Làm sao để quản lý chi tiêu nếu rơi vào bão sa thải?

TÔ DIỆP |

Bạn cần phải thay đổi chi tiêu để thích nghi với tình trạng cuộc sống mới.

Một số tập đoàn lớn trong ngành công nghệ và truyền thông, chẳng hạn như Twitter, Meta và Microsoft đã tuyên bố sa thải hàng loạt nhân viên. Theo layoffs.fy - trang web theo dõi việc làm công nghệ, đã có hơn 200.000 việc làm công nghệ bị mất kể từ đầu năm ngoái. Đây được cho là động thái để đối phó với tỷ lệ lạm phát cao cũng như biến động doanh thu thời gian vừa qua.

Có thể thấy rằng cho dù là ở trong các công ty lớn, chưa chắc bạn đã giữ vững được công việc của mình và có nguồn thu nhập bền vững. Trong khoảng thời gian nhiều công ty đang giảm số lượng nhân sự để tiết kiệm chi phí như hiện tại, những người trẻ cần có sự chuẩn bị cho trường hợp rủi ro nhất là bản thân bị cuốn vào bão sa thải.

Làm sao để quản lý chi tiêu nếu rơi vào bão sa thải? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Pinterest)

Làm việc với công ty

Thông thường các công ty sẽ báo với nhân viên trước khoảng 14 - 30 ngày để có sự chuẩn bị. Đây là khoảng thời gian để bạn bàn giao lại công việc với công ty, đồng thời chuẩn bị giấy tờ để nghỉ việc. Một số cách tốt nhất để quản lý tiền của bạn sau khi bị sa thải bao gồm liên hệ với bộ phận nhân sự của bạn để biết về trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm đã đóng là bao nhiêu. Những điều này rất quan trọng giúp bạn có sự chuẩn bị trước trong câu chuyện tài chính cũng như quyền lợi của bản thân.

Ở một số công ty nước ngoài, bạn có thể đàm phán về gói hỗ trợ thôi việc. Không phải ai cũng biết đến quyền lợi này cũng như không phải công ty nào cũng có gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, hãy trao đổi thật kỹ với bộ phận quản lý nhân sự cũng như sếp của bạn để chắc chắn rằng bản thân đang không bỏ những quyền lợi quan trọng.

Làm sao để quản lý chi tiêu nếu rơi vào bão sa thải? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ (Pinterest)

Điều chỉnh lại chi tiêu của bản thân

Hãy tạo một ngân sách đơn giản. Nếu bạn đang sống nhờ khoản tiết kiệm khẩn cấp hoặc thu nhập từ công việc bán thời gian, bạn nên xem lại các khoản chi tiêu của mình. Nhiều chuyên gia cho rằng nên chia thu nhập thành 3 loại chính để giúp bạn giảm chi tiêu không cần thiết.

Những khoản chi tiêu phải có: Phần tiền lớn nhất trong khoản chi của bạn nên được phân bổ để thanh toán các hóa đơn, bao gồm các khoản thanh toán thế chấp hoặc tiền thuê nhà, các tiện ích, thực phẩm, khoản thanh toán số tiền vay tối thiểu và bảo hiểm. Nói cách khác, những thứ bạn phải có bao gồm các chi phí cố định mà bạn phải trả hàng tháng. Những chi phí này phải là ưu tiên chính, đặc biệt nếu bạn có quỹ tiền hạn chế.

Mong muốn: Một phần nhỏ hơn trong ngân sách có thể dùng để trả cho những thứ bạn muốn, chẳng hạn như về nhà thăm gia đình trong kỳ nghỉ hoặc mua một bộ quần áo mới để tham dự một cuộc phỏng vấn việc làm. Song, bạn nên để khoản chi tiêu này ở mức tối thiểu.

Khi thất nghiệp, bạn sẽ cần chi tiêu thắt lưng buộc bụng hơn. Điều này có nghĩa là ăn ở những cửa hàng bình dân thay vì đi đến những nhà hàng sang trọng hoặc điều chỉnh lại kế hoạch mua sắm trong kỳ nghỉ.

Làm sao để quản lý chi tiêu nếu rơi vào bão sa thải? - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ (Pinterest)

Tiết kiệm và trả nợ: Nếu bạn không có nguồn thu nhập ổn định, bạn cần sử dụng quỹ tiết kiệm khẩn một cách cẩn thận trong khi bạn tìm kiếm công việc mới. Bởi vì nếu chi sạch số tiền tiết kiệm và không còn khoản nào trong quỹ khẩn cấp, không chỉ rơi vào khủng hoảng tài chính, bạn còn sẽ cảm thấy áp lực mỗi khi nghĩ đến chuyện tiền bạc. Đồng thời, điều này có nghĩa bạn sẽ phải vay nợ để có thể chi trả cho những nhu cầu thiết yếu của bản thân. Ngoài ra, nếu bạn có nợ thẻ tín dụng hoặc khoản vay tiêu dùng, bạn có thể muốn thực hiện các khoản thanh toán bổ sung ngoài khoản thanh toán tối thiểu của mình để giảm lãi suất.

Nếu ngân sách của bạn cho phép, hãy cân nhắc tuân theo quy tắc 50/30/20, trong đó phân bổ 50% thu nhập sau thuế của bạn cho các chi phí phải có, 30% cho nhu cầu và 20% để tiết kiệm hoặc trả nợ. Ví dụ: giả sử bạn có 6 tháng chi phí được tiết kiệm trong khoản tiết kiệm khẩn cấp, tổng cộng là 60 triệu đồng mỗi tháng. Bạn nên chi 30 triệu cho chi phí cố định, 18 triệu cho nhu cầu và 12 triệu để tiết kiệm hoặc trả nợ.

Theo Finance Yahoo, NPR

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại