Những người “tuýt còi” là các đảng viên ANC dám tố cáo nạn tham nhũng trong đảng được lập bởi Nelson Mandela, vị cố lãnh đạo của phong trào đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc apartheid. Và họ đã trở thành những mục tiêu của các tay sát thủ giết mướn.
Theo New York Times, các vụ ám sát chính trị tăng đáng kể ở Nam Phi, đe dọa sự ổn định và phá đi mơ ước của Mandela về một quốc gia dân chủ và thống nhất.
Hạ sát đồng đảng để tranh giành quyền, tiền
Theo các quan chức ANC, những vụ giết người này không là đấu đá khốc liệt giữa các đảng phái chính trị đối địch, mà trong nhiều vụ chính là các quan chức ANC giết nhau, thuê sát thủ chuyên nghiệp loại trừ các chiến hữu trong cuộc chiến giành tiền và quyền.
ANC từng là niềm cảm hứng của người dân Nam Phi và hàng triệu người trên thế giới. Nhưng nạn tham nhũng bùng nổ trong nội bộ ANC trong vài năm qua, và sau gần 25 năm nắm quyền lực, các đảng viên ANC ngày càng đấu đá không chỉ vì bất đồng quan điểm về vận mệnh, tương lai đất nước, thù hận cá nhân, mà còn là tranh ghế ảnh hưởng cùng những ưu đãi dành cho các chiếc ghế đó.
Một số quan chức ANC trở thành mục tiêu ám sát, sau khi họ tố cáo, vạch trần nạn tham nhũng trong đảng. Một số khác chết vì đấu đá giành ghế “thơm”, nhất là ở vùng nông thôn, nơi mà ANC gần như hoàn toàn kiểm soát nền kinh tế, việc làm và hợp đồng cấp chính phủ.
Hồi tháng 9 tại thủ đô Pretoria, một nữ nghị sĩ ANC từng yêu cầu điều tra chính sách nhà chung cư đã bị bắn chết trong lúc bà đang lái xe, có 3 con nhỏ ngồi phía sau. Vài tháng trước đó, một đảng viên ANC ở một phường ngoại ô bị bắn chết gần nhà, do ông vạch trần chất lượng xây dựng nhà chung cư quá kém.
Tại tỉnh Mpumalanga, quê quán của Phó Tổng thống David Mabuza, một nghị sĩ ANC bị bắn chết ngay trước mặt con trai và ở ngoài nhà ông, sau khi ông vạch trần nạn tham nhũng trong công trình xây dựng một sân bóng đá.
Năm 2017 tại tỉnh KwaZulu-Natal, một nghị sĩ ANC chỉ trích tham nhũng bị bắn chết khi đưa bạn gái đến xe của cô ta. Hồi tháng 3, một giám đốc sở thuộc ANC nổi tiếng chống tham nhũng bị hai sát thủ bắn chết ở sân sau một đồn cảnh sát.
Và trong tháng 9, một nghị sĩ ANC và con trai một phó thị trưởng thuộc ANC bị bắt, bị buộc tội giết một đảng viên ANC dẫn đầu một cuộc biểu tình chống tham nhũng.
Nhưng rất ít chính khách bị bắt sau các vụ giết người này, càng tăng thêm tình trạng phi pháp luật”. Bà Mary de Haas, một chuyên gia nghiên cứu mảng ám sát chính trị ở Đại học KwaZulu-Natal, nói: “Các chính khách đã trở nên giống Mafia và người dân không dám lên tiếng”.
Ngôi sao đang lên ANC bị giết vì chống lãng phí công quỹ
Sindiso Magaqa là ngôi sao đang lên của ANC, bị giết hồi năm 2017, sau khi anh cáo buộc các quan chức xã Umzimkhulu - nơi anh làm việc - chiếm đoạt hàng triệu rand (tiền Nam Phi) trong vụ nâng cấp một tòa nhà mang tính lịch sử có tên là Nhà Tưởng niệm, mà sau 5 năm tốn 2 triệu USD, dự án này vẫn chỉ là một ngôi nhà hoang, hôi hám và đầy chuột.
Thabiso Zulu, một người “tuýt còi” nạn tham nhũng ở xã Umzimkhulu, đang phải lẩn trốn vì sợ bị giết, nói với TNew York Times: ''Chúng tôi đã phá luật Omerta” và nói ANC nay giống như một tổ chức Mafia.
Vì phá luật im lặng, Zulu và một đảng viên ANC khác nay bị nguy hiểm ngiêm trọng, theo báo cáo hồi tháng 8 của Văn phòng Công tố nhân dân (OPP), một cơ quan điều tra tham nhũng của chính phủ Nam Phi, vốn nêu hai người “tuýt còi” này sợ “họ có thể bị ám sát bất kỳ lúc nào”.
Cuộc điều tra của OPP khiến không thể nâng cấp Nhà Tưởng niệm. Xã trưởng Mphuthumi Mpabanga của xã Umzimkhulu nói dự án này là “giấc mơ giúp đổi đời dân nghèo trong xã”. Nhưng đại bộ phận dân nghèo nói họ vẫn sống khổ cực.
