Bản chất cơ bản của âm thanh là những dao động cơ học của các phân tử và nguyên tử trong môi trường mà nó truyền qua. Âm thanh cũng giống như nhiều sóng, được đặc trưng bởi tần số, bước sóng, chu kỳ, biên độ và vận tốc lan truyền (tốc độ âm thanh).
Đối với thính giác của người, âm thanh thường là sự dao động trong khoảng tần số từ 20 Hz đến khoảng 20kHz của các phần tử không khí và lan truyền trong không khí, va đập vào màng nhĩ, làm rung màng nhĩ và kích thích bộ não.
Chính vì là dao động cơ học nên âm thanh không thể truyền trong môi trường chân không, nơi không hiện diện phân tử hay nguyên tử nào.
Trong trạm hoặc tàu vũ trụ, các phi hành gia có thể nói chuyện với nhau bình thường do ở đây vẫn có không khí. Vậy ở ngoài vũ trụ, các du hành gia sẽ phải làm thế nào để nghe được âm thanh?
Thực tế, Khi con người thực hiện những bức tiến đầu tiên của mình ra ngoài vũ trụ, vấn đề giao tiếp giữa các phi hành gia đã từng là một bài toán khó. Sau nhiều nỗ lực của các chuyên gia, vấn đề đã được giải quyết bằng phương pháp truyền âm thanh qua sóng điện từ.
Về cơ bản sóng điện từ là những dao động của điện trường và từ trường lan truyền trong không gian, chúng có thể truyền dễ dàng trong môi trường chân không.
Khi lĩnh vực du hành vũ trụ phát triển, các nhà khoa học đã thiết kế một thiết bị ghi âm nhỏ được lắp ở phía trong mũ bảo hộ, ghi lại giọng nói của phi hành gia.
Sau đó, âm thanh sẽ chuyển thành sóng điện từ rồi truyền sang mũ của người khác, hoặc truyền về trạm thu Trái Đất. Phương pháp mã hóa này tương tự cách dẫn truyền của những chiếc đài radio mà chúng ta sử dụng.
Tuy nhiên, đôi khi việc truyền sóng gặp trục trặc khiến cho cách giao tiếp này bị vô hiệu. Và để khắc phục tạm thời, các phi hành gia sẽ sử dụng đến một giải pháp thay thế khác, đó là chạm mũ vào nhau. Lúc này, âm thanh sẽ truyền sang môi trường rắn đến khí và đến tai người nghe!