Tại bãi thử nghiệm ở vùng nông thôn Ukraine, một máy bay không người lái (UAV) trang bị bom đã mất kết nối với người điều khiển sau khi bị tấn công bằng thiết bị áp chế điện tử. Nhưng thay vì rơi xuống đất, chiếc UAV đã tăng tốc về phía mục tiêu và phá hủy nó.
Chiếc UAV này đã tránh được số phận của hàng nghìn UAV khác trong cuộc xung đột hiện nay nhờ phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) mới có tính đến khả năng bị áp chế điện tử.
AI giúp UAV hoàn thành nhiệm vụ ngay cả khi mục tiêu của nó đang di chuyển, cho thấy sự nâng cấp đáng kể so với các UAV thông thường.
Ukraine thử nghiệm UAV Punisher ở ngoại ô Kiev ngày 15/7/2023. Ảnh: Washington Post
Ngày càng nhiều công ty UAV của Ukraine chú trọng phát triển công nghệ AI, tăng khả năng sát thương trong tác chiến UAV, đặc biệt trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải chiến đấu với một lực lượng lớn mạnh hơn và được trang bị tốt hơn như Nga.
Những cải tiến về tốc độ, phạm vi bay, tải trọng và các khả năng khác có tác động ngay lập tức trên chiến trường, cho phép Ukraine phá hủy các phương tiện của Nga, cho nổ tung các chốt giám sát và thậm chí tấn công cầu Crimea.
Cuộc chạy đua công nghệ 24/7
Hơn 200 công ty Ukraine tham gia sản xuất phương tiện không người lái hiện đang hợp tác chặt chẽ với các đơn vị quân đội ở tiền tuyến để cải thiện khả năng của UAV ở cả khía cạnh tấn công và do thám đối phương.
"Đây là cuộc chạy đua công nghệ 24/7. Thách thức là mọi sản phẩm trong mọi danh mục phải được thay đổi hàng ngày để đạt được lợi thế", Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở thủ đô Kiev.
Ông Fedorov hiện đang phụ trách chương trình "Đội quân UAV" của Ukraine, một nỗ lực nhằm tối đa hóa việc sử dụng phương tiện không người lái do thám và tấn công của Kiev để bù lại những bất lợi trước sức mạnh không quân và pháo binh của Nga.
Kể từ khi xung đột bùng phát, Ukraine đã sử dụng UAV để giám sát và tấn công các mục tiêu nhạy cảm cách xa chiến tuyến của đối phương, đồng thời cải thiện độ chính xác của pháo thông thường. Tuy nhiên, UAV có hỏa lực kém hơn nhiều so với máy bay chiến đấu, đó là lý do tại sao Kiev đã yêu cầu phương Tây cung cấp F-16 và các vũ khí đắt tiền khác như hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS (viết tắt của Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội). Mặt khác, phát triển ngành công nghiệp UAV trong nước là ưu tiên hàng đầu của Ukraine.
Ông Dmytro Kovalchuk, đồng sáng lập hãng sản xuất UAV Warbirds của Ukraine cho biết chương trình do Phó Thủ tướng Fedorov phụ trách đã đẩy nhanh các hợp đồng mua sắm giữa các công ty và Bộ Quốc phòng, rút ngắn quy trình hợp thức hóa "từ 2 năm xuống còn 2 tháng".
Bộ Quốc phòng Ukraine cũng đã chia sẻ thông tin về công nghệ gây nhiễu của Nga với các công ty UAV, cho phép họ thử nghiệm sản phẩm của mình chống lại một số vũ khí chiến tranh điện tử tinh vi nhất thế giới – điều mà nhiều công ty UAV trên thế giới không có.
Các nhà sản xuất UAV cũng nhận được phản hồi liên tục từ tiền tuyến, cho phép họ điều chỉnh ngay, vá lỗ hổng và cải thiện khả năng sát thương.
UAV sẽ đóng vai trò quyết định trong tác chiến
Ông Fedorov ước tính Nga đang phá hủy khoảng 1.000 UAV của Ukraine mỗi tháng. Các ước tính khác đưa ra tỷ lệ tổn thất ở mức 10.000 mỗi tháng, buộc Kiev phải tìm cách tăng cường sản xuất các phương tiện bay không người lái (UAV).
Trên một cánh đồng hoa hướng dương ở ngoại ô Kiev, các nhân viên của UA Dynamics đã thử nghiệm Punisher, một UAV tấn công với phần khung mỏng, rất khó phát hiện trên bầu trời. Trong quá trình diễn tập, chiếc UAV thả một chất nổ mô phỏng nặng 2,5kg cách nhóm người quan sát thử nghiệm vài bước chân. Nhóm người này hoàn toàn không nhận ra sự xuất hiện của UAV vì động cơ gần không phát ra tiếng ồn.
Max Subbotin, người phát ngôn của công ty cho biết họ đang chế tạo một UAV tấn công mới có thể mang theo 4 quả đạn dược như vậy, tổng trọng lượng 10kg.
Tại thành phố Lviv, các kỹ sư của Twist Robotics đã trình bày các video thử nghiệm phần mềm hỗ trợ AI, giúp nâng cấp vũ khí cho UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine. Loại UAV giá rẻ mà Ukraine sản xuất hàng nghìn chiếc mỗi tháng này có thể mang bom nhưng dễ bị Nga áp chế điện tử. Tuy nhiên, Rostyslav Olenchyn, người sáng lập Twist Robotics cho biết tính năng nhắm mục tiêu mới do AI cung cấp cho phép nó tiếp tục khóa mục tiêu ngay cả khi mất liên lạc với người điều khiển do bị kẹt hoặc có sự hiện diện của một vật thể lớn như đồi, Rostyslav Olenchyn, người sáng lập Twist Robotcs cho biết.
"Nó giống như Javelin của người nghèo", một kỹ sư của Twist Robotics cho biết, đề cập đến tên lửa vác vai do Mỹ sản xuất để minh họa cách UAV FPV có thể thay thế vũ khí thông thường vốn là nguồn tài nguyên khan hiếm trong quân đội Ukraine.
Ông Eric Schmidt, cựu giám đốc điều hành Google và là người tư vấn cho Lầu Năm Góc về công nghệ AI, đánh giá cao những tiến bộ của Ukraine trong lĩnh vực UAV. Ông nhận định, UAV sẽ đóng vai trò quyết định trong tương lai tác chiến trên bộ, trên không và trên biển, trong các lĩnh vực rà phá bom mìn và hình thành "bầy đàn UAV cảm tử (kamikaze) được hỗ trợ bởi AI".
"Tương lai của chiến tranh sẽ do UAV quyết định và tiến hành", ông Schmidt nói.
Mối đe dọa đối với tương lai
Sự tăng tốc của công nghệ UAV đã khiến các chuyên gia an ninh lo ngại do ngày càng có nhiều tác nhân phi quốc gia (non-state actor – các tổ chức hoặc cá nhân có tầm ảnh hưởng chính trị nhất định, nhưng không phải là đồng minh và không chịu sự tác động của bất kì nước nào. Một tổ chức khủng bố là ví dụ về một tác nhân phi quốc gia bạo lực) sử dụng UAV cho mục đích sát thương, bao gồm Hezbollah ở Lebanon, Houthis ở Yemen, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria, hay các băng đảng ma túy tại Mexico.
Chi phí chế tạo một UAV có kích thước như MQ-9 Reaper vượt quá khả năng của các nhóm như vậy, nhưng việc có được và sử dụng phần mềm UAV được hỗ trợ AI thì không.
Các cường quốc quân sự từ lâu đã phải đấu tranh với các vấn đề đạo đức khi cho phép máy móc sử dụng vũ lực gây chết người trong chiến đấu. Cố vấn quân sự hàng đầu của Tổng thống Biden, Tướng Mark Milley, cho biết Washington yêu cầu "con người" phải ở trong "vòng ra quyết định" và gần đây đã kêu gọi các nước khác áp dụng các tiêu chuẩn tương tự.
Phó Thủ tướng Ukraine Fedorov thừa nhận sự phổ biến của công nghệ AI là một "mối đe dọa đối với tương lai", nhưng nhấn mạnh Kiev phải ưu tiên cuộc xung đột trước mắt để sinh tồn.
Mặc dù các kỹ sư công nghệ ngạc nhiên trước sự đổi mới trong lĩnh vực UAV của Ukraine, một số người cảnh báo rằng nó không phải là thuốc chữa bách bệnh cho những thách thức quân sự của Kiev.
Ông Andrey Liscovich, cựu giám đốc điều hành của Uber và hiện đang hỗ trợ Ukraine, cho biết UAV tấn công của Kiev khó có thể mang lại lợi thế quyết định trong cuộc phản công vì phạm vi hoạt động, kích thước và trọng tải hạn chế, cũng như địa hình không bằng phẳng kéo dài nhiều km với các bãi mìn và chiến hào dày đặc của Nga.
Thay vào đó, ông nói, UAV do thám của Ukraine mới là yếu tố hứa hẹn nhất sẽ mang lại lợi thế cho Kiev. Ông nói: "UAV do thám có thể làm tăng theo cấp số nhân hiệu quả của gần như tất cả các loại vũ khí trong kho của Ukraine, đặc biệt là pháo binh, mang lại đòn bẩy tức thì lớn nhất trên chiến trường cho Kiev".