Ả rập Saudi tuyên bố không bán dầu cho các nước áp giá trần

Hải Yến |

Riyadh sẽ không bán dầu cho các quốc gia áp đặt trần giá dầu của Ả rập Saudi - Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz bin Salman Al Saud cho biết.

Ngày 14/3, trong một cuộc phỏng vấn với Energy Intelligence, Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Saudi Abdulaziz bin Salman Al Saud bình luận về dự luật chống cartel NOPEC (dự luật Không liên kết các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu).

Theo đó giả định chính phủ Mỹ có thể đưa ra các tuyên bố chống độc quyền đối với các thành viên OPEC và các đối tác của họ.

"Nếu xuất khẩu dầu của Saudi bị hạn chế, chúng tôi sẽ không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào áp đặt mức trần đối với giá cung cấp của chúng tôi và sẽ giảm sản lượng dầu. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các quốc gia khác cũng làm như vậy" - ông nói .

Theo Bộ trưởng, việc thông qua dự luật sẽ dẫn đến mất cân đối cung cầu trên thị trường xăng dầu. Ngoài ra, ông cũng chỉ trích chính sách hạn chế giá dầu vì nó gây ra sự biến động trên thị trường và kìm hãm sự phát triển của ngành.

"Tôi buộc phải lặp lại quan điểm của mình, điều mà tôi đã chính thức tuyên bố vào tháng 8 và 9 năm ngoái. Thực tế là một chính sách (hạn chế giá dầu) như vậy chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm sự bất ổn và biến động của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp dầu mỏ" - ông nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, OPEC+ đã nỗ lực hết sức và đạt được thành công trong việc đảm bảo sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu.

Trước đó, ngày 6/3, trái với dự báo của các chuyên gia, Ả rập Saudi đã tăng giá dầu tháng 3 đối với châu Á, châu Âu và Mỹ. Giá dầu Arab Light cho người mua châu Âu tăng 2 USD/thùng, cho Mỹ tăng 30 xu, cho các nước châu Á tăng 20 xu.

Ngày 4/2, Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Saudi cho biết chính sách trừng phạt mở rộng ra thị trường năng lượng thế giới có thể là nguyên nhân hạn chế nguồn cung năng lượng.

Ngày 5/10/2022, các thành viên OPEC+ đồng ý giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng mỗi ngày bắt đầu từ tháng 11 và kéo dài thỏa thuận này cho đến cuối năm 2023. Bất chấp khủng hoảng năng lượng và giá năng lượng tăng cao ở các khu vực khác, bước đi này đã được tất cả các thành viên của liên minh ủng hộ, trong đó có Nga.

Quyết định trên đã gây ra sự bất mãn với chính quyền Mỹ, vốn yêu cầu tăng sản lượng dầu. Vì vậy, đáp lại, Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Murphy cho rằng, sau khi Ả rập Saudi đứng về phía Nga và OPEC+, Tổng thống Biden nên “xem xét lại quan hệ với Ả rập Saudi”.

Tổng thống Joe Biden ngày 12/10/2022 tuyên bố Mỹ sẽ có hành động chống lại Ả rập Saudi sau quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC+, bởi điều này chứng tỏ Ả rập Saudi phối hợp chính sách năng lượng với Nga.

Ngày 17/10, nhà báo Andrew England của tờ Financial Times chỉ ra nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định thực hiện các lời đe dọa của mình, bao gồm cấm vận chuyển vũ khí và đàm phán lại hợp tác an ninh, Washington có thể mất đi một đồng minh quý giá ở Trung Đông.

Tuy nhiên, tác giả nhấn mạnh, do chính sách của nhà lãnh đạo Mỹ, ngày nay mối quan hệ đồng minh giữa Washington và Riyadh đang bị đe dọa.

Theo IZ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại