Ai cũng bảo du lịch không gian đang phát triển cực mạnh, nhưng có thực là như thế không?

Vũ Huế |

58% người Mỹ được khảo sát cho biết họ không quan tâm du lịch không gian là cái gì. 42% còn lại tuy có để ý nhưng vẫn lắc đầu bởi "tiền đâu mà đi".

Chúng ta vẫn thường nghe câu "Du lịch không gian đang phát triển", song thực tế có thể trái ngược hoàn toàn.

20 triệu USD cho một chuyến đi 8 ngày

Đó là số tiền mà doanh nhân Mỹ, Dennis Tito chi ra vào năm 2001, để trở thành hành khách đầu tiên trong lịch sử được du lịch không gian. Nó tương đương với khoảng 466 tỉ đồng tiền Việt.

Dennis Tito - hành khách du lịch không gian đầu tiên

Với 20 triệu đô ấy, Tito có một chuyến đi dài suýt soát 8 ngày trên một phi thuyền của Nga, và bay quanh Trái đất hẳn 128 vòng. Trong 10 năm sau đó, ngành du lịch không gian có thêm 6 hành khách nữa, thu về 40 triệu USD, tương đương 932,5 tỷ đồng.

Vì mục tiêu thu hút du khách, một số nhân vật siêu giàu đã nỗ lực xoay xở cách để giảm chi phí cho hoạt động du lịch vũ trụ.

Năm nay, 2018, tỷ phú Elon Musk (Mỹ) tung ra tên lửa tái sử dụng của SpaceX. Jeff Bezos (Mỹ) thì chọn phát triển cơ sở hạ tầng mới. Cả Richard Branson (Anh) cũng không kém cạnh, giảm giá vé xuống còn có 250.000 USD/chuyến, tương đương với 5,83 tỷ đồng.

Ai cũng bảo du lịch không gian đang phát triển cực mạnh, nhưng có thực là như thế không? - Ảnh 1.

Tên lửa Falcon Heavy của SpaceX, phóng vào tháng 6/2018

Du khách thì vừa lo đắt vừa lo ảnh hưởng đến sức khỏe

Dù giá vé du lịch không gian đã giảm đáng kể, và Branson cũng cho biết đã thành công bán được 650 vé, tương lai của du lịch vũ trụ vẫn rất mơ hồ. Thực tế thì có bao nhiêu người sẽ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn như thế, chỉ để bay vào vũ trụ?

Ai cũng bảo du lịch không gian đang phát triển cực mạnh, nhưng có thực là như thế không? - Ảnh 2.

Ai sẽ muốn thưởng thức một chuyến du hành vào không gian?

Theo kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), 58% công dân Hoa Kỳ không buồn bận tâm đến chuyện sẽ đi du lịch thiên hà vào một ngày nào đó. Ngoài vấn đề tiền bạc đắt đỏ, họ cũng lo sợ chuyện sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng nữa.

Chỉ còn 42% là hơi hơi hứng thú. Tuy nhiên, lý do khiến họ "hơi hơi hứng thú" cũng chẳng mấy thuyết phục. Chung quy chỉ là muốn thử "trải nghiệm điều gì đó độc đáo" xem thế nào.

Còn các tỷ phú vẫn thoải mái đầu tư không tiếc tiền

Bất chấp điều đó, giới tỷ phú đam mê vũ trụ vẫn tiếp tục đổ tiền vào các dự án phát triển du lịch thiên hà. Cả Blue Origin của Bezos lẫn Virgin Galactic của Branson đều đang nhắm tới các chuyến bay ngắn, đưa du khách ra đến rìa không gian.

Elon Musk (Mỹ) - ông trùm của SpaceX thì còn tham vọng hơn. Ông muốn chinh phục được sao Hỏa.

Ai cũng bảo du lịch không gian đang phát triển cực mạnh, nhưng có thực là như thế không? - Ảnh 4.

Một số hãng hàng không cũng đã ít nhiều rục rịch. Tối thiểu cũng có 2 hãng đầu tư vào ngành du lịch này, đó là Japan Airlines và All Nippon Airways.

Tất nhiên là với tiền bạc như vô hạn mà các tỷ phú rót vào, cơ sở vật chất của du lịch không gian thật sự đang mỗi ngày một phát triển. Giá vé cũng giảm mạnh, hấp dẫn khó ngờ. Chỉ du khách tiềm năng là vẫn chưa thôi do dự.

Ai cũng bảo du lịch không gian đang phát triển cực mạnh, nhưng có thực là như thế không? - Ảnh 5.

Cũng theo kết quả khảo sát của Pew, chỉ 50% người tham gia tin rằng du lịch không gian sẽ trở nên phổ biến trong 50 năm tới. Có vẻ như ngoài các tỷ phú ra, thì vẫn rất hiếm người muốn hiện thực hóa ước mơ "bay tới các vì sao".

Theo National Geographic

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại