Du hành vũ trụ là một trải nghiệm hoàn toàn xa lạ với cơ thể của mỗi chúng ta. Cùng với đó, sự thay đổi trọng lực sẽ có tác động nghiêm trọng đến cơ thể của con người và điều này sẽ dẫn đến một sự tiến hóa để thích ứng trong không gian.
Để hạn chế những thay đổi tiêu cực, một nhóm các nhà khoa học tại Công ty SpaceWorks, Mỹ đã tạo ra những giấc “ngủ đông” cho các nhà du hành vũ trụ.
Theo John Bradford - Chủ tịch của SpaceWorks chia sẻ: “Chúng tôi rất tin tưởng vào khả năng có thể khiến những nhà du hành ngủ đông trong 14 ngày”. Hai tuần này sẽ là giấc ngủ dài với nhiệt độ cơ thể hạ xuống 5 độ C, đồng thời hạn chế quá trình trao đổi chất đến 50-70%.
Tương tự như phương thức ngủ đông của loài gấu, những phi hành đoàn ngủ đông sẽ tiêu thụ ít oxy và các nguồn năng lượng khác do không phải vận chuyển và hoạt động như khi thức giấc. Nhờ đó, những chiếc tàu vũ trụ có thể làm nhỏ hơn, nhẹ hơn, hoặc mang theo nhiều hành khách hơn, tiết kiệm chi phí cho chuyến đi.
Sau một giấc ngủ kéo dài 2 tuần, những phi hành gia này sẽ được làm ấm, thức dậy và mất vài ngày để phục hồi trạng thái ban đầu. Sau đó, họ tiếp tục ngủ đông và lặp lại chu kỳ cho đến khi tàu đã đến được hành tinh khác.
Theo Bradford, giấc ngủ đông sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất, điều này có thể giúp chống sự teo cơ, khử khoáng xương và lực tác động bên trong hộp sọ của các phi hành gia do lực hấp dẫn. Kết quả nghiên cứu còn chỉ ra rằng, giấc ngủ đông này còn có thể giúp chống lại bức xạ.
Cho đến thời điểm hiện tại, việc đưa ai đó vào trạng thái ngủ đông từ 1 đến 3 ngày vẫn chưa được xem là một điều bình thường, và khiến nhiều người nghi vấn. Tuy nhiên, một sô báo cáo tại châu Âu đã ghi lại rằng vẫn có trường hợp bệnh nhân được ướp lạnh trong một tuần mà không có tác dụng phụ.
Bradford tin rằng con người có thể ngủ đông lâu hơn thế, và đang tiến hành những nghiên cứu để con người có thể ngủ đông đến 30 ngày mà không gặp những tác dụng phụ.