Zulu từng muốn trở thành đảng viên ANC, như bà nội của anh, và anh đã tham gia nhóm thanh niên có cả cháu của Mandela và do Magaqa làm thủ lĩnh. Zulu cũng trở thành một chiến sĩ chống tham nhũng trong tỉnh KwaZulu-Natal, và Magaqa cung cấp tài liệu về Nhà Tưởng niệm.
New York Times đã xem tài liệu này và cho biết nhà thầu trúng gói thầu trị giá 1,2 triệu USD năm 2013, và chính quyền tỉnh chi 2/3 số tiền cho công ty trúng thầu, dù công trình quá chậm tiến độ. Hai năm sau, công ty và nhà thầu phụ không thể hoàn tất công trình, chính quyền thuê nhà thầu khác, tốn thêm 1 triệu USD nữa.
Zulu nhận tài liệu, hứa tìm hiểu vụ việc với người của anh trong cảnh sát tỉnh. Rồi những vụ giết người bắt đầu xảy ra. Ban đầu là 3 phát đạn cảnh cáo vào mặt tiền trụ sở chủ tịch hội đồng tỉnh Khaya Thobela, người bị bắn chết vài tuần sau đó. Một tháng sau, người thừa nhiệm Mduduzi Shibase bị ám sát ngay trước cổng nhà ông. Hai người này đều ủng hộ cuộc chống tham nhũng của Magaqa.
Và ngày 13.7.2017, hai sát thủ xả đạn súng tiểu liên, lúc người thanh niên 34 tuổi này chỉ vừa rút được súng dưới ghế trước chiếc xe Mercedes của anh. Magaqa chưa chết tại chỗ, chỉ qua đời trong bệnh viện sau 8 tuần chữa trị ở bệnh viện. Gia đình anh nói anh đang hồi phục thì bị đầu độc.
Trong gần 40 chính khách Nam Phi bị giết năm 2017, Magaqa nổi tiếng nhất. Đài truyền hình trực tiếp đám ma kéo dài 5 giờ rưỡi của anh, hàng trăm người đến đưa tang gồm một số chính khách ANC và một bộ trưởng ngồi trực thăng đến dự.
Tiếp đó, Zulu mỗi đêm ngủ mỗi chỗ khác nhau vì sợ bị ám sát. Hai vệ sĩ theo anh suốt, do gia đình lớn của anh thuê. Zulu nói anh như “một con thú bị săn”.
Magawa là người tỉnh KwaZulu-Natal, nơi có nhiều đảng viên ANC bị giết nhất, với 80 người bị giết từ năm 2011 đến 2017. Năm 2016 có 31 chính khách bị ám sát, tăng gấp đôi so với năm 2015.
Ngay cả nhân viên cấp phường xã cũng có vệ sĩ và nhiều chính khách phải thủ súng. Mluleki Ndobe, trưởng một huyện là nơi Magaqa cùng 5 chính khách ANC khác bị giết trong năm 2017, nói: “Thời trước khi đạt được dân chủ, chúng tôi còn biết kẻ thù là một chế độ bất công. Nay thì bạn không biết ai là kẻ thù”.
Đám ma Magaqa - Ảnh: New York Times
“Liên minh ma quỷ đứng trên cả đảng ANC”
Khoảng 90 chính khách bị giết kể từ đầu năm 2016, tăng gấp đôi so với tỉ lệ chết hàng năm trong 16 năm trước đó, theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Cape Town và tổ chức Sáng kiến Toàn cầu chống tội phạm xuyên quốc gia (GIATC).
Các vụ giết người đã trở thành một cuộc khủng hoảng quốc gia, và trong năm 2018, lần đầu tiên cảnh sát công bố dữ liệu về những vụ ám sát chính trị, trong khi Tổng thống Cyril Ramaphosa phàn nàn những vụ ám sát này làm mờ xỉn giấc mơ của vị cha già dân tộc quá cố Mandela.
Nhưng Tổng thống Ramaphosa đang phải chật vật tìm sự đoàn kết trong đảng ANC, trước khi diễn ra cuộc bầu cử năm 2019, nên ông gần như không làm gì để ngăn chặn bạo lực.
Chính phủ của ông Ramaphosa thậm chí còn chính thức yêu cầu cảnh sát bảo vệ 2 người “tuýt còi” trong vụ Nhà Tưởng niệm. OPP đã yêu cầu cảnh sát quốc gia bảo đảm an ninh cho những người “tuýt còi”, đồng thời khiển trách Bộ trưởng Cảnh sát “quá cẩu thả” không thực hiện yêu cầu.
OPP còn chuyển thông điệp này đến Tổng thống Ramaphosa, rằng ông phải khẩn cấp thực hiện việc bảo vệ những người “tuýt còi” nhưng ông không hồi âm.
New York Times dẫn lời các cựu và đương kim quan chức, rằng việc chính phủ Ramaphosa không hành động gì phản ánh ANC không thể hoặc không muốn ngăn chặn đấu đá nội bộ, vì sợ phơi bày nạn tham nhũng và phạm pháp trong hàng ngũ đảng.
Makhosi Khoza, một cựu chính khách ANC có uy tín, nay làm việc cho tổ chức chống tham nhũng OUTA, nói: “Những liên minh ma quỷ đứng cả trên đảng. Đó là lý do tại sao ANC không quan tâm vụ này, bất kể đã có quá nhiều vụ ám sát”.