Mục tiêu ổn định tình hình kinh tế Afghanistan của Mỹ có thể bị phá sản vì những trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào Iran.
Tại sao lại như vậy? Câu trả lời chính là khu tổ hợp cảng biển lớn ở miền Nam Iran, vốn được cho là đóng vai trò hành lang vận chuyển hàng hóa thương mại cho Afghanistan. Đây sẽ là tuyến vận chuyển huyết mạch mới tới Ấn Độ Dương của Afghanistan, quốc gia có vị trí địa lý không giáp biển. Vị trí địa lý này gây bất lợi lớn cho Afghanistan trong việc tiếp cận giao thương bằng đường biển với thế giới, từ đó kìm hãm sự phát triển kinh tế quốc gia.
Vì tầm quan trọng của giao thương đường biển, Afghanistan phải nhờ cậy tới Iran. Trong đó, dự án Cảng biển Chabahar tại Iran do Ấn Độ đang đứng đầu để đầu tư và phát triển dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại giá trị hàng triệu USD cho nền kinh tế Afghanistan. Ấn Độ hiện cũng phụ thuộc vào Iran để tiếp cận và giao thương với Afghanistan. Với Afghanistan, phát triển thương mại thông qua Iran là cách để họ giảm phụ thuộc vào nước láng giềng nhưng luôn có quan hệ căng thẳng là Pakistan.
Tuy nhiên, những trừng phạt của Mỹ với Iran sẽ đi kèm với các “trừng phạt phụ” nhằm vào các nước thứ 3 làm ăn với nước Cộng hòa Hồi giáo. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ dự án Cảng biển Chabahar có thể bị bỏ dang dở.
Một phần trong dự án Cảng biển Chabahar cũng nhằm xây dựng nền tảng cơ sở vật chất để Afghanistan thúc đẩy ngành khai thác mỏ giàu tiềm năng. Ấn Độ, Iran và Afghanistan đã ký kết một biên bản ghi nhớ năm 2016 để thực hiện các dự án phát triển trị giá 21 tỷ USD, trong đó có khoản đầu tư 9 tỷ USD cho cảng Chabahar và phần còn lại để thúc đẩy xuất khẩu quặng thép của Afghanistan.
“Thỏa thuận 3 bên này tập trung vào phát triển Afghanistan. Nó sẽ giúp Afghanistan kiếm thêm thu nhập và trực tiếp thúc đẩy chiến lược tăng trưởng kinh tế. Nó cũng giúp tạo cơ hội việc làm cho giới trẻ Afghanistan và là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn các thanh niên bị chiêu mộ và gia nhập những tổ chức khủng bố như Taliban, al-Qaeda hay IS”, ông Ashraf Haidari, Tổng Giám đốc bộ phận chính sách và chiến lược thuộc Bộ Ngoại giao Afghanistan chia sẻ với CNBC.
Ông Ashraf Haidari khẳng định, Afghanistan cần duy trì và phát triển dự án Cảng biển Chabahar vì các lý do an ninh. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội tiềm năng để quốc gia này trở thành cầu nối thực sự cho Nam và Trung Á.
Sau cuộc chiến hao người tốn của kéo dài gần 17 năm của Mỹ tại Afghanistan để chống lại phiến quân Taliban, đến nay quốc gia Nam Á này vẫn bị nhấn chìm trong nghèo đói, thất nghiệp và chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa bị nhổ bỏ tận gốc. Trong nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã hỗ trợ các cam kết của Ấn Độ trong việc vực dậy nền kinh tế Afghanistan, vốn phụ thuộc phần lớn vào hỗ trợ nước ngoài và thậm chí là những viện trợ này đều phải đi qua Iran.
Rõ ràng, trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Iran về lâu dài sẽ đe dọa tới chính chiến lược của Mỹ nhằm ổn định tình hình Afghanistan thông qua phát triển kinh tế.
CNBC dẫn lời nhà nghiên cứu Marcus Chenevix về Trung Đông-Bắc Phi tại TS Lombard cho biết: “Chính sách cô lập Iran ảnh hưởng trực tiếp và đi ngược lại những lợi ích của Mỹ tại Afghanistan. Theo đó, Afghanistan có thể phải cắt đứt quan hệ với một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nước này”.
Theo nhà nghiên cứu Marcus Chenevix, chính quyền Tổng thống Trump sẽ giáng một đòn mới vào nền kinh tế Afghanistan vào thời điểm chính phủ Afghanistan vẫn đang chật vật để khôi phục đất nước sau cuộc chiến dai dẳng với Taliban.
“Afghanistan, Ấn Độ và Pakistan sẽ phải hứng chịu phản ứng dây chuyền từ chính sách trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Những triển vọng về ổn định Afghanistan và Mỹ cuối cùng cũng rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan cần đến sự hợp tác của tất cả các nước trong khu vực, trong đó có Iran”, Giám đốc về chiến lược thị trường tại Ngân hàng đầu tư Exotix có trụ sở tại London (Anh) nhận định.
Trừng phạt của Mỹ với Iran là điều chắc chắn không thể tránh khỏi. Song Tổng Giám đốc bộ phận chính sách và chiến lược thuộc Bộ Ngoại giao Afghanistan Haidari vẫn hy vọng dự án Chabahar sẽ là “ngoại lệ” và nằm ngoài vòng trừng phạt của Washington.
"Chúng tôi tin tưởng rằng đây có thể là trường hợp ngoại lệ. Theo đó, các biện pháp trừng phạt sắp tới của Mỹ với Iran sẽ không làm suy yếu lợi ích đầu tư của Ấn Độ, đặc biệt là việc thực hiện thỏa thuận ba bên Ấn Độ, Iran và Afghanistan”./.