nào. Trong tình huống xấu nhất, bạn hoàn toàn có thể chuyển sang công ty khác.
Những người giỏi giang thường không phải đi tìm việc mà là công việc chủ động tìm đến họ. Bởi lẽ sau vài năm làm việc, nhiều người sẽ được đồng nghiệp, bạn bè hoặc các mối quan hệ khác giới thiệu công việc mới với vị trí tốt hơn, thu nhập tốt hơn. Vì vậy, chúng ta phải chú ý đến khả năng làm việc của chính mình.
Tạm kết
Không có sự ổn định nào là tuyệt đối. Các dự án thất bại, hoạt động kinh doanh bị thu hẹp, công ty đóng cửa, thị trường bị ảnh hưởng, nhân viên bị sa thải đều là những điều bình thường. Chỉ cần chúng ta làm tốt việc học hỏi suốt đời, mở mang tầm mắt, nắm bắt những thay đổi của thị trưởng và tự phát triển bản thân thì không chuyện gì là không thể vượt qua. Hãy là một người không sợ bị sa thải!
Nguồn: QQ