Mỹ không đủ ATACMS để chuyển đến điểm nóng

Kiên Bùi |

Theo Washington Post, Mỹ sẽ không thay đổi quyết định từ chối gửi tên lửa tác chiến-chiến thuật ATACMS tới Kiev trong tương lai gần.

Mỹ không đủ ATACMS để chuyển đến điểm nóng - Ảnh 1.

Hệ thống HIMARS được sử dụng để phóng ATACMS.

Báo Mỹ cho biết, Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết kiên quyết từ chối gửi tên lửa tầm xa tới Ukraine, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, bất chấp áp lực ngày càng tăng từ các nhà lập pháp và yêu cầu từ Kiev.

Nguồn tin trích dẫn các quan chức chính quyền và Lầu Năm Góc nói, không có thay đổi nào trong cách tiếp cận của nước này và không có cuộc thảo luận nội bộ nào về vấn đề này trong những tháng gần đây.

Mối quan tâm chính của các quan chức là số lượng hạn chế tên lửa loại này trong kho Lầu Năm Góc. Theo ấn phẩm, khoảng 4000 tên lửa đã được chế tạo kể từ khi bắt đầu sản xuất, trong đó có 900 quả đã được bán cho các đồng minh.

Mặc dù vậy tờ Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov cho biết, việc Mỹ chuyển giao ATACMS cho Ukraine đã dần rõ ràng và hệ thống này đủ sức gây khó cho Nga.

"Trên thực tế, việc Mỹ sẽ chuyển giao ATACMS cho Ukraine đã trở nên rõ ràng hơn sau khi Kiev nhận được tên lửa Storm Shadow - đó là một tín hiệu cho thấy rõ rằng, phương Tây không còn sự ngăn cản nào đối với việc chuyển giao tên lửa tầm xa cho Kiev.

Những tên lửa này sẽ tăng cường hỏa lực trong giai đoạn mới của cuộc phản công mà quân đội Ukraine chưa đạt được những thành tựu đáng kể. Các tên lửa này sẽ gây ra khó khăn cho chúng tôi, điều này không thể phủ nhận", chuyên gia Alexei Leonkov nói.

Vị chuyên gia lưu ý, ATACMS gây nguy hiểm cho Nga, nhưng bây giờ lực lượng Nga trước hết phải nghĩ đến việc phá hủy các bệ phóng HIMARS mà từ đó các tên lửa này sẽ được phóng, cũng như xác định và phá hủy các kho chứa những vũ khí này.

Ông Leonkov còn nhấn mạnh rằng, những tên lửa ATACMS có thể bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không Tor-M2 và Buk-M2/M3 của Nga, nhưng đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, bởi vì các bệ phóng ATACMS sẽ được triển khai ở khoảng cách xa các hệ thống phòng không của Nga.

Tên lửa ATACMS được Mỹ tạo ra vào giữa những năm 1980 vào lúc hoàng hôn của Chiến tranh Lạnh và được đưa vào phục vụ trong Quân đội Mỹ đầu năm 1991, đúng thời điểm diễn ra cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo chống lại Iraq thời Tổng thống Saddam Hussein.

ATACMS được thiết kế để hoạt động với nhiên liệu rắn. Tên lửa đạn đạo tấn công mặt đất có tầm bắn hiệu quả lên tới 300 km và vận tốc tối đa trong giai đoạn tăng tốc lên tới Mach 3 khiến chúng khó bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng không thế hệ cũ.

Các đặc điểm của ATACMS rất khác nhau tùy thuộc vào biến thể, số khối và cấu hình. Ví dụ, chúng có thể được trang bị đầu đạn phân mảnh nổ mạnh 500 pound (230 kg), chúng cũng có thể được trang bị các chất nổ khác có trọng lượng từ 160 đến 560 kg, bao gồm cả bom chùm.

Ngoài ra, còn có sự khác biệt đáng chú ý trong hệ thống dẫn đường của vũ khí, với các biến thể cũ hơn dựa trên dẫn đường quán tính, trong khi các tên lửa mới hơn bao gồm GPS tích hợp.

Giới quân sự Nga cho rằng, việc Mỹ cung cấp ATACMS cho Ukraine sẽ trở thành bước leo thang lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại