Đâu là "viên đạn bạc" cho Ukraine để phá hủy hệ thống phòng thủ Nga?
Trước khi triển khai cuộc phản công vào đầu tháng 6, Ukraine đã nhận được nhiều thiết giáp từ phương Tây, như xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Bradley. Tuy nhiên, số lượng xe tăng đó dường như vẫn chưa đủ để giúp Ukraine xuyên thủng hàng phòng thủ của Nga. Ukraine cần nhiều hơn nữa, không chỉ là thiết bị và vũ khí, để giành ưu thế trong cuộc phản công và đẩy lùi lực lượng Nga.
Business Insider dẫn lời một chuyên gia quân sự cho biết, Leopard là xe tăng có khả năng chiến đấu mạnh mẽ, nhưng nó sẽ không phải là "viên đạn bạc" cho Ukraine. Chuyên gia này cũng đưa ra nhận xét tương tự đối với các xe bọc thép khác phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Quân đội Ukraine tiến hành huấn luyện xe tăng Leopard 2 tại bãi thử. Ảnh: Getty Images
Từ vài tháng trước, khi Ukraine chuẩn bị cho kế hoạch phản công, Nga cũng bắt đầu hoạt động đặt mìn quy mô lớn, bao gồm mìn chống tăng và mìn sát thương xung quanh các cứ điểm của quân Nga. Điều này đã cản trở đáng kể bước tiến của các binh sĩ và thiết giáp Ukraine.
Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny nói với tờ The Washington Post rằng, "không thể làm bất cứ điều gì chỉ với một chiếc xe tăng với vài lớp giáp, bởi vì bãi mìn quá dày đặc và sớm muộn gì lực lượng Ukraine cũng sẽ phải dừng lại và sau đó sẽ bị hỏa lực dồn dập của Nga tiêu diệt".
Trong một số trường hợp, quân đội Ukraine phải bỏ lại các phương tiện bọc thép và cố gắng đi bộ tiến lên. Trong các trường hợp khác, lực lượng Ukraine phải giảm tốc độ tấn công hoặc dừng lại. Điều này cho thấy quân đội Ukraine cần nhiều vũ khí và nguồn lực hơn nữa để chọc thủng hệ thống phòng thủ của Nga.
Theo New York Times, trong vài tuần đầu tiên của cuộc phản công, có tới 20% số xe tăng và xe bọc thép của Ukraine bị phá hủy, trong đó có nhiều phương tiện do phương Tây cung cấp. Đối với một số đơn vị Ukraine, số khí tài phương Tây bị mất thậm chí còn nhiều hơn.
Sau đó, tỷ lệ tổn thất trên chiến trường của Ukraine đã giảm xuống do các lực lượng nước này đã biết cách ứng phó với hỏa lực tầm xa từ Nga, nhưng việc di chuyển về phía trước dọc theo mặt trận lại bị hạn chế.
Dù xác nhận đã nhận được nhiều vũ khí hạng nặng từ phương Tây, các quan chức Ukraine cho biết nước này nhận chưa đến 15% trang thiết bị cũng như kỹ thuật cần thiết để tăng khả năng rà phá bom mìn. Ông Zaluzhny cho biết hiện Ukraine đang rất cần các thiết bị đặc biệt để rà phá bom mìn.
Theo ông Zaluzhny, lực lượng Ukraine được trang bị hệ thống rà phá bom mìn M58 Mine Clearing Line Charge (MICLIC) do Mỹ cung cấp, nhưng nguồn cung của chúng đang dần cạn kiệt. Hệ thống này được thiết kế để rà phá bom mìn từ xa và phá hủy các tuyến phòng thủ của đối phương. Ông Zaluzhny đánh giá các hệ thống M58 MICLIC có hiệu quả, nhưng các lực lượng của Ukraine cần nhiều hơn nữa những vũ khí này.
Thiết bị không phải là tất cả
Franz-Stefan Gady, một chuyên gia về chiến tranh tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), cho rằng, Ukraine cần được hỗ trợ để đẩy mạnh các đội hình cơ giới vốn hiếm khi được triển khai do thiếu trang thiết bị. Đồng thời, Ukraine cũng cần thêm thiết bị rà phá bom mìn, hệ thống phòng không, tên lửa điều khiển chống tăng,…
Khi tiến hành cuộc phản công, Ukraine không chỉ phải đối mặt với các bãi mìn mà còn gặp nhiều các rào cản khác đối với các bước tiến của xe tăng và lực lượng bộ binh như mạng lưới chiến hào, pháo binh và cả các xe tăng cũ hoạt động như pháo tự hành.
Ông Zaluzhny đã bày tỏ sự thất vọng với những kỳ vọng về một cuộc phản công nhanh chóng và mạnh mẽ của Ukraine, cho rằng "nếu không được cung cấp đầy đủ vũ khí, những kế hoạch phản công của Ukraine hoàn toàn không khả thi".
Ukraine không có đầy đủ các công cụ cho các hoạt động chiến đấu tạo ra bước đột phá, vượt qua bãi mìn hay xuyên thủng tuyến phòng thủ của Nga. Tuy nhiên, thiết bị không phải là vấn đề duy nhất mà các lực lượng Ukraine phải giải quyết trong cuộc phản công này. Theo ông Gady, các lực lượng Ukraine hiện không có khả năng phối hợp vũ khí để tác chiến quy mô lớn.
"Các bãi mìn là một vấn đề mà hầu hết các nhà quan sát đều đánh giá là yếu tố cản trở Ukraine. Chúng hạn chế khả năng cơ động và tốc độ của lực lượng Ukraine. Nhưng tác động lớn hơn nhiều so với các bãi mìn đối với khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga là Ukraine không có khả năng tiến hành các hoạt động vũ khí kết hợp phức tạp ở quy mô lớn, điều cần thiết để bảo vệ một đội quân tấn công", chuyên gia Gady cho hay.
"Việc thiếu cách tiếp cận vũ khí kết hợp toàn diện trên quy mô lớn khiến lực lượng Ukraine dễ bị tổn thương hơn trước pháo binh và tên lửa điều khiển chống tăng của Nga trong khi tiến công. Vì vậy, vấn đề của Ukraine không chỉ là về thiết bị. Không có hệ thống đơn lẻ nào có thể phá hủy tuyến phòng thủ của Nga", ông Gady nói thêm.
Các hoạt động vũ trang kết hợp là một khái niệm khó mà hầu hết quân đội, bao gồm Nga, chưa thể làm tốt. Đó là khả năng kết hợp hiệu quả, chẳng hạn như sử dụng các hoạt động kỹ thuật để cho phép các lực lượng như bộ binh, pháo binh, và cả không quân tấn công như một lực lượng chiến đấu thống nhất và gắn kết.
Việc không thể tiến hành các hoạt động tấn công phức tạp như vậy khiến Ukraine cảm thấy bị mắc kẹt trong một cuộc đấu pháo tiêu hao với Nga.
"Nếu không thể phá hủy hệ thống phòng thủ của Nga, Ukraine có thể sẽ phải đối mặt với trận chiến khó khăn và phải đưa ra chiến trường các đơn vị dự bị trong thời gian tới", ông Gady nói.
Theo chuyên gia Gady, nếu Ukraine không muốn điều đó xảy ra, nước này phải "đồng bộ hóa tốt hơn và điều chỉnh các chiến thuật hiện tại", đồng thời kết hợp hỏa lực hiệu quả và cơ động trên quy mô lớn trong mọi hoạt động.
"Nếu không làm như vậy, các thiết bị quân sự của phương Tây như xe tăng M1 Abrams của Mỹ có thể sẽ không thể hiện tính quyết định về mặt chiến thuật trong thời gian dài